Phá rừng pơ mu ở Vườn quốc gia Hoàng Liên: Phá rừng cho "trùm buôn gỗ", chứ không phải để đóng quan tài!

Lam Anh – Chiên Hoàng Thứ hai, ngày 03/05/2021 10:07 AM (GMT+7)
Gỗ pơ mu sau khi bị khai thác, vận chuyển ra khỏi rừng được chuyển về nhà cất giấu, hoặc đưa thẳng đến các điểm thu mua ở một số xã ven Vườn Quốc gia Hoàng Liên, TX Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Bình luận 0

Qua nhiều ngày điều tra, nhiều cuộc trò chuyện với "lâm tặc", chúng tôi nhận thấy: cách nghĩ phổ biến kèm theo tiếng thở dài, "người dân đẵn vài cây gỗ về làm cột nhà, về đóng quan tài, có gì mà phải làm to chuyện", "ở rừng sống nhờ rừng, cái đó là tập quán lâu đời rồi" - là một lối nghĩ xa rời thực tế. 

Phá rừng pơ mu VQG Hoàng Liên (Bài 4): Phá rừng cho "trùm buôn gỗ", chứ không phải để đóng quan tài! - Ảnh 2.

Vẫn còn nhiều hộ dân sống trong vùng lõi Vườn quốc gia Hoàng Liên

Sự thật nằm ở cả hai chiều tư duy: thứ nhất, bà con thật thà, chín rạn hai vai, họ vẫn khổ, họ kiếm cơm vì bản thân họ và người thân. 

Thứ hai, đằng sau họ là những kẻ buôn gỗ. Vác gỗ ra khỏi vùng lõi Vườn quốc gia, lại là gỗ quý được bảo vệ cực kì nghiêm ngặt như pơ mu, kiểu gì cũng là sai. Cái sai lớn hơn là chúng ta chưa sờ gáy đến những con buôn "đạo diễn" cuộc chơi này để kiếm lợi kếch sù.

"Diện kiến" các mánh khóe của "ông trùm" buôn gỗ pơ mu

Gỗ pơ mu sau khi bị khai thác, vận chuyển ra khỏi rừng được những người phá rừng chuyển về nhà cất giấu, hoặc đưa thẳng đến các điểm thu mua ở một số xã ven Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Từ thông tin chia sẻ của những người phá rừng, nhóm phóng viên đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, thâm nhập các điểm thu mua gỗ pơ mu ở xã Tả Van, Hầu Thào, Bản Hồ… 

Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy dọc 2 bên đường là những nhà xưởng sản xuất gỗ và cửa hàng bán đồ gỗ với đủ các loại từ thông, gù hương cho đến pơ mu. Mùi thơm của gỗ ngập tràn không gian, tiếng cưa xẻ ồn ã giữa ban ngày ban mặt.

Phá rừng pơ mu VQG Hoàng Liên (Bài 4): Phá rừng cho "trùm buôn gỗ", chứ không phải để đóng quan tài! - Ảnh 2.

Gỗ pơ mu được trưng bày cho khách xem tại nhà "trùm" buôn gỗ tên H. ở Thị xã Sa Pa

Từng đoàn xe chở gỗ nối đuôi nhau ngược xuôi trên đường, trên thùng xe chất đầy gỗ được xẻ dạng vuông, dài như cột nhà. Dù là trong nhà, ngoài sân hay ngoài đường, chỗ nào cũng nhìn thấy hình ảnh từng tấm ván gỗ xếp chồng lên nhau.

Một nhà bán đồ gỗ tràn ra tỉnh lộ, chúng tôi trong vai "đại phú gia" đi mua hàng độc về trang trại. Chúng tôi vào một xưởng "chuyên pơ mu", trước con mắt dò xét của ông bà chủ, máy quay bí mật đã ghi nhận đủ các loại mặt hàng khác nhau: kháo đá, gù hương, pơ mu...

Chỉ vào một súc gỗ pơ mu mới "nhập hàng" từ rừng về, ông chủ thét với giá 3,5 triệu đồng. Bước vào trong nhà mùi thơm nồng của pơ mu kích thích khứu giác, tôi buột miệng: "Cái mùi này, ngửi đã biết là gỗ quý". 

Phá rừng pơ mu VQG Hoàng Liên (Bài 4): Phá rừng cho "trùm buôn gỗ", chứ không phải để đóng quan tài! - Ảnh 3.

Gỗ lũa pơ mu được bày bán như một "siêu thị" đồ gỗ ở Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai

Ông chủ đoán chúng tôi là khách "sành sỏi" bèn rút con dao to sắc lẻm ra. Anh ta cười hỉ hả, đưa dao gọt một miếng gỗ nhỏ, đưa lên mũi ngửi rồi đưa cho khách ra hiệu "hít đi". 

Anh ta tự hào: "Hàng chất lượng đấy, hàng này bây giờ hiếm lắm, đa phần không còn cây đứng trong rừng. Toàn cây gỗ già đã bị phá hết, chỉ còn gốc và rễ ở trong lòng đất, họ phải đào ra rồi vác từng miếng về đấy chứ". Đó là gỗ hương, rồi gỗ pơ mu, đủ cả.

Anh ta tiếp tục "show hàng". Chúng tôi bước theo hết các ngóc ngách, cuối cùng leo dọc cầu thang lẩy bẩy lên một cái gác xép khá tạm bợ. 

Anh ta dừng lại, bật đèn pin điện thoại: "Pơ mu dạng tấm phải giấu ở trên gác. Pơ mu xịn phải lên đây, đúng hàng lấy từ rừng Sa Pa, Lào Cai.

"Phải giấu pơ mu trên gác (tầng 2) vì đây là hàng quý hiếm, để nhiều ở dưới là không được. Đây toàn là hàng tươi hết, mới lấy về, người trong rừng họ mang ra bán. 

Ngày nào cũng có người mua và người bán đến nhà tôi chứ. Giá là 1,5 triệu đồng 1 tấm; 27 triệu đồng 1 mét khối", ông chủ nói chắc nịch.

Phá rừng pơ mu VQG Hoàng Liên (Bài 4): Phá rừng cho "trùm buôn gỗ", chứ không phải để đóng quan tài! - Ảnh 4.

Những tấm gỗ pơ mu còn tươi nguyên được cất giấu trên gác xép của người buôn gỗ tên H.

Vậy là, từ trong lõi rừng, đến các cửa rừng đầu nậu, người ta đều mô tả việc lấy gỗ pơ mu trong Vườn Quốc gia để bán cho đầu nậu, chứ có phải dùng cho việc đóng quan tài hay làm nhà cửa. 

Cơ quan chức năng ở đâu? 

Trả lời câu hỏi này, "ông trùm" vẫn nhỏ nhẹ: "Nếu anh mua, sẵn xe bán tải, mang tầm 4-6 tấm về Hà Nội thì chả sao hết, không sợ bị kiểm tra. Chỉ mang nhiều mới sợ". 

Nếu bị tóm thì sao? 

Trả lời: "Mình phải làm luật, ở đây đơn giản lắm, gọi là anh em rủ nhau uống rượu bữa là xong".

Chúng tôi ngỏ ý lo lắng, sợ bị tóm thì mất cả trăm triệu tiền hàng, lại còn bị khởi tố hình sự như chơi, ông H. chia sẻ thêm về cách thức vận chuyển gỗ pơ mu về đến Hà Nội để tránh sự kiểm tra của lực lượng kiểm lâm và cơ quan chức năng nói chung. 

"Hôm qua (cuối tháng 4/2021), xe chở gỗ từ nhà tôi về tỉnh Nam Định phải để gỗ thông lên mặt trên, pơ mu xuống dưới thùng xe. 

Làm vậy thì đi sẽ an toàn hơn, gỗ thông thì không bị "làm luật" cao. Giờ mua gỗ pơ mu của tôi, nếu anh thuê xe ở đây là bọn chở nó bảo hành chở về tận nơi cho anh. Giấy tờ nó có hết".

Rồi ông H. trao đổi số điện thoại với khách hàng đến từ tỉnh Hải Dương (nhóm phóng viên) và dặn: "Nếu muốn mua nhiều, phải đặt trước về chủng loại gỗ, về kích cỡ/quy cách gỗ. Tôi sẽ lo hết và giao gỗ đến tận nhà".

Phá rừng pơ mu VQG Hoàng Liên (Bài 4): Phá rừng cho "trùm buôn gỗ", chứ không phải để đóng quan tài! - Ảnh 6.

Gỗ để ven đường vào rừng Quốc gia Hoàng Liên thuộc địa phận thôn Dền Thàng, xã Tả Van

Chủ tịch UBND Thị xã Sa Pa lý giải về nạn phá rừng

Khi chúng tôi "ba cùng" với lâm tặc ở trong rừng già Hoàng Liên, họ kể rằng: Đa phần người đi cưa pơ mu, vác pơ mu từ lõi rừng ra là đồng bào dân tộc vùng cao sở tại. 

Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ dân trí chưa cao, gia đình đông con… tất cả dẫn đến cuộc sống còn nhiều khó khăn và chưa từ bỏ được "tập quán" sống dựa vào rừng là chủ yếu.

Ngoài vào rừng lấy gỗ, bà con còn trồng thảo quả dưới tán rừng già, tìm kiếm các lâm sản phụ từ rừng. Sự khó khăn và niềm thương cảm là có thật. 

Lắm khi, chúng tôi lấy hết cơm nắm, thịt gà rang muối, nước đóng chai ra mời họ rồi đã ứa nước mắt chứng kiến bà con mình ăn, ngủ, uống rượu, vác gỗ quá khổ sở. Họ dốc cạn sức mình cả ngày quần quật ở trong rừng sâu. 

Trơn trượt, bùn đất, muỗi dĩn bay như ong, "ruồi vàng bọ chó" bu lấy chúng tôi đến mức, có lúc tôi đã nghĩ: hay là côn trùng nó nghĩ tôi là một… tử thi. Ruồi vàng hút máu, nó còn đáng sợ hơn đỉa và vắt nghìn lần.

Phá rừng pơ mu VQG Hoàng Liên (Bài 4): Phá rừng cho "trùm buôn gỗ", chứ không phải để đóng quan tài! - Ảnh 7.

Một hộ dân ở thôn Dền Thàng, xã Tả Van tích trữ gỗ

Phá rừng pơ mu VQG Hoàng Liên (Bài 4): Phá rừng cho "trùm buôn gỗ", chứ không phải để đóng quan tài! - Ảnh 9.

Đường vào Vườn quốc gia Hoàng Liên

Đâu là nguyên nhân sâu xa của nạn phá rừng? Là buông lỏng quản lý. Còn gì nữa không? Đây là câu hỏi đau đáu với chúng tôi suốt dọc đường. 

Đúng là, bà con đã nhiều thế hệ canh tác ở vùng lõi VQG Hoàng Liên. Dọc đường, chúng tôi gặp nhiều lán trại trồng thảo quả, có những lán dựng rất kiên cố, làm bằng gỗ pơ mu. Cạnh đó có những cây trồng của dân (chứ không phải cây rừng). Nhiều nương thảo quả được trồng dưới tán rừng.

Theo thông tin từ UBND xã Bản Hồ: xã có khoảng 640 hộ dân, gần 4.000 nhân khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao: 22,9%. Cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào rừng.

3 thôn Séo Chung Hồ, Tả Chung Hồ, Ma Quái Hồ với địa hình núi cao, khí hậu lạnh nên trồng lúa, ngô, khoai không đem lại hiệu quả. Trồng thảo quả dưới tán rừng già (của Vườn quốc gia) đem lại hiệu quả kinh tế cao, thế là bà con "tiến vào rừng". Giữa bối cảnh đó, một số người đã tự biến mình thành… "lâm tặc".

Phá rừng pơ mu VQG Hoàng Liên (Bài 4): Phá rừng cho "trùm buôn gỗ", chứ không phải để đóng quan tài! - Ảnh 10.

Đất nông nghiệp ít, khí hậu khắc nghiệt là một trong những nguyên nhân dẫn đến bà con sống dựa vào rừng là chủ yếu.

Riêng UBND xã Bản Hồ, năm 2020, trong quá trình kiểm soát ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, cán bộ đã rà soát và ghi nhận, có tới 184 lều, lán tạm dưới tán rừng làm thảo quả. Cơ quan chức năng đã vận động tháo dỡ 90 lều lán tạm, các lều, lán còn lại đang trong quá trình… tìm cách tháo dỡ.

Sau khi Dân Việt đăng bài phanh phui việc phá rừng pơ mu "như trảy hội" ở Sa Pa, cơ quan chức năng từ trung ương đến tỉnh, huyện đã vào cuộc. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Trinh Quốc - Chủ tịch UBND Thị xã Sa Pa cho biết, sau khi thành lập Thị xã Sa Pa, hiện có 16 xã phường (10 xã, 6 phường) tỉ lệ hộ nghèo, tính đến hết năm 2020, vẫn chiếm 13,68%. Hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số với 5 dân tộc, chủ yếu là người Mông (53%).

Cuộc sống của người dân ở Sa Pa còn nhiều khó khăn do địa hình chia cắt mạnh, khí hậu quanh năm khắc nghiệt, mùa mưa thì sạt lở đất, lũ quét, mùa đông băng giá và tuyết, mùa khô lại hay bị cháy rừng.

Do địa hình đèo dốc, núi đá nên đất cho sản xuất nông nghiệp của Thị xã chỉ khoảng 7%. Trong 10 nghìn ha (7%) đó, chỉ có 3.600ha là đất cho sản xuất lúa một vụ mùa, còn vụ khác là để đất trống và chăn nuôi chứ không làm được hai vụ như các nơi khác.

"Thật ra đô thị chỉ được có mỗi phần thị trấn trước đây, tức "vùng lõi" thị xã bây giờ, chứ xung quanh các phường mới thành lập còn rất khó khăn. Mấy khách sạn ở trung tâm nhìn trông hào nhoáng thế thôi, còn ra khỏi đô thị ai cũng thấy rõ bao nhiêu là khó khăn" - Chủ tịch UBND Thị xã Sa Pa giãi bày.

Phá rừng pơ mu VQG Hoàng Liên (Bài 4): Phá rừng cho "trùm buôn gỗ", chứ không phải để đóng quan tài! - Ảnh 12.

Cây thảo quả được trồng nhiều dưới tán rừng VQG Hoàng Liên

Về việc trồng cây thảo quả dưới tán rừng, bà con bị tập quán canh tác đè nặng nên chưa thực hiện chặt chẽ…

Cây thảo quả đem lại giá trị kinh tế cao, muốn nó ra quả và tốt phải trồng dưới tán rừng. Muốn có tán rừng thì người trồng phải bảo vệ rừng. Bảo vệ được rừng, cây thảo quả mới sống và phát triển được. Tiếc là nhiều nơi bà con trồng không đúng quy trình.

Cuối cuộc trò chuyện, Chủ tịch UBND Thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) bộc bạch, ngay sau khi Dân Việt đăng các bài điều tra về phá rừng pơ mu cổ thụ ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên, ông đã xuống địa bàn để nắm tình hình và chỉ đạo các đơn vị liên quan của Thị xã điều tra làm rõ vụ việc. 

"Đó là trách nhiệm của chúng tôi. Phải điều tra minh bạch, không thể bao che dung túng cho ai cả. Phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", ông Vương Trinh Quốc nhấn mạnh.

Phá rừng pơ mu VQG Hoàng Liên (Bài 4): Phá rừng cho "trùm buôn gỗ", chứ không phải để đóng quan tài! - Ảnh 13.

Cây thảo quả được bà con trồng ở nhiều nơi sâu trong vùng lõi VQG Hoàng Liên.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem