Phá tuyến mở đường, đất tràn ruộng dân ở Bắc Kạn: Chính quyền lên tiếng

Chiến Hoàng Thứ tư, ngày 06/05/2020 07:32 AM (GMT+7)
Đại diện chính quyền huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) cho biết, năm 2017-2018, UBND huyện Ba Bể đã giao cho các đơn vị khắc phục, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa giải quyết triệt để.
Bình luận 0

Trước đó, Dân Việt đã có bài Bắc Kạn: Dân thiếu gạo, ôm chăn chạy giữa đêm vì thi công mở đường. Theo đó, người dân tại thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu và bản người Mông Ngạm Khét, xã Cao Thượng (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) không thể canh tác do ruộng nương bị đất đá tràn xuống vùi lấp khi đơn vị thi công phá tuyến mở đường Ngạm Khét (Cao Thượng) - Bản Cám (Nam Mẫu).

Không những vậy, vào mùa mưa lũ, người dân không dám ngủ, có nhà còn phải chạy trong đêm do nguy cơ sạt trượt. Tuy nhiên đến nay, việc này vẫn chưa được giải quyết triệt để dù việc phá tuyến mở đường này đã được hoàn thành từ năm 2016.

img

Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết, do hạn chế về nguồn lực nên không thể xây dựng đồng bộ.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Cao Minh Hải, Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết, thường những công trình ở miền núi, không riêng gì công trình đường Ngạm Khét (Cao Thượng) - Bản Cám (Nam Mẫu), kể cả đường đã làm rất nhiều năm, sau những trận mưa lớn, nước trên núi vẫn dồn đất đá về thung lũng với khối lượng lớn.

“Việc đất đá tràn xuống ruộng dân ở Ngạm Khét cũng một phần là do thiên tai chứ không hoàn toàn do thi công tuyến đường này, tất nhiên trong quá trình thi công đường phải đào bới, việc đó sẽ có ảnh hưởng, tác động lớn hơn so với bình thường”, ông Hải nói.

“Làm đường mà không đào sẽ không thể làm được. Đường thi công trên miền núi không giống như đồng bằng, mưa xuống hầu như nước không trôi tràn đi đâu mà phân tán đều còn ở miền núi, nước sẽ đổ dồn về một nơi nên mới xảy ra tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá đổ xuống hạ lưu. Hiện tượng này xảy ra ở nhiều nơi, không riêng gì ở công trình đường Ngạm Khét - Bản Cám”, Chủ tịch UBND huyện Ba Bể khẳng định.

img

Anh Hoàng Văn Thiều, thôn Bản Cám cho biết đã phải bỏ 10 vụ lúa do đất đá tràn xuống ruộng không thể canh tác .

Theo ông Hải, công trình đường Ngạm Khét (Cao Thượng) - Bản Cám (Nam Mẫu) là công trình đầu tư theo dự án 30a của Chính Phủ, ưu tiên cho các huyện nghèo. Do nguồn vốn hạn chế nên chưa thể xây dựng đồng bộ. Nếu có nguồn lực, sau mở đường rải bê-tông, xây rãnh dọc toàn bộ, chắc chắn sẽ hạn chế được việc đất đá ảnh hưởng đến ruộng của người dân.

Về việc khắc phục hậu quả, ông Cao Minh Hải cho biết, năm ngoái (năm 2019 - PV) UBND huyện đã giao kinh phí cho xã để khắc phục. "Chính quyền xã đã mời các hộ liên quan lên làm việc, có biên bản, các hộ cũng không yêu cầu bồi thường gì nữa. Tuy nhiên trận lũ vừa rồi đất đá lại về tiếp”, ông Hải thông tin.

img

Đường Ngạm Khét (Cao Thượng) - Bản Cám (Nam Mẫu) do không đủ kinh phí nên không thể xây dựng đồng bộ, chưa có mặt nền bê-tông, rãnh thoát nước cũng chỉ mới thực hiện được một đoạn ngắn để hạn chế phần nào đất đá xuống ruộng dân.

“Tới đây chúng tôi sẽ xem xét khắc phục cho bà con trong việc múc đất đá đi, đưa vào vốn đầu tư trung hạn để rải bê-tông bề mặt đường, làm rãnh thoát nước hạn chế việc đất đá tràn xuống. Về cơ bản, thiên tai địch họa không ai mong muốn, nói về thiên tai nhà nước càng phải có trách nhiệm với người dân, chính quyền địa phương sẽ có trách nhiệm hỗ trợ người dân trong những lúc khó khăn.

Ví dụ việc thiếu gạo do không làm được ruộng, chúng tôi cho Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện đi xác minh, nếu đúng như thế sẽ hỗ trợ cứu đói cho bà con”, ông Hải cho biết thêm.

img

Ngoài sạt trượt, nước lớn từ trên đường tràn xuống còn khiến thôn Ngạm Khét bị lở một vạt dài, nguy cơ mất an toàn rất cao.

Được biết, ngay khi nhận được phản ánh của Dân Việt, ông Cao Minh Hải, Chủ tịch UBND huyện Ba Bể đã trực tiếp đến hiện trường thăm nắm để có hướng giải quyết cho người dân.

Nói về đường Ngạm Khét - Bản Cám, ông Dương Văn Xướng, Giám đốc Công ty TNHH Anh Vấn, đại diện đơn vị thi công cho biết, khi thi công tuyến đường này rất được bà con ủng hộ vì trước đó ở nơi này không có đường, toàn bộ đều phải đi bằng đường thủy. 

“Phá tuyến Cao Thượng - Bản Cám rất khó khăn, toàn bộ là đá, mỗi ngày chỉ phá được khoảng 1m, phải dùng mìn phá, không xuống ruộng mới lạ. Tuy nhiên chúng tôi đã cho dọn dẹp, múc trả lại hiện trạng cho bà con, không chỉ múc phần đất đá quăng xuống mà thậm chí cả đá hộc, đá to bằng cái giường có từ trước cũng được chúng tôi mang đi hoặc chôn sâu xuống giúp bà con, chúng tôi đã khắc phục 3 lần rồi”, ông Xướng khẳng định.

Ông Xướng cho biết thêm, bà con trong đó rất ít ruộng, việc đất đá tràn xuống ruộng, dân bức xúc cũng phải, vì không làm được ruộng thì biết làm gì.

"Hiện Chủ đầu tư công trình còn nợ đơn vị thi công 570 triệu đồng, đã lấy được đâu, coi như ủng hộ huyện thôi" ông Xướng cho hay. 

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem