Ông Thước nói: Tổ chức chống tham nhũng như trước không những không chống được tham nhũng mà còn tạo điều kiện để tham nhũng phát triển, hoành hành. Khi một người “vừa đá bóng, vừa thổi còi” thì không bao giờ có thể kiểm soát được. Họ chẳng sợ gì vì họ vừa có quyền để tham nhũng, lại vừa là cơ quan chống tham nhũng. Vì vậy, khi Trung ương quyết định thành lập Ban chỉ đạo PCTN thuộc Bộ Chính trị thì đã được toàn dân đồng tình.
|
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước |
Theo ông hiện nay cơ chế giám sát trong việc chống tham nhũng còn những hạn chế gì?
- Việc thay đổi được cơ chế của cơ quan chỉ đạo chống tham nhũng như vừa qua là rất tốt. Nhưng cái chúng ta cần hiện nay là có một ngọn cờ để chống tham nhũng. Đây là điều mà lâu nay chúng ta chưa có.
Đảng đứng trên cơ quan quyền lực và cùng với bộ máy của mình soi rọi vào cơ quan quyền lực thì mới có hy vọng giải quyết được những vấn đề rất lớn còn tồn tại trong việc chống tham nhũng. Cơ quan này Đảng giao rồi nhưng những con người có quyết tâm làm hay không, có quyết chiến với tham nhũng hay không, đòi hỏi đồng chí Tổng Bí thư phải giơ cao ngọn cờ, phải hành động quyết liệt để người dân có chỗ dựa và đây là một cuộc chiến khó hơn cả cuộc chiến chống ngoại xâm.
Nhưng nhiều ý kiến nhấn mạnh, phải dựa vào dân, bằng quyền lực của dân và sức mạnh trực tiếp của nhân dân mới chống được lạm quyền, lộng quyền và tham nhũng, chứ việc thay đổi cơ quan trực thuộc của BCĐ PCTN sẽ chưa thể đem lại thành công cho việc chống tham nhũng?
- Sau này biện pháp để giám sát tham nhũng thì còn phải sửa nhiều nhưng bước đầu có cơ quan cao nhất do Đảng quản lý thì đã là một bước tiến mạnh, để từ đó tạo điều kiện cho nhân dân “soi” vào giám sát. Trước, kê khai tài sản chỉ hình thức là bởi vì kê khai xong lại bỏ vào túi người kê khai thì chả có nghĩa lý gì. Muốn giám sát tốt thì kê khai tài sản xong phải công khai cho dân.
|
Các bị cáo trong vụ tiêu cực, tham nhũng tại Vinashin trước vành móng ngựa. |
Trong quy định 19 điều đảng viên không được làm thì có nêu phải công khai ở nơi làm việc và nơi ở. Tuy nhiên, tôi cho rằng quy định như vậy vẫn chưa đủ. Kê khai tài sản cần phải quy định công khai ở nơi thứ 3, là nơi dân phát hiện ra cán bộ có hiện tượng tham nhũng. Người nào có trách nhiệm trước phạm vi nào thì phải có trách nhiệm công khai ra trước phạm vi đó. Lãnh đạo tỉnh thì phải trước toàn tỉnh, lãnh đạo trung ương thì phải trước toàn trung ương.
Tóm lại biện pháp của cơ quan chống tham nhũng phải mạnh. Phải tạo cơ chế để người dân được nói, không nên giới hạn họ.
Xung quanh nội dung quyết tâm PCTN, Tổng Bí thư có nhấn mạnh: “Không phải cứ kỷ luật nhiều cán bộ thì chống tham nhũng thành công”. Ông có đồng tình với quan điểm này?
- Tôi nhất trí với quan điểm đó. Việc kiểm điểm cán bộ là để những cái gì sai thì làm lại cho tốt. Không sửa được thì lúc ấy mới kỷ luật. Mục đích là xây dựng đội ngũ cán bộ từ tốt ít đến tốt nhiều, loại bỏ bớt cái xấu để đội ngũ cán bộ trong sạch. Còn nếu sai của cán bộ rõ ràng rồi mà không sửa thì lúc đó mới xử lý. Chứ không phải cứ kiểm điểm là kỷ luật hết.
Xin cảm ơn ông!
Phương Hà (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.