Phải hỗ trợ DN trong nước nhiều hơn

Thứ tư, ngày 29/08/2012 06:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau loạt bài “Thị trường chăn nuôi, thủy sản- Doanh nghiệp ngoại độc chiếm”, phóng viên trao đổi với PGS-TS Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam để làm rõ hơn vấn đề này.
Bình luận 0

Trong khi các doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản trong nước đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí phá sản, ngược lại các DN ngoại lại đẩy mạnh đầu tư, tăng thị phần. Ông nhận định như thế nào về hiện tượng trên?

- Mức độ tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài vào ngành chăn nuôi của Việt Nam là vấn đề rất quan trọng, cần được làm rõ. Hiện Hội Chăn nuôi đang có kế hoạch thu thập các thông tin về vấn đề này vì những số liệu đưa ra hiện chưa có độ chính xác cao. Tuy nhiên, trong những năm qua, ngành thức ăn chăn nuôi (TACN) đã có sự tăng trưởng khá cao, trung bình 11,8%/năm, đạt 10,6 triệu tấn (2010) và năm 2011 đạt khoảng 11,5 triệu tấn. Năm 2010, ngành TACN đã đạt giá trị tới 93.000 tỷ đồng (4,6 tỷ USD), trong đó có trên 64% lợi nhuận là của các công ty nước ngoài.

img
Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đang cần được hỗ trợ để đứng vững trên thị trường.

Nhiều người lo ngại các DN nước ngoài đang dần khống chế, thậm chí sẽ độc quyền thị trường TACN ở Việt Nam. Theo ông, điều này có thể xảy ra không?

- Điều tra ban đầu của chúng tôi cho thấy, đang có sự tham gia rất lớn của DN nước ngoài vào thị trường TACN. Chẳng hạn, năm nay, tỷ lệ thức ăn công nghiệp của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (C.P) đã chiếm khoảng 19% thị trường, trong khi năm ngoái họ chỉ chiếm 17%. Tuy nhiên, nếu tính tổng về thức ăn cho ngành chăn nuôi, thì tình hình lại khác. Chẳng hạn, trong nuôi trâu bò trên núi, vịt, lợn cắp nách, gà ri, một số giống lợn… nông dân không không dùng thức ăn công nghiệp. Do đó, tính tổng cộng thức ăn cho chăn nuôi, cả công nghiệp và thức ăn do người dân tự chế biến là 29 triệu tấn, thì C.P chỉ chiếm 8% trong tổng sản lượng. Trong khi đó, theo định nghĩa của Luật Cạnh tranh, một DN bị coi là độc quyền, chiếm hơn 30% thị phần.

Nhưng nhìn chung, xu thế độc quyền của các DN ngoại đối với lĩnh vực TACN đang ngày càng tăng lên?

- Như tôi đã nói ở trên, xu hướng các DN nước ngoài tăng cường sự tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi ngày càng rõ rệt. Cơ cấu thị phần và sản lượng TACN của các DN nước ngoài cũng có sự tăng trưởng khác nhau theo từng năm. Trong khi, năm 2010, với tổng 11,5 triệu tấn TACN, các DN nước ngoài mới chỉ chiếm khoảng 40% thị phần. Còn năm nay, với tổng sản lượng 13,5 triệu tấn TACN công nghiệp, tính toàn bộ sản phẩm của doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài và phần của nước ngoài trong các liên doanh với DN trong nước, họ đã chiếm đến 58% thị phần. Điều đáng nói là, chỉ có 57 công ty, trong đó có 41 công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, 16 công ty liên doanh đã chiếm đến gần 60% thị phần, còn lại 170 DN trong nước chiếm thị phần còn lại. Điều đó cho thấy, về quy mô, các DN sản xuất TACN chủ yếu loại vừa và nhỏ, rất khó cạnh tranh được với các DN nước ngoài có tiềm lực mạnh.

Doanh nghiệp ngoại lãi “khủng”

Đó là ý kiến của PGS- TS Hoàng Văn Tiệu - nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi quốc gia. Ông Tiệu cho biết: “Như C.P, họ thu lãi ở Việt Nam cực kỳ lớn, vì họ vào nước ta từ rất sớm. Chính từ lãi đó, C.P phát triển thêm việc chăn nuôi gia công sau này. Việc chăn nuôi gia công, đã giúp C.P trốn được rất nhiều thuế như: Thuế thu nhập, nhất là thuế môi trường, vì chuồng trại do chính nông dân mình xây dựng, môi trường cũng do chúng ta phải xử lý, còn C.P họ chỉ biến lấy lãi. Đặc biệt, tổng đàn lợn của C.P tăng lên, họ lại sử dụng chính TACN của họ, nên lãi càng lớn”.

Có ý kiến rằng, các DN nước ngoài vừa có tiềm lực tài chính mạnh, lại được hưởng nhiều ưu đãi từ chính chính sách của chúng ta, trong khi các DN nội lại không được hỗ trợ nhiều nên cạnh tranh mất cân bằng?

-Khi DN nước ngoài vào Việt Nam, cũng có những mặt tích cực. Đó là sự cạnh tranh tăng lên, buộc chúng ta phải có áp dụng những tiến bộ vượt bậc về quản lý, khoa học công nghệ.

Còn cái hại xảy ra khi chúng ta không tiến bộ được, dẫn đến bị lép vế, thậm chí phá sản, nhường lại thị trường cho DN ngoại.

Để tránh việc này, Nhà nước phải hỗ trợ về đào tạo cho các nhà quản lý tại các DN chăn nuôi trong nước, đồng thời hỗ trợ công nghệ cho nông dân. DN nước ngoài họ mạnh về vốn, nên Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ về vốn cho cả DN chăn nuôi trong nước và nông dân.

Hiện nay, khi đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, chúng ta không thể đưa ra nhiều rào cản, ngoài một số chính sách về xuất, nhập khẩu hàng hóa đang được áp dụng hiện nay. Theo tôi, chúng ta không nên lo sợ về thực trạng này; vấn đề ở chỗ mình làm đúng hay không.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem