Phải làm cho doanh nghiệp “tâm phục, khẩu phục”!

Thứ hai, ngày 22/08/2011 17:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Bảo vệ môi trường cần phải được đi trước một bước, không thể chạy theo sau các vi phạm vì lúc đó có thể đã quá muộn”.
Bình luận 0

GS - TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, nói như vậy khi trao đổi với NTNN.

Theo ông Đăng, việc xử phạt doanh nghiệp vi phạm theo hướng đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vi phạm môi trường, không phải là giải pháp tối ưu bởi sẽ ảnh hưởng tới các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, công ăn việc làm của người dân…

img
Cảnh sát môi trường kiểm tra đường ống ngầm xả thải bẩn của Công ty LongTech (Quế Võ, Bắc Ninh).

Thời gian gần đây, các vi phạm về môi trường của nhiều doanh nghiệp được đánh giá là phổ biến, phức tạp và nghiêm trọng. Mặc dù các chế tài xử phạt đối với các vi phạm về môi trường đã có tương đối đầy đủ, tại sao tình hình vi phạm vẫn diễn ra, thưa ông?

img
GS - TSKH Phạm Ngọc Đăng

- Theo tôi đánh giá thì không phải thời gian gần đây mà đã từ lâu rồi, các vi phạm môi trường là phổ biến, phức tạp và nghiêm trọng, nhưng gần đây do các cơ quan quản lý nhà nước tích cực, tăng cường và có kinh nghiệm hơn trong việc kiểm tra, kiểm soát môi trường nên phát hiện ra nhiều vụ việc hơn.

Liệu có phải với mức xử phạt cao nhất tới 500 triệu đồng vẫn được coi là nhẹ và chưa đủ độ răn đe với các vi phạm. Nhiều ý kiến cho rằng cần chế tài đủ mạnh và biện pháp khắc phục “rắn”. Theo ông trong những quy định hiện có, chúng ta còn thiếu những gì?

- Mức phạt cao nhất 500 triệu đồng không phải là chưa đủ răn đe, bởi vì theo quy định đây chỉ là mức phạt hành chính, cơ sở sản xuất vi phạm môi trường còn phải đền bù thiệt hại môi trường, như là trường hợp Công ty Vedan, miễn là cơ quan pháp luật phải xác định chính xác các thiệt hại môi trường do cơ sở sản xuất gây ra, làm sao cho họ "tâm phục, khẩu phục", không nên như vụ Vedan phải tổ chức phong trào tẩy chay hàng hóa thì bên Vedan mới chịu đền bù thiệt hại.

img
Lấy nước thải của Nhà máy Dệt Thái Tuấn (quận 12, TP.HCM) để xét nghiệm.

Theo thống kê của các cơ quan quản lý môi trường, thời gian gần đây số vụ vi phạm môi trường được phát hiện với số lượng nhiều, tuy nhiên phát hiện xong thì việc xử lý còn rất nhiều vướng mắc. Theo ông, làm thế nào để buộc các doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường ngay từ khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động?

- Để giảm bớt các cơ sở sản xuất vi phạm về bảo vệ môi trường, theo tôi cần phải đồng thời thực hiện tốt 4 việc: Tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức về pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường cho tất cả các chủ cơ sở sản xuất, người lao động và nhân dân xung quanh; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thi hành các luật và quy định về bảo vệ môi trường.

Thí dụ như mọi dự án đầu tư đều phải thực hiện lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong báo cáo này, chủ dự án đã cam kết thực hiện các biện pháp để dự án của mình đảm bảo các quy chuẩn môi trường. Trước khi dự án đưa vào sản xuất chính thức, phải được cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường đến kiểm tra đánh giá về việc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của dự án.

Cơ quan chức năng phải dựa vào người dân xung quanh các cơ sở sản xuất để phát hiện kịp thời vi phạm môi trường và xử lý vấn đề một cách minh bạch, công khai và công bằng.

Ngoài ra, Nhà nước nên có các chính sách thiết thực khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở sản xuất khắc phục các khó khăn về kỹ thuật và kinh tế trong việc đầu tư áp dụng các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường. Cơ quan chức năng phải dựa vào người dân xung quanh các cơ sở sản xuất để phát hiện kịp thời vi phạm môi trường và xử lý vấn đề một cách minh bạch, công khai và công bằng.

Liên quan đến việc xử lý sau khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm thời gian qua có rất nhiều quan điểm khác nhau. Ý kiến ủng hộ thì cho rằng cần “linh hoạt” để đảm bảo yêu cầu kêu gọi đầu tư, nhưng cũng có ý kiến kiên quyết phải xử lý, thậm chí đóng cửa doanh nghiệp vi phạm. Vậy đâu là tính hợp lý và giải pháp cho vấn đề này, theo ông?

- Xử lý vi phạm pháp luật về môi trường phải đúng quy định pháp luật và phải có cơ sở khoa học và kỹ thuật, phải công khai, minh bạch và công bằng như là Bao Thanh Thiên xử kiện, đạt được "Tâm phục, khẩu phục" thì mới có tác dụng.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem