Phải xây dựng chuẩn cho từng loại trường

Thứ bảy, ngày 01/10/2011 17:22 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Luật Giáo dục đại học giành được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) hôm 30.9 tại Hà Nội.
Bình luận 0

Nhà nước chuyển từ quản lý sang giám sát

Điểm quan trọng nhất trong dự thảo luật lần này là trao quyền tự chủ cho các trường đại học. Theo dự thảo Luật, trường cao đẳng, trường đại học, học viện (sau đây gọi chung là trường đại học) được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tổ chức và nhân sự; tài chính và tài sản; hoạt động đào tạo; hoạt động khoa học và công nghệ; hoạt động hợp tác quốc tế; bảo đảm chất lượng giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.

img
Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật công nghệ TP.HCM.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đồng tình với quan điểm mới này và cho đây là một cách thể hiện xu hướng cơ quan nhà nước chuyển từ việc quản lý sang việc giám sát trong giáo dục. Tuy nhiên, Chủ tịch QH cho rằng, Nhà nước phải xây dựng một chuẩn toàn quốc cho từng loại trường đại học. Các trường căn cứ trên các chuẩn đó để tự kiểm định và công bố chất lượng, sau đó cơ quan nhà nước vào kiểm tra, đánh giá lại.

Dẫn ra tình trạng các trường đại học được thành lập một cách tràn lan làm mất lòng tin của người học và phụ huynh - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, đề nghị phải có một mức sàn tối thiểu đối với các trường khi thành lập và chuẩn này nên đưa ngay vào trong Luật. “Luật này phải thiết kế cho được một mức sàn quy định đối với các yếu tố như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy. Còn với mức 50% giảng viên có trình độ đại học lại giảng dạy sinh viên đại học như hiện nay liệu xã hội có yên tâm không?” – bà Mai nói.

Cần duy trì luật từng trường

Vấn đề cơ cấu tổ chức trong trường đại học cũng được nhiều Ủy viên UBTVQH thảo luận. Dự thảo Luật bỏ tổ chức hội đồng trường trong các trường đại học công lập (được quy định trong Luật Giáo dục với nhiều thành phần tham gia như lãnh đạo nhà trường, sinh viên, phụ huynh…).

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng phải duy trì và củng cố hội đồng trường trong trường công lập và hội đồng quản trị trong trường ngoài công lập.

Cũng tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đề nghị thành lập Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Nguồn thu của quỹ này do người hút thuốc và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc lá để thể hiện trách nhiệm trong việc khắc phục tác hại thuốc lá.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng việc duy trì hội đồng trường để thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng của nhà trường là cần thiết. Chủ tịch cho rằng, thời gian qua, hội đồng trường chưa phát huy hết vai trò của mình là do tình trạng các bộ, các sở “quyết quá nhiều”, lấn át vai trò của hội đồng trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, dự thảo luật quy định các loại hình trường đại học buộc phải có tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị khác là không cần thiết. Ông Khoa đề nghị dự luật chỉ nên quy định “mềm” là các trường đại học phải tạo điều kiện cho cơ sở Đảng hoạt động khi có yêu cầu của tổ chức Đảng địa phương.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, các trường tư thục, các trường có yếu tố nước ngoài mới thành lập không thể yêu cầu có ngay tổ chức Đảng được. Vì vậy, chỉ nên quy định các trường phải tạo điều kiện cho cơ sở Đảng và các tổ chức chính trị xã hội thành lập khi có đủ điều kiện.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem