Trong buổi trò chuyện gần đây, nghệ sĩ Phạm Bằng đã chia sẻ lý do ông nhận lời tham gia vào phần 2 của đĩa hài Tết “Chôn nhời” mặc dù năm ngoái cảnh “chim chuột” của ông với diễn viên Kim Oanh bị “ném đá” dữ dội.
Ngoài ra, Phạm Bằng còn tiết lộ về mức cát-sê cao nhất mà ông từng nhận được trong suốt 47 năm làm nghề.
Diễn viên Phạm Bằng muốn được cống hiến với nghề đến khi lực bất tòng tâm mới thôi
Ở tuổi 84 vẫn phấn khởi khi làm nghề
- Lý do gì mà ông lại tiếp tục nhận lời tham gia đĩa hài Tết “Chôn nhời 2” sau khi bị “tố” là đóng cảnh “chim chuột” phản cảm trước bàn thờ gia tiên của một nhà dân ở Đường Lâm trong phần đầu?
Sau khi có những lời phản hồi về cách diễn của tôi trong đĩa “Chôn nhời 1”, tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi xem lại cách đóng của mình có bị “quá” không nhưng tôi thấy mình diễn xuất đúng với tâm lý, độ tuổi của nhân vật. Một người già khi yêu sẽ rất hung hăng khác với tuổi trẻ.
Với phần 2, đạo diễn Đông Hồng mời tôi đóng tiếp vai quan huyện trước khi viết kịch bản. Đạo diễn cho biết, chất hài trong phần 2 sẽ phong phú, trí tuệ và mang tính văn học hơn. Tôi cũng là người kĩ tính nên khi xem kịch bản thấy phù hợp và hay hơn hẳn phần 1 nên nhận lời tham gia.
Nhưng trong phần 2, cô “bồ” của tôi không phải là cô Kim Oanh nữa mà thay bằng diễn viên Minh Hằng. Kim Oanh sẽ đóng cặp với Quang Thắng.
- Việc thay thế diễn viên Minh Hằng làm bồ của quan huyện do ông thủ vai có phải là sự cẩn thận của đạo diễn để khi đóng những cảnh “tán tỉnh” nhau sẽ không bị lố bịch?
Minh Hằng lớn tuổi hơn nên chắc chắn sẽ chín chắn hơn Kim Oanh cả trong cuộc sống lẫn trong diễn xuất. Kim Oanh vẫn còn trẻ nên khi sáng tạo cô ấy hay bị vung lên quá. Tôi thường phải tiết chế lại để cho phù hợp hơn. Nhưng sự thay đổi này chỉ là tạo cảm giác mởi mẻ, thú vị hơn chứ không phải vì lý do nào khác cả.
- Được biết khi tham gia “Chôn nhời 2” ông đã phải đi theo đoàn làm phim gần nửa tháng trời. Ở tuổi 84, việc di chuyển và xa nhà lâu như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe của ông?
Sức khỏe của tôi chưa thấy có biểu hiện đi xuống hay ốm yếu gì cả. Có lẽ đó là nhờ sự phấn khởi khi vẫn được làm nghề, được làm những tác phẩm có giá trị.
Với lại, một năm tôi cũng chỉ đóng có một đến hai phim thôi nên không bị ảnh hưởng gì.
Phạm Bằng tiết lộ cát-sê cao nhất mà ông từng nhận là 200 - 300 triệu
Cách đây 7 năm, cát-sê là 200 triệu
- Nhìn lại quãng đường sự nghiệp đã đi qua ông có thấy mình là người may mắn không khi ở tuổi “cổ lai hi” vẫn rất đắt sô?
Tôi nghĩ nói là may mắn cũng được nhưng vẫn chưa đủ, phải có cả thực lực nữa. Dù cái thực lực đó có bị mai một đi vì sức khỏe và tuổi già nhưng khán giả vẫn sẽ công nhận khi nhìn vào quãng thời gian 47 năm tôi đã cống hiến.
Thật ra, tôi bắt đầu làm nghề từ năm 1960 và chủ yếu là tham gia vào các vai phản diện. Sau đó, tôi quay sang làm chính kịch thêm vài năm rồi mới chuyển hẳn sang hài kịch.
Khi làm hài ngoài việc được trả cát-sê lớn, tôi còn nhận được sự yêu thích, mến mộ của khán giả. Có lẽ vì thế tôi muốn được cống hiến đến khi “lực bất tòng tâm” trí nhớ và sức khỏe suy giảm mới thôi.
- Cơ duyên nào để đưa một nghệ sĩ chính kịch như ông sang mảng hài kịch vậy?
Tôi không nhớ củ thể là năm bao nhiêu nhưng có một lần tôi được nhà hát kịch giao cho một vai hài nho nhỏ. Đóng xong, tôi có ướm hỏi một đạo diễn chuyên về mảng hài nhận xét xem tôi đóng như thế nào.
Đạo diễn nói với tôi rằng: “Cậu đóng bi kịch rất giỏi và ở mảng này cậu được xếp hạng siêu đẳng. Mà với những người đóng bi kịch siêu đẳng thì khi nhảy sang hài kịch thường diễn rất dễ và đơn giản”.
Nghe đạo diễn nhận xét xong tôi thấy lạ quá nên xin thử luôn một vai diễn hài. Sau đó, vở kịch “Hão” có tôi tham gia đã nhận được sự yêu thích đặc biệt của khán giả. Từ đó các đạo diễn cũng để ý và mời tôi tham gia diễn hài cho đến tận bây giờ.
- Như ở trên ông có chia sẻ làm hài được trả cát-sê rất cao. Vậy ông có thể tiết lộ tiền cát-sê mà ông nhận được thường là bao nhiêu không?
Cách đây khoảng 7 đến 8 năm cát-sê của tôi với Xuân Hinh thường được trả khoảng 200 đến 300 triệu cho những vai diễn ghi hình in đĩa. Nhưng cũng chỉ kéo dài được khoảng vài năm thôi, sau này nhiều người làm quá nên bị nhàm đĩa bán không ăn khách nữa.
Mấy năm trở lại đây cát-sê của tôi cũng không hề thấp, tuy nhiên ,nó lại phụ thuộc cả vào các mối quan hệ nữa. Ví dụ như ông đạo diễn này, ông đạo diễn kia tôn trọng mình, coi mình như một sư phụ chẳng hạn thì cát-sê cũng sẽ mềm mại hơn. Chứ lúc trẻ cát-sê thấp là tôi không làm đâu.
- Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.