Phạm Hoàng Nam: “Có một điều đặc biệt khiến nhiều người lầm tưởng về Văn Cao”
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam: “Có một điều đặc biệt trong đêm nhạc “Đàn chim Việt” khiến nhiều người lầm tưởng là Văn Cao”
Hà Tùng Long
Thứ ba, ngày 22/08/2023 08:50 AM (GMT+7)
Trò chuyện với Dân Việt sau khi đêm nhạc "Đàn chim Việt" kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao diễn ra thành công, Tổng Đạo diễn Phạm Hoàng Nam đã bật mí những điều đặc biệt mà trước đó anh chưa hề hé lộ.
Chương trình "Đàn chim Việt" do anh "cầm trịch" đã để lại nhiều ấn tượng đẹp đẽ trong lòng khán giả yêu nhạc nói chung, yêu nhạc Văn Cao nói riêng. Với anh, điều gì là khó nhất khi bắt tay thực hiện một chương trình đồ sộ, hoành tráng và mới mẻ như thế này?
- Có lẽ đây là chương trình tôi gặp nhiều khó khăn nhất kể từ khi bước vào nghề đạo diễn. Khó khăn vì hình thức tổ chức như thế này chưa ai làm bao giờ nên mọi người không có kinh nghiệm. Chưa bao giờ có ai tổ chức một chương trình mà sân khấu cả ở trong và ngoài Nhà hát Lớn Hà Nội, truyền hình cũng phải làm hai xe màu cùng một kiểu. Âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật cũng chưa bao giờ tổ chức hai chương trình cùng một lúc vì sẽ xảy ra quá nhiều sự cố và tình huống bất ngờ.
Lúc nghĩ ra ý tưởng rồi, họp triển khai với ê-kíp thực hiện, thấy ai cũng căng thẳng, không ai dám khẳng định làm được. Vì thế chúng tôi bắt buộc phải thử nghiệm từng thứ một. Thử có nghĩa là phải nghĩ ra hai kịch bản khác nhau, một là sẽ làm thành công, hai là không thành công và nếu không thành công thì phải làm cái gì khác.
Tiếp nữa là nhiều dàn nhạc quá đông với rất nhiều thành phần nhạc công, nhạc cụ và lần đầu tiên thu live dàn nhạc giao hưởng nên đòi hỏi yếu tố kỹ thuật rất cao, không được phép sai sót. Thực tế là kỹ thuật chưa cho phép làm điều này bao giờ vì quá nhiều đường tiếng, rất khó để đấu nối. Cái này đòi hỏi đội ngũ kỹ thuật phải rất lành nghề, tập tành và mày mò nhiều hơn so với bình thường.
Các ca sĩ cũng vậy, họ tham gia với tấm lòng dành cho nhạc sĩ Văn Cao và gia đình là chính. Tiêu chí của chương trình là "Đàn chim Việt" chứ không phải là một chương trình ca nhạc đơn thuần nên ai có tấm lòng tham gia đều được đón nhận hết. Chúng tôi không phân biệt tuổi tác và đẳng cấp, không phân biệt chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp… nên mới có dàn ca sĩ tham gia chương trình đông đảo và đa dạng như thế.
Chúng tôi biết, người này, người kia có thể chưa hát nhạc Văn Cao hay nhất nhưng họ là những người rất có tâm với nhạc sĩ. Họ cống hiến vì tình yêu của họ đối với nhạc sĩ Văn Cao thì đúng hơn. Bởi lẽ đó, ngay từ đầu, chúng tôi phải tính toán để xem hướng thực hiện như thế nào cho phù hợp. Chiều lòng khán giả hay bám theo chủ đề của chương trình. Cuối cùng chúng tôi đã quyết định làm một chương trình bám theo chủ đề "Đàn chim Việt" chứ không làm chương trình ca nhạc bình thường. Quyết định quả thực đã gây tranh cãi, nâng lên đặt xuống rất nhiều trong ê-kíp thực hiện.
Ngoài ra, có một thứ nữa đó là mình không có quá nhiều thời gian để tập luyện ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhà hát có một quy định kỳ lạ là chương trình khó đến mấy cũng chỉ được một ngày để tập luyện cho nên việc tập luyện trong thời gian gấp gáp rồi vào chạy chương trình luôn là điều không tưởng. Nếu không phải là một ê-kíp thiện chiến thì không ai có thể tập một ngày rồi hôm sau diễn luôn với ngần đó tiết mục, ngần đó con người.
Sau những khó khăn, vất vả và áp lực thì cuối cùng chương trình đã thành công ngoài mong đợi. Dẫu vậy, có điều khiến anh tiếc nuối vì đã không trọn vẹn được như ý mình muốn?
- Tôi tiếc là không có nhiều thời gian để tập luyện cho mọi thứ thật nhuần nhuyễn rồi bước vào chạy chương trình. Nếu có thời gian thì nhiều thứ sẽ phải căn chỉnh nữa. Chúng tôi buộc lòng phải chấp nhận có những tiết mục chưa thật hoàn hảo, muốn căn chỉnh cho nó tròn trĩnh nhất nhưng vì không có thời gian nên phải để nó diễn ra.
Ca khúc "Trương Chi" do Tùng Dương thể hiện. Clip: VTV.
Một điều tiếc nữa là tôi muốn tận dụng hết không gian của Quảng trường Cách mạng Tháng Tám – phía trước Nhà hát Lớn Hà Nội để tái hiện cảnh đoàn quân tiến về Thủ đô từ 5 cửa ô như 5 cánh của ngôi sao nhưng cuối cùng ý định đó lại không thành. Khán giả đến xem không được cho vào đông và con đường phía trước Nhà hát vẫn phải để cho xe cộ lưu thông. Cái này là điều khiến tôi tiếc nuối nhất vì không có cơ hội làm lại.
Bất kỳ một đêm diễn nào, dù nghệ thuật hay giải trí, dù quy mô lớn hay quy mô bé, dù mới mẻ hay truyền thống thì đều có những phản ứng trái chiều. Anh nghĩ sao về những phản ứng của mọi người khi xem chương trình?
- Tôi chưa có thời gian để đọc phản hồi của mọi người về chương trình "Đàn chim Việt" vì sau đêm diễn tôi còn có quá nhiều việc phải giải quyết. Tuy nhiên, nếu có phản ứng trái chiều thì chắc chủ yếu là ở phần âm nhạc vì ai cũng có một Văn Cao của riêng mình. Vì ai cũng có Văn Cao của riêng mình nên ai cũng sẽ nghĩ bài này người này hát mới đúng, bài kia người kia hát mới đúng, phải hát kiểu này mới ra chất nhạc Văn Cao…
Với những phản ứng như thế này thì chúng tôi đã lường trước rồi nên không có gì bất ngờ cả. Một chương trình mà chỉ những người hát nhạc Văn Cao hay nhất tham gia thì chắc chắc sẽ không thể là "Đàn chim Việt" mà nó chỉ là một chương trình ca nhạc đơn thuần. Và nếu một chương trình mà chỉ cần người hát nhạc Văn Cao hay thôi thì không cần phải tổ chức hoành tráng như thế. Lúc đấy chương trình sẽ không ra được tính hiệu triệu và thông điệp lớn về văn hóa mà chỉ đơn giản để thỏa mãn tính giải trí thôi. Đó là lí do chúng tôi biết có thể sẽ vấp phải những phản ứng trái chiều nhưng vẫn thực hiện với hình thức như thế.
Phải nói thêm rằng, chấp nhận mọi phản ứng trái chiều nhưng riêng tới "Tiến về Hà Nội" và "Tiến quân ca" – Quốc ca Việt Nam thì chúng tôi phải giữ được linh hồn của tiết mục. Vì xác định đây là hai tiết mục "hạt nhân" nên phải đẩy khí thế lên thật cao và phải chọn ca sĩ thể hiện thật phù hợp.
Hai tiết mục "Tiến về Hà Nội" và "Tiến quân ca" là hai đại cảnh lớn với nhân sự tham gia rất đông đảo. Để thực hiện được hai đại cảnh này, anh cùng ê-kíp đã phải bố trí nhân sự và thời gian tập luyện như thế nào?
- Với quy mô của hai tiết mục đó, chúng tôi phải nhờ tới sự góp sức của 200 chiến sĩ bộ đội. Tổng những người tham gia chương trình là xấp xỉ 1000 người, riêng quần chúng tham gia bên ngoài Nhà hát đã 450 người, các dàn nhạc và hợp xướng bên trong Nhà hát là hơn 100 người. Chưa bao giờ có một chương trình mà nhân sự tham gia đông đảo đến thế. Khi đếm lại thẻ ra vào Nhà hát tôi mới giật mình.
Lan Anh - Vũ Thắng Lợi song ca "Cung đàn xưa". Clip: VTV.
Trong 450 người bên ngoài, có các chiến sĩ bộ đội, diễn viên múa, cựu chiến binh cùng rất nhiều thành phần khác. Đây thực sự là những đại cảnh mang tính cộng đồng đúng nghĩa. Mọi người đều cảm thấy rất vui và vinh dự khi được đóng góp một phần nhỏ bé để thực hiện hai tiết mục này.
Điều khiến nhiều khán giả ngỡ ngàng và lấy làm thú vị đó là giọng đọc thơ của nhạc sĩ Văn Cao vang lên trong chương trình. Anh đã dày công tìm kiếm hoặc thiết kế như thế nào để có được những tư liệu quý này?
- Lúc bắt tay thực hiện chương trình, tôi muốn tái hiện chân dung cụ Văn Cao trong 3 vai trò là nhạc sĩ, họa sĩ và thi sĩ. Về nhạc sĩ thì không cần phải nói thêm bởi di sản âm nhạc của cụ quá đồ sộ, họa sĩ thì tôi có rất nhiều màn hình để trưng bày tranh của cụ vẽ, riêng về thi sĩ thì tôi phải ngồi đọc mấy tập thơ của cụ để nhặt ra những câu thơ phát trong chương trình.
Tôi cảm thấy những câu thơ đó phù hợp với chủ đề "Đàn chim Việt" thì tôi mới cho vào. Nhưng mà muốn thơ vang lên giữa sân khấu thì phải có giọng đọc nhưng cụ Văn Cao còn đâu nữa mà đọc, trước đó cụ cũng chưa bao giờ thu âm giọng đọc thơ của mình. Chúng tôi đã phải test rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng để tìm một giọng đọc phù hợp nhưng vẫn không tìm được ai đọc ra tinh thần thơ của cụ Văn Cao. Cuối cùng, tôi đã nhờ anh Văn Thao – con trai lớn của cụ Văn Cao đọc.
Đấy là điều mà bây giờ tôi mới dám kể ra vì khi giọng đọc của anh Văn Thao vang lên trong chương trình mọi người vẫn nghĩ đó là giọng thật của cụ Văn Cao. Lúc chúng tôi nhờ anh Văn Thao đọc thơ, anh ấy bảo không thể đọc giống giọng của cụ Văn Cao được nên phải thu đi thu lại rất vất vả. Cuối cùng, anh ấy không đọc bằng giọng của nghệ sĩ đọc thơ mà đọc bằng tình cảm thật của anh ấy đối với những vẫn thơ của bố mình.
Thơ trong chương trình không chỉ để mọi người biết cụ Văn Cao đa tài và mang tâm hồn nghệ sĩ lớn như thế nào mà còn để có sự kết nối với âm nhạc. Thơ của Văn Cao cũng chính là nhạc của cụ. Chính vì thế, khi phát thơ về mùa Xuân thì sẽ linh sang "Mùa Xuân đầu tiên", trường ca nói về lực lượng vệ binh thì linh sang bài hát về quân đội, giấc mơ thì linh sang "Cung đàn xưa".
Cảm ơn đạo diễn Phạm Hoàng Nam đã chia sẻ thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.