Phạm Xuân Nguyên và Euro 2020: Áo đấu chỉ đề tên không ghi họ

Phạm Xuân Nguyên Thứ hai, ngày 21/06/2021 17:10 PM (GMT+7)
Gần như tất cả các cầu thủ Thổ Nhĩ Kỳ đều chỉ ghi tên mình trên áo đấu mà không kèm theo họ. Thí dụ Burak Yılmaz đang chơi cho đội “Lille” (Pháp) và đội tuyển quốc gia chỉ ghi trên áo đấu tên Burak.
Bình luận 0

Đó là áo đấu của các cầu thủ bóng đá ở Thổ Nhĩ Kỳ từ câu lạc bộ đến đội tuyển. Tại Euro 2020 tuyển Thổ ở bảng A đã toàn thua ba trận (0:3 trước Italia, 0:2 trước xứ Wales, 1:3 trước Thụy Sĩ) và đã phải dừng bước ở vòng đấu bảng. Nhân dịp này ta thử tìm hiểu đặc điểm khác lạ này trên áo đấu của họ.

Phạm Xuân Nguyên và Euro 2020: Áo đấu chỉ đề tên không ghi họ - Ảnh 1.

Các cầu thủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Gần như tất cả các cầu thủ Thổ Nhĩ Kỳ đều chỉ ghi tên mình trên áo đấu mà không kèm theo họ. Thí dụ Burak Yılmaz đang chơi cho đội "Lille" (Pháp) và đội tuyển quốc gia chỉ ghi trên áo đấu tên Burak. Việc chỉ ghi tên trên áo đấu như vậy là rất phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ trong các giải đấu chính thức mà ngay cả khi chơi bóng đá bãi biển, cả khi đăng lên mạng xã hội. Thậm chí một cầu thủ Thổ ra nước ngoài chơi bóng ghi đầy đủ họ tên trên áo đấu như Mesut Özil thì trên mạng của đội "Fenerbahce" vẫn chỉ đề tên anh là Mesut. Trong khi đó Arda Turan chơi cho "Atlético Madrid" và "Barcelona" (Tây Ban Nha) trên áo đấu vẫn chỉ đề tên không thôi.

Nguyên nhân chuyện này là do đâu?

Vấn đề là ở chỗ tại Thổ Nhĩ Kỳ một thời gian dài tên người không có họ kèm theo. Ở đất nước trên lãnh thổ của đế quốc Osman hùng mạnh ngày xưa này người dân Hồi giáo thường chỉ xưng hô tên mình kèm theo với các tước hiệu như "Pasha", "Hoca", "Bey", "Hanim", "Aga", "Efendi" mà dịch nghĩa sang tiếng Việt có nghĩa là "Ngài", "Quý Ông", "Quý Bà". Tập tục này phần nào vẫn giữ đến ngày nay. Khi xưng hô thay vì gọi họ và tên đệm, người Thổ sẽ thêm "Bey" (Quý Ông) hoặc "Hanim" (Quý Bà). Thí dụ, Mesut sẽ được gọi là Mesut Bey.

Họ theo tên người chỉ xuất hiện năm 1934 khi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên và người sáng lập nhà nước hiện đại này Mustafa Kemal ra sắc lệnh đặc biệt về việc đặt họ. Việc này so với các nước khác ở châu Âu là rất muộn.

Ta hãy làm một phép so sánh: Ở Italia, đất nước mà từ đó người Thổ khám phá ra châu Âu, họ xuất hiện vào các thế kỷ X-XI. Tiếp đó quá trình đặt họ lan sang Pháp, ở Anh nó kéo dài từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV. Ở xứ Wales và Scotland sự hình thành họ diễn ra trong thế kỷ XVIII. Năm 1526 nhà vua Đan Mạch ban bố luật bắt tất cả các nhà quý tộc phải mang họ. Từ Đan Mạch và Đức việc đặt họ lan sang Thụy Điển.

Như vậy người Thổ bắt đầu có họ vào những năm ba mươi của thế kỷ trước. Cũng năm 1934 có một đạo luật khác quy định "Bãi bỏ các tước hiệu kèm theo tên". Tên các công dân phải có kèm theo họ chính thức, còn người đứng đầu nhà nước mang họ chính thức là Atatürk ("Người cha của dân Thổ") – Mustafa Kemal Atatürk.

Thời gian này cũng là lúc bóng đá du nhập nước Thổ. Đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ chơi trận đầu tiên năm 1923 và năm sau tham dự Olimpic. Có thể khi đó đã hình thành truyền thống phân biệt các cầu thủ trên sân bằng tên. Dù thậm chí ở ngoài sân cỏ thì người Thổ cũng chỉ dùng họ trong những trường hợp hết sức chính thức.

Tuy nhiên, quy tắc nào cũng có ngoại lệ. Vẫn có những cầu thủ người Thổ chơi bóng ở châu Âu mang đầy đủ họ tên. Như Çağlar Söyüncü đang chơi cho "Leicester City" (Anh), hay Hakan Çalhanoğlu lớn lên ở Đức đang chơi cho "Milan" (Italia), cả hai đều là tuyển thủ quốc gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem