Chúng tôi ngồi trò chuyện trong một phòng rộng, bao phủ bởi màu đen, không bàn ghế. Nguồn sáng duy nhất là bóng đèn điện chính giữa phòng. Không gian ấy làm tôi hơi sợ, nhưng tạo cảm hứng mạnh mẽ cho Ly.
Chị làm gì trong cái black box này?
Nhiều lắm. Tôi dạy múa, hát, vẽ, chơi… cho các lớp học viên với nhiều lứa tuổi, họp hành, triển khai dự án mới, tọa đàm, cùng nhân viên làm những trò rất stupid để xả stress.
Tại sao lại là black box ư? Lí do đơn giản cực: Tôi yêu màu đen và từ lâu lắm ấp ủ ý nghĩ về một căn phòng đen kịt. Nguồn sáng duy nhất giữa phòng khiến bạn tập trung hơn, thật thà với bản thân mình.
Lớp học của chị có khác biệt gì với những lớp nghệ thuật khác?
Khác nhiều chứ. Tôi không dạy bạn giỏi múa, giỏi hát, giỏi vẽ. Tôi không chỉ bảo bạn phải làm thế này, thế kia. Tôi đem đến cho bạn sức sáng tạo, khơi dậy những cảm xúc qua các hình thức nghệ thuật, họ tự đặt tên và hình thành khái niệm cho chính mình. Nói cách khác, điều bạn nhận được ở đây là trải nghiệm. Bạn biết đấy, trong thành công của mỗi người, vai trò của IQ chỉ chiếm 25%, còn 75% còn lại là do EQ quyết định.
Có một kỉ niệm thế này, trong lớp Tôi là ai? của các bé 6-7 tuổi ở Life Art, có một bài tập yêu cầu các bé cắt dán những thứ mình yêu thích từ báo, tạp chí… Một bé đã cắt hình chiếc giường và giải thích: “Lâu lắm rồi con không được ngủ với mẹ, từ khi mẹ con sinh em bé! Con nhớ mẹ con lắm”. Bài tập ấy đã làm cả mẹ cô bé và tôi xúc động!
Tôi muốn với Life Art, giúp mọi người trò chuyện với nhau nhiều hơn, hiểu nhau hơn để có thể yêu thương nhau đúng cách – điều đang vô cùng thiếu thốn trong thế giới hiện đại.
Những lớp học này mang lại doanh thu cho Life Art?
Ồ không, vì học phí rất rẻ: 800.000 đồng/người/khóa 3 tháng/12 buổi. Chỉ là một phần trong những dự án của Life Art. Life Art còn rất mới nên sau khi hoạt động 5 tháng, toàn bộ kinh phí vẫn do tôi lo liệu.
Có câu của rẻ của ôi, chị không sợ tâm lí ấy sẽ làm lớp học độc nhất vô nhị của chị vắng học viên sao?
Chuẩn đấy! Lúc tôi mới làm mọi người cũng bảo vậy. Nhưng tôi vẫn quyết tâm mở lớp với chất lượng cực cao và học phí cực rẻ. Cảm giác thách thức quan niệm cũ làm tôi thấy hồi hộp và sung sướng.
Sự sung sướng có kèm theo âu lo không?
Làm gì chẳng có nỗi lo sợ? Cái mới có nỗi lo của cái mới, cái cũ cũng có nỗi lo của cái cũ. Tôi cũng sợ. Nhưng nỗi sợ giúp tôi chuẩn bị kĩ lưỡng hơn.
Vậy điểm khác biệt lớn nhất của Life Art, một doanh nghiệp xã hội với những doanh nghiệp thông thường là gì?
Là mục tiêu. Một doanh nghiệp thông thường tối đa hóa lợi nhuận, còn doanh nghiệp của tôi tối đa hóa hiệu quả phát triển cộng đồng. Công ty cam kết 70% doanh thu là để phục vụ các hoạt động vì cộng đồng, số tiền còn lại đủ để chúng tôi hoạt động và cống hiến.
Life Art là đứa con lai giữa doanh nghiệp bình thường và tổ chức phi lợi nhuận. Mục tiêu của tôi là đến năm 2015, Life Art sẽ có mặt ở khắp Đông Nam Á.
Trong một entry trên blog, chị có khẳng định là nghệ thuật phát triển vì cộng đồng là để đến với những cộng đồng người yếu thế...
Từ “yếu thế” ở đây không chỉ bó hẹp là công đồng người dân tộc thiểu số, cộng đồng người đồng tính… như một số người nghĩ. Tôi cũng có thể ở vị trí yếu thế, nếu như sếp của tôi luôn dùng quyền lực đè nén và không cho tôi quyền nói. Mục đích của tôi là giúp những người yếu thế nói ra được cái ở trong họ, ví dụ như: “Tôi ghét những gì ông bà nói”. Nói ra được như vậy là cả một sự thay đổi lớn, một sự sung sướng thật sự.
***
Tôi từng say sưa với vở kịch hình thể Nhìn của chị. Rồi ngưỡng mộ khi chị làm bộ phim Thảo nguyên xanh tươi cùng các em nhỏ ở bãi giữa sông Hồng. Tại sao chị dừng lại?
Với tôi, nghệ thuật chỉ là một niềm yêu thích, một cuộc chơi thú vị chứ không phải sự nghiệp. Đi tìm vẻ đẹp của con người, phát triển tư duy của họ là niềm đam mê lớn nhất của tôi.
Đam mê khám phá con người của chị bắt đầu từ bao giờ?
Từ nhỏ. Khi ấy tôi đã luôn tò mò về mọi người xung quanh, về suy nghĩ và tình cảm của họ. Tôi đi học tâm lí cũng vì lí do ấy. Nhưng mọi chuyện rõ rệt nhất năm tôi 19 tuổi, lần đầu tiên tham gia hoạt động chống đói nghèo của Liên Hợp Quốc. Rồi tôi đi đến xóm liều Kibera ở thủ đô Nairobi của Kenya - nơi đói nghèo, bệnh dịch, chết vì HIV/AIDS, ma túy, mại dâm là vấn nạn, cùng họ hướng tới cuộc sống mới.
Tôi đi ra bãi giữa sông Hồng và tự tay trao máy quay cho những đứa trẻ cùng khổ, hướng dẫn chúng tự nói lên tiếng nói của mình. Tôi nhận ra, không ai có thể phát triển người khác, chỉ có họ tự phát triển chính mình. Những trải nghiệm ấy làm tôi hạnh phúc.
Tại sao chị chọn trở thành một bà mẹ đơn thân?
Làm mẹ đơn thân thì có gì không tốt chứ? Cuộc sống hiện tại do chính tôi quyết định và tôi hài lòng với nó.
Sau khi li hôn, chị có trở nên yếu đuối hơn không?
Nếu như bạn có một gia đình mà bạn kỳ công với nó đã chín, mười năm. Rồi một ngày, bạn cần quyết định nên ở lại hay bước ra ngoài, đối diện với mọi hậu quả. Để ra đi, bạn phải mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần so với việc chấp nhận ở lại.
Sự mạnh mẽ ấy có khiến chúng ta thiếu đi nữ tính?
Tôi tự thấy mình vô cùng nữ tính. Tôi bị hấp dẫn với những gì mạnh mẽ, hay những người đàn ông mạnh mẽ. Mạnh mẽ không hẳn là kiên cường, cao lớn, mà là dám tự tin bộc lộ cảm xúc của mình. Dám khóc, dám gào thét khi đau khổ, dám nhận lỗi khi sai trái...
***
Sau khi sinh con, nội tâm chị có thay đổi không?
Có, nhiều là đằng khác. Tôi nhạy cảm hơn nhiều. Trước kia tôi không dễ bị tác động bởi ngoại cảnh. Nhưng bây giờ, mỗi khi con ốm, con đau tôi đều thấy xót xa.
Chị chăm sóc con thế nào?
Tôi để con mình phát triển tự nhiên, khuyến khích cháu làm bất cứ điều gì, kể cả chúng không theo quy tắc, tôi cho phép con làm những trò ngu ngốc như mặc áo trái, đi dép ngược... Tôi biết thứ cháu thích là trải nghiệm cảm giác ấy, chứ không phải là hư hỏng.
Và tôi cũng hơi tự hào khi sau ba năm, hành trình nuôi con của tôi tràn ngập tiếng cười, tuyệt nhiên không có lấy một giọt nước mắt. Thí dụ như khi tôi tập cho bé ngồi bô, nhiều người bảo: phải dọa nạt, phải quát mắng, phải nghiến răng đấy. Với tôi lại nhẹ nhàng lắm! Tôi chơi với con, rồi ôm một con thú bông đặt lên chiếc bô, rồi bảo: “Bạn gấu Pooh đang ngồi bô đấy. Con thấy bạn gấu Pooh có giỏi không nào?”. Dần dần, bé tự leo lên bô lúc nào không biết.
Mẹ nói tiếng Việt, bố nói tiếng Anh, hai bố mẹ đang không cùng chung sống. Chị giải quyết vấn đề này với con như thế nào?
Đơn giản thôi! Con tôi nói cả tiếng Việt và tiếng Anh và trộm vía, cháu nói khá tốt. Đương nhiên, thi thoảng cháu cũng lẫn lộn một cách vô cùng hài hước. Một tuần cháu ở với mẹ, một tuần cháu ở với bố. Chúng tôi vẫn chat chit, điện thoại để trao đổi và thống nhất với nhau cách dạy con.
Ngoài chị ra, ai chăm cháu giúp chị?
Xem nào, tôi quan niệm thế này. Con tôi là điều thiêng liêng nhất đối với tôi, cuộc sống đã trao cho tôi quyền nuôi nấng và chăm sóc cháu. Bất kì ai muốn chăm sóc, dạy dỗ hay đưa cháu đi chơi đều phải có sự thông qua của tôi. Người Việt Nam chúng ta thường nhầm lẫn giữa tình yêu thương với quyền lợi. Ai cũng có thể yêu con tôi nhưng chỉ tôi có quyền nuôi con mà thôi.
Về Phan Ý Ly:
16 tuổi: Học Đại học Mount Carmel College tại Bangalore, Ấn Độ.
19 tuổi: Làm việc cho dự án Xóa đói giảm nghèo của Liên Hiệp Quốc.
23 tuổi: Giành học bổng Chevening, trở thành người Việt Nam đầu tiên học Thạc sĩ chuyên ngành Nghệ thuật trong công tác phát triển cộng đồng tại Đại học Winchester Southampton, Anh và đạt điểm cao nhất trong lịch sử khóa học này.
24 tuổi: Khởi xướng dự án đào tạo mô hình sân khấu diễn đàn cho một tổ chức dân vận từ xóm liều Kibera, thủ đô Nairobi, Kenya. Tham gia Trại Nghệ thuật biểu diễn Mekông lần 1 tại Manila (Philippines). Sáng lập sân khấu Nháp - nhóm sân khấu thể nghiệm độc lập đầu tiên tại Việt Nam được hình thành và quy tụ của lứa tuổi 8X.
26 tuổi: Thực hiện dự án phim Cuộc đời tôi - Cách nhìn của tôi tại bãi giữa sông Hồng, Hà Nội.
27 tuổi: Đem mô hình Nghệ thuật trong phát triển cộng đồng vào giảng dạy tại các lớp đại trà ở Hà Nội.
29 tuổi: Giám đốc Life Art, doanh nghiệp xã hội đầu tiên tại Việt Nam. Life Art mở các lớp học như “Yêu và bảo vệ bản thân” cho các bé 6, 7 tuổi, “Tôi là ai?” cho các bé 8-12 tuổi, “Sống sáng tạo” cho các học sinh trên 10 tuổi…
Theo Lửa ấm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.