Pháo đài Đông Đăng, biểu trưng cho ý chí kiên cường của quân dân xứ Lạng
Pháo đài Đồng Đăng - biểu trưng ý chí kiên cường của quân dân xứ Lạng sẽ thành khu tưởng niệm lịch sử
Gia Tưởng - A Tam
Thứ sáu, ngày 17/02/2023 14:13 PM (GMT+7)
Trò chuyện với Dân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên chia sẻ: "Dự kiến tháng 4/2023, Lạng Sơn sẽ khởi công công trình tưởng niệm ở pháo đài Đồng Đăng, để đồng bào tỉnh nhà và cả nước hiểu hơn về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân Lạng Sơn tháng 2/1979".
Xây dựng công trình tưởng niệm lịch sử tại pháo đài Đồng Đăng
Đi khắp các huyện biên giới của tỉnh Lạng Sơn, ở đâu người ta cũng có thể thấy những đài tưởng niệm, bia ghi nhớ công lao của quân và dân ta trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 44 năm trước. Trong số những địa điểm đã đi vào sử sách của dân tộc về những tháng ngày bi tráng đó, không thể không nhắc đến pháo đài Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), địa điểm tượng trưng cho tinh thần bất khuất, anh hùng của của quân dân xứ Lạng trong cuộc chiến đấu chống lại quân xâm lược bành trướng Trung Quốc vào tháng 2/1979.
Pháo đài Đồng Đăng được thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1936-1940 nhằm phòng thủ biên giới phía Bắc, án ngữ các tuyến đường 1A, 1B, 4A chạy qua khu vực Đồng Đăng, huyện Cao Lộc. Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp (chiến dịch Thu Đông 1950) và chiến tranh biên giới năm 1979, pháo đài Đồng Đăng đã bị phá sập gần như hoàn toàn.
Qua tìm hiểu thông tin từ những cựu chiến binh và người dân tại thị trấn Đồng Đăng, nhiều người đã khẳng định với PV Dân Việt, hiện phía dưới tầng 3 của pháo đài, nằm sâu dưới lòng đất vẫn còn hài cốt của nhân dân cùng bộ đội ta. Dù vậy, do điều kiện khách quan nên đến nay vẫn chưa có một cuộc khai quật nào được tổ chức.
Là người sinh ra và lớn lên trên quê hương Lạng Sơn, sau khi đi khảo sát pháo đài Đồng Đăng vào giữa tháng 2/2023, ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn đã lặng người đi một lúc lâu. Dường như những ký ức về cuộc chiến bi hùng của quân dân Lạng Sơn 44 năm trước ùa về trong ông. Phải một lúc sau, ông mới bình tĩnh để chia sẻ được những suy nghĩ ông đang nung nấu trong đầu.
Ông đề nghị các cấp, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị lịch sử, di tích lịch sử cấp tỉnh của pháo đài Đồng Đăng đến các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, ông cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn, UBND huyện Cao Lộc phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Lạng Sơn tăng cường công tác quản lý đất đai; thực hiện công tác quy hoạch xây dựng khu di tích gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Về định hướng xây dựng công trình tưởng niệm tại pháo đài Đồng Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn giao cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu về quy mô công trình, các nguồn kinh phí tổ chức thực hiện.
Đồng thời, giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia đối với pháo đài Đồng Đăng.
Chia sẻ riêng với PV Dân Việt trong buổi đi khảo sát hiện trạng của pháo đài Đồng Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên chia sẻ: "Dự kiến tháng 4/2023, Lạng Sơn sẽ khởi công công trình tưởng niệm ở pháo đài Đồng Đăng, để đồng bào tỉnh nhà và cả nước hiểu hơn về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân Lạng Sơn tháng 2/1979".
Bi tráng cuộc chiến 5 ngày 5 đêm giữ pháo đài
Những ngày này liên lạc với Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nông Văn Phiao, ông đều rất bận bịu vì đồng đội của ông khắp nơi trên cả nước tìm về chiến trường xưa ở Lạng Sơn. Lúc tham gia trận đánh đầu tiên ở pháo đài Đồng Đăng, ông Phiao mới là Binh nhất. Ông về hưu với quân hàm Đại tá, nguyên Phó Chỉ huy Trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn.
Được phóng viên khơi gợi lại chuyện của quá khứ, trầm tư trong chốc lát, ông Phiao chậm rãi kể: Khoảng gần 5 sáng 17/2/1979, nghe tiếng súng pháo nổ phía biên giới, Đồn trưởng - Thiếu tá Hoàng Ý giật mình nhìn ngay về phía biên giới, kịp thốt lên "quân Trung Quốc đánh ta rồi" rồi cho báo động toàn bộ đơn vị, lệnh cho chiến sĩ vào vị trí chiến đấu ngay.
"Anh em cán bộ chiến sĩ bọn tôi lúc đó còn trẻ lắm, hầu hết là hạ sĩ, binh nhất, binh nhì. Vừa chạy lên vị trí chiến đấu thì bên kia biên giới, quân bành trướng Trung Quốc câu pháo bắn thẳng vào pháo đài", Đại tá Phiao nhớ lại.
5 giờ sáng, pháo binh từ phía Trung Quốc đồng loạt bắn dồn dập vào pháo đài Đồng Đăng và những quả đồi bên cạnh có bộ đội ta đóng quân. 5 giờ 15 phút, tiếng súng đột ngột ngưng lại. Lúc đó, Đại đội 5 Công an nhân dân vũ trang Lạng Sơn và một đại đội Bộ binh của Sư đoàn 3 (Quân khu 5) phối hợp triển khai ra ngoài chiến hào để chiến đấu.
Đại đội bộ binh phụ trách phía Bắc và Đông pháo đài, còn Đại đội 5 Công an nhân dân vũ trang Lạng Sơn phụ trách phía Nam và Tây pháo đài.
Khoảng 6 giờ 30 phút, quân Trung Quốc vây kín dưới chân pháo đài. Hỏa lực từ pháo binh và xe tăng Trung Quốc dưới chân pháo đài bắn lên. Bên kia biên giới, pháo binh Trung Quốc cũng dồn dập nhắm pháo đài mà bắn. " Quân bành trướng Trung Quốc đông như kiến. Chúng tràn đến đâu dày kịt đến đó! Tôi là xạ thủ khẩu đội đại liên 12 li 7, cứ thế liên tục bóp cò súng mà không phải ngắm gì. Nhưng quân địch vẫn tràn lên rất đông", Đại tá Nông Văn Phiao kể tiếp.
Phía Tây, quân Trung Quốc dùng 7 xe tăng tiến về chân pháo đài. Binh nhất Lê Minh Trường, xạ thủ B40, vượt ra khỏi chiến hào, nằm dưới lùm cây bắn cháy chiếc xe tăng đi đầu. Trường bắn tiếp quả đạn thứ hai, trúng ngay xích một xe tăng nữa của địch.
Năm chiếc xe tăng đi sau thấy thế liền lùi lại. Quân bành trướng Trung Quốc cho bộ binh tràn lên. Khi Trường quay lại chiến hào để lấy quả đạn thứ ba bắn tiếp không may anh bị trúng đạn, hi sinh ngay tại chiến hào!
Đợt tấn công đầu tiên, quân xâm lược bành trướng Trung Quốc không lên pháo đài được, phải lùi xuống rồi xông lên đợt hai.
"Chúng từ bờ ruộng tràn lên, mình ở trên đỉnh cao bắn xuống. Nhưng quân bành trướng Trung Quốc đông không tưởng tượng được, cứ chết lớp này thì lớp khác tràn lên. Trong đợt tấn công thứ hai, chỉ huy là anh Trần Hà Bắc hi sinh. Trung úy Hoàng Quốc Hội lên thay để chỉ huy anh em chiến đấu rồi cũng hi sinh. Nhiều chiến sĩ ở phía Tây và Nam pháo đài sau đó cũng lần lượt hi sinh trước biển người của địch"- Đại tá Phiao ngậm ngùi.
Đến 9 giờ sáng ngày 17/2, quân bành trướng Trung Quốc lại xông lên pháo đài lần thứ ba. Ông Phiao cầm khẩu trung liên, bắn hết băng này đến băng khác, nòng súng đỏ rực. Quân địch cũng phải lùi lại.
"Đến trưa, quân ta ở bốn hướng của pháo đài vẫn kiên cường anh dũng đánh chặn địch không hề nao núng. Kẻ địch thiệt hại nhiều mà vẫn không tiến lên được, phải dạt xuống bờ suối. Thấy bộ binh không hiệu quả, phía Trung Quốc cho pháo binh bắn sang hòng dập nát pháo đài. Chỉ huy mình ở các hướng đều hi sinh hết, chiến sĩ cũng hi sinh rất nhiều, số còn lại phải dạt về phía Nam pháo đài nơi chúng tôi đang chiến đấu. Đến 14 giờ ngày 17/2, quân Trung Quốc lại bắn dàn tên lửa H12 sang. Pháo phụt đỏ rực góc trời! Đồng đội tôi lại ngã xuống"- Đại tá bùi ngùi.
Hết ngày 17/2 và cả buổi sáng hôm sau, địch vẫn dậm chân tại chỗ. Đến tối 18/2, lực lượng trinh sát của Sư đoàn 3 Sao Vàng lên mở đường máu đưa thương binh, những người ốm yếu và một số người dân Đồng Đăng về tuyến sau. Những người còn khỏe vẫn tình nguyện ở lại tiếp tục chiến đấu.
Sáng đến ngày thứ ba, sáng 19/2, quân xâm lược bành trướng Trung Quốc lại tràn lên tấn công. Dù số vũ khí và đạn dược còn lại rất ít ỏi, quân số cũng thiệt hại quá nhiều, tương quan lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch nhưng bộ đội ta vẫn quyết tử để giữ bằng được pháo đài. Địch tấn công đến trưa vẫn không chiếm được pháo đài.
"Chúng tôi đánh đến trưa thì không còn ai tiếp phẩm nữa vì khi này, tiếp phẩm, anh nuôi cũng phải cầm súng chiến đấu" - nguyên Phó Chỉ huy Trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn nói.
Khoảng 16 giờ 30 ngày 21/2, pháo đài bị trúng đạn pháo địch, gần như tan tành phía trên. Binh nhất Nông Văn Phiao bị sức ép của quả đạn pháo ngất đi. Khi tỉnh dậy, ông chỉ thấy nhiều đồng đội quanh mình đã hi sinh. Những người còn sống phải rút hết vào trong pháo đài nằm sâu dưới đất.
Quân Trung Quốc chặn hết đường ra, bắc loa gọi quân ta đầu hàng. Khi thấy không ai chịu ra, chúng ném lựu đạn cay xuống hầm! Gió thổi hơi cay vào khiến mọi người ho sặc sụa. Khi hiểu rằng không thể nào khuất phục được ý chí của quân và dân ta đang cố thủ trong pháo đài, đến đêm 21/2, quân bành trướng Trung Quốc dùng bộc phá đánh sập tầng một và tầng hai pháo đài. Thương binh ở tầng hai của pháo đài và hàng trăm người dân chạy giặc núp dưới hầm đều hi sinh hết...
Đêm 21/2/1979, sau 5 ngày đêm quân và dân ta kiên cường, anh dũng chiến đấu để bảo vệ đến hơi thở cuối cùng, pháo đài Đồng Đăng cũng đã bị quân xâm lược bành trướng Trung Quốc chiếm giữ. Cả hai bên đều phải chịu tổn thất nặng nề...
Sau Chiến tranh biên giới 1979, khu đất pháo đài Đồng Đăng được UBND tỉnh Lạng Sơn giao quyền và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn quản lý với diện tích 50.030m2 thuộc đất an ninh quốc phòng.
Năm 2012, thực hiện chủ trương cắm mốc giới đất quốc phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức cắm mốc giới được 48 mốc và đo đạc lại diện tích khu đất là 52.677,1m2.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.