Những con giòi có thể chữa lành một vết thương nhiễm trùng chỉ trong vài ngày.
Con người phải chịu vô số loại bệnh tật, trong đó gây nhiều đau đớn và điều trị khó khăn nhất có lẽ là những vết thương hở.
Các vết thương mãn tính, đặc biệt phát triển ở nhóm bệnh nhân tiểu đường hoặc mắc bệnh lý về mạch máu, có xu hướng được làm đầy bởi các mô bị nhiễm trùng và chết, lâu dần trở thành vết thương loét rất khó lành. Trong nhiều trường hợp, bác sỹ buộc phải phẫu thuật cắt bỏ 1 phần hoặc toàn bộ cánh tay hay cánh chân mang vết thương đó.
Và thật đáng ngạc nhiên khi những con giòi vốn vẫn bị xem là bẩn thỉu lại có thể làm nên kỳ tích sau khi tất cả các phương pháp điều trị hiện đại khác thất bại. Loài ấu trùng này có thể làm lành một vết loét nặng trong vòng chỉ vài ngày.
Phát hiện tuyệt vời này khiến giới khoa học toàn cầu đã phải thốt lên kinh ngạc. Hiện nhóm tác giả công trình nghiên cứu đang nỗ lực làm rõ cách thức chữa trị của các “bác sỹ” trong tự nhiên này.
Những lợi ích tích cực của việc sử dụng giòi để điều trị vết thương mưng mủ đã được biết đến trong nhiều thế kỷ, xuất hiện từ thời Jesus trong Kinh Thánh, tại nhiều quốc gia và nền văn hóa cổ đại.
Giòi là dạng ấu trùng không có răng. Thay vào đó, chúng tiết ra enzym phá vỡ các mô chết. Sau đó, bằng cách di chuyển chiếc miệng hình móc câu, chúng sẽ hút và tiêu hóa phần nhiễm trùng. Cứ như vậy, 1 con giòi có thể làm sạch vết thương chỉ trong vòng hai đến ba ngày.
“Chúng tôi thấy rằng dịch tiết từ giòi, ngoài khả năng giết chết một số vi khuẩn, còn sản sinh ra loại phân tử kháng khuẩn rất nhỏ - Seraticin”, Phó giáo sư Yamni Nigam (Khoa Y Sinh, Đại học Swansea) – đại diện nhóm tác giả, cho biết.
Seraticin được biết đến là loại chất dẫn truyền vô cùng hiệu quả trong việc chống lại nhiều tác nhân gây bệnh và vi khuẩn tự do, kể cả các chủng kháng thuốc kháng sinh.
“Một lượng dịch tiết chứa yếu tố kháng khuẩn này có thể tiêu diệt chủng vi khuẩn kháng thuốc như MRSA, mở ra hy vọng rằng đây sẽ là công cụ đắc lực trong cuộc chiến chống lại vi khuẩn kháng thuốc”, Yamni Nigam nói thêm.
Ngoài ra, giòi cũng tiết ra các phân tử tiêu diệt sự hình thành màng sinh học - bức tường bảo vệ vi khuẩn khỏi mọi sự tấn công, bằng cách ngăn chặn sự hình thành ban đầu của nó.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, loài ấu trùng này còn sản xuất một chất kháng nấm cực mạnh, có thể giải thích bằng lịch sử hàng triệu năm sống trên xác chết của 2 tác nhân chính tham gia quá trình phân hủy - giòi và nấm.
Trái ngược với vẻ ngoài ghê rợn, những con giòi thực chất là loại thiết bị y tế thu nhỏ với sức mạnh hiệu quả giúp nhiều người thoát khỏi sự đau đớn bởi các vết thương nhiễm trùng.
Tuy nhiên, điều các nhà khoa học lo ngại là phản ứng của người bệnh và việc làm thế nào để họ tham gia thử nghiệm trên vết thương khi mà từ trước tới nay, đây vẫn bị coi là sinh vật ghê rợn.
“Nhiều bệnh nhân sợ rằng những con giòi bẩn thỉu có thể gây nhiễm trùng thêm mà không hiểu rằng chúng được nuôi trong điều kiện vô cùng nghiêm ngặt và đặc biệt vô trùng tại phòng thí nghiệm chuyên ngành. Hiện tại, chúng tôi đang hoàn tất những bước thử nghiệm cuối cùng và sẽ sớm công bố nghiên cứu này trong thời gian tới”, Phó giáo sư Yamni Nigam chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.