Phát hiện loài thực vật mới ở một khu rừng nguyên sinh cực tây Việt Nam
Phát hiện loài thực vật mới ở rừng nguyên sinh cực tây Việt Nam, hoa đẹp lại có giá trị dược liệu
Thiên Hương
Thứ sáu, ngày 07/04/2023 16:09 PM (GMT+7)
Mới đây, các nhà khoa học Việt Nam phối hợp với các nhà nghiên cứu từ Nhật Bản và Nga phát hiện một loài thực vật mới cho thế giới tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Loài mới này có tên tiếng Việt tạm gọi là Mạch môn mường nhé.
Phát hiện loài thực vật mới, vừa làm cảnh vừa có giá trị dược liệu
Mới đây, các nhà khoa học Việt Nam phối hợp với các nhà nghiên cứu từ Nhật Bản và Nga vừa phát hiện một loài thực vật mới cho thế giới tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Mường Nhé thuộc tỉnh Điện Biên.
Loài mới này có tên tiếng Việt tạm gọi là Mạch môn mường nhé hoặc Xà thảo mường nhé, và có tên khoa học là Ophiopogon muongnhensis. Loài này vừa được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế Phytotaxa.
Tiến sỹ Phạm Văn Thế, Đại học Văn Lang, đồng tác giả nhóm nghiên cứu cho biết: Mạch môn mường nhé được phát hiện tại khu vực rừng nguyên sinh lá rộng thường xanh còn sót lại trên sườn dốc của núi đá sa thạch ở A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, nơi cực tây Việt Nam.
Cũng theo TS. Phạm Văn Thế, tên khoa học một loài thực vật gồm 2 từ, từ thứ nhất chỉ tên chi, còn từ thứ 2 là tính từ chỉ loài. Vì là tính từ nên viết theo cách thông thường, không phải viết hoa do không phải danh từ.
Đây là loài thực vật sống trên cạn, mọc nơi râm mát và ẩm ven suối. Chúng thuộc họ phụ Linh lan (Convallarioideae), và thuộc họ Măng tây (Asparagaceae).
Một số đặc điểm nổi bật của loài này gồm: cây thân rễ có lá dài đến 90 cm, lá hình dải thuôn, mặt dưới lá sáng bạc, cụm hoa cao khoảng 20 cm mang 9-12 chùm hoa, mỗi chùm thường mang 2 hoa. Hoa màu trắng, hơi xanh và có nhiều đốm tím ở mặt trong cánh hoa.
Tuy nhiên, hoa của loài này khá nhỏ, khi mở căng thì đường kính khoảng 2 cm. Chùm quả khi chín có màu xanh tím.
"Mạch môn mường nhé có nhiều đặc điểm hình thái gần giống nhất với loài Mạch môn griffith (Ophiopogon griffithii). Tuy nhiên điểm khác biệt chủ yếu là loài mới này có các thùy bao hoa rộng hơn, các bao phấn hình tam giác hẹp rời (so với các bao phấn hình mũi mác thẳng và hợp bên)", TS. Nguyễn Sinh Khang, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – một trong 7 tác giả phát hiện loài thực vật mới này nói.
Theo tìm hiểu của TS. Phạm Văn Thế, thế giới hiện có khoảng 70 loài/dưới loài thuộc chi Mạch môn, và có khoảng 27 loài/dưới loài phân bố tự nhiên ở Việt Nam.
Các loài này thường phân bố dưới tán rừng nguyên sinh, nơi có độ ẩm cao ở các khu rừng nhiệt đới từ Bắc vào Nam. Về giá trị tài nguyên, các loài Mạch môn thường có giá trị làm cảnh và làm dược liệu.
Với loài vừa được công bố, nhóm nghiên cứu đã phát hiện loài từ nhiều đợt điều tra thực địa trước đây nhưng chưa đủ dữ liệu. Sau khi thu thập đủ dữ liệu bao gồm các đặc điểm quan trọng như bộ phận sinh sản (hoa, quả), nhóm tác giả mới quyết định mô tả và công bố loài mới.
Toàn văn bài báo khoa học về loài thực vật mới này có thể tìm thấy với mã định danh quốc tế (DOI) https://doi.org/10.11646/phytotaxa.591.2.9
Công dụng dược liệu của củ mạch môn
Theo y học cổ truyền, củ mạch môn có vị ngọt, hơi đắng tính hơi hàn, vào 3 kình tâm, phế và vị. Có tác dụng thanh tâm, nhuận phế, dưỡng vị sinh tân, hoá đờm, chỉ ho, dùng điều trị hư lao, ho, thổ huyết, ho ra máu, miệng khô khát, bệnh nhiệt tân dịch khô.
Đây là một vị thuốc rất thông dụng trong y học cổ truyền, thường dùng làm thuốc ho, long đờm, thuốc bổ (bệnh phổi, gầy còm). Còn dùng điều trị thiếu sữa, lợi tiểu, điều trị sốt khát nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.