"Năm nay thời tiết không thuận lợi nên phật thủ mất mùa, sản lượng giảm đến 50% so với năm ngoái, quả nhỏ, tay và ngón cụp hơn,... nên giá sẽ cao hơn hẳn năm trước", anh Minh, chủ một vườn phật thủ ở Đắc Sở cho biết.
Phật thủ là loài cây khó tính và quả của nó phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Chỉ một chút biến động khắc nghiệt của thời tiết cũng khiến cho nhiều trái phật thủ không được như ý muốn của người nông dân. Tháng 6 Âm lịch là lúc cây ra hoa thì gặp lúc mưa bão nên lượng hoa rất ít. Sản lượng quả giảm 50% so với năm ngoái. Dù có hoa nối vào tháng 7, tháng 8 nhưng quả nhỏ; tay, ngón cụp hơn nên không được to, đẹp.
Có hơn 7 sào phật thủ đã được thương lái đến mua từ mấy tháng trước và đánh dấu thắt nơ từng quả, anh Tuân (Thôn Đông, Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội) hào hứng chia sẻ với phóng viên Ngon Sạch Lạ: "Phật thủ năm nay nhìn chung không được to, đẹp như mọi năm nhưng vẫn xuất hiện nhiều "quái kiệt" và được thương lái chú ý từ những ngày đầu nhưng tôi vẫn chưa muốn bán".
Đắc Sở – Hoài Đức (Hà Nội) là nơi có diện tích trồng phật thủ lớn nhất Thủ đô. Đây cũng là nơi tập trung nhiều quả phật thủ có giá cao nhất cả nước, thế nhưng, năm nay đang phải đối diện với một năm mất mùa.
Chỉ còn khoảng chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng nhiều nhà vườn phật thủ ở Đắc Sở lúc nào cũng đón khách nườm nượp ra vào. Người xem có, người mua lẻ có, lái buôn có, họ đến để chiêm ngưỡng, tham quan và mua buôn phật thủ đẹp, "độc", "khủng" tại vườn với giá lên tới hàng triệu mỗi trái.
Anh Khổng Tiến Cường - chủ vườn phật thủ ở Đắc Sở chia sẻ: "Đã có nhiều lái buôn đến tham quan vườn của tôi, họ trả mỗi trái phật thủ với giá khá cao vì so với những vườn phật thủ xung quanh, vườn của tôi có lượng quả to, đều và đẹp. Có rất nhiều khách đã buộc nơ với giá tiền triệu mỗi trái".
Cũng theo anh Cường, giá phật thủ năm nay cao hơn so với năm ngoái, biến động trung bình khoảng 300.000 - 500.000 đồng/quả.
Không chỉ cung cấp phật thủ cho toàn Thủ đô mà dịp cận Tết cũng là giai đoạn thu hoạch chính của loại cây này. Hàng ngày, phật thủ Đắc Sở được đưa đi tỉnh lẻ, miền Trung, miền Nam, còn ở Hà Nội tiêu thụ ít hơn.
Hình dáng của trái phật thủ khiến người ta liên tưởng đến bàn tay của Đức Phật.
Trái phật thủ với hình dáng đẹp mắt này cũng như những trái phật thủ khác mang trong mình ý nghĩa tâm linh sâu sắc và thường được dùng để bày mâm ngũ quả ngày Tết cổ truyền.
Những trái phật thủ có dáng đẹp, ngón to bung xòe, nhiều tầng như thế này được dân lái buôn và nhiều người chơi tìm về tận vườn đặt tiền trước từ nhiều tháng trước Tết. Trái phật thủ đẹp tại "thủ phủ" phật thủ này vẫn còn đang tiếp tục lớn, những ngón tay mọng, bung xòe rộng, xếp thành nhiều tầng.
Khi nhỏ quả phật thủ có màu xanh đậm, khi chín chuyển sang màu vàng chanh. Kết trái vào mùa xuân thì trái sẽ chín vào cuối mùa hè và đầu thu; kết trái vào mùa thu thì trái sẽ chín vào cuối thu đầu đông. Kết trái vào đầu xuân, thông thường thì trên đầu quả có hình dạng giống như các ngón tay duỗi ra, thường được gọi là “Tay phật mở”, “Tay phật duỗi” và “Tay phật thủ xòe”. Kết trái vào hạ, quả phật thủ thường có hình dạng giống như bàn tay nắm vào, các ngón tay chụm lại, mọi người thường gọi là “Tay phật khép” hoặc “Tay phật nắm”.
Càng già, chín phật thủ càng ngả dần sang màu vàng, màu của giàu sang, phú quý.
Người ta thờ phật thủ với mong muốn gia đình gặp nhiều may mắn trong năm mới, phồn thịnh về của cải, sức khỏe…
Chơi phật thủ cũng rất công phu và có "luật" của nó. Quả càng to, ngón tay của phật thủ càng nhiều, dài, móng nhọn thì càng có giá trị. Những trái phật thủ đẹp mắt, mang lại may mắn cho các gia đình dịp đầu năm mới được kết tinh từ phù sa ngọt mát, từ sự chịu thương chịu khó, từ tình yêu đất, yêu cây của người dân nơi đây. Mối duyên lành giữa đất và cây đã, đang và sẽ mang lại những mùa xuân sung túc, bình yên cho Đắc Sở.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.