Theo ông Lê Văn Đức - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, diện tích CĂQ khu vực phía Nam còn phân tán, nhỏ lẻ, gây khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Hiện chỉ có một số loại hoa quả như thanh long, chuối, cây có múi đang hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô tương đối lớn.
Theo ông Đức, năm 2018, diện tích CĂQ các tỉnh phía Nam ước đạt 560.000ha (khoảng 60% diện tích CĂQ cả nước). Tổng sản lượng quả đạt hơn 6,6 triệu tấn. Hiện, miền Nam có 14 loại hoa quả có diện tích lớn là: xoài (80.000ha), chuối (75.000ha), thanh long (53.000ha)…
Vú sữa lò rèn đang được tỉnh Tiền Giang tập trung đầu tư để trở thành loại trái cây chủ lực trong xuất khẩu. Ảnh: Trần Đáng
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp liên kết, hợp sức phát triển bền vững CĂQ. Ông cũng cho biết, đến năm 2020, Bộ sẽ hoàn thành đề án phát triển bền vững CĂQ của cả nước trên nền tảng các giải pháp căn cơ.
|
Cũng theo ông Đức, trái cây đưa vào chế biến còn ít cả về chủng loại và sản lượng. Cả nước hiện có 145 cơ sở chế biến rau, quả quy mô công nghiệp, với tổng công suất thiết kế hơn 800.000 tấn/năm. Ngoài ra, còn hàng nghìn cơ sở chế biến quy mô nhỏ. Hầu hết các cơ sở hoạt động chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế.
"Việc liên kết giữa sản xuất, bảo quản và chế biến còn nhiều hạn chế, không đảm bảo về chất lượng. Sản phẩm chế biến dưới dạng thô, nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao. Khả năng đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến chậm, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt các thị trường khó tính" - ông Đức đánh giá.
Bà Nguyễn Thị Ba-chủ doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu chanh không hạt ở Long An thổ lộ, nguyên nhân không phải doanh nghiệp không chịu đầu tư cơ sở hạ tầng, mà còn yếu tố chủ quan: “Tôi dự định xây kho lạnh ngay tại vùng nguyên liệu chanh để tăng khả năng dự trữ, giảm chi phí vận chuyển nhằm cạnh tranh với đối tác thị trường xuất khẩu, nhưng vì lý do nào đó, tỉnh chưa đồng ý”.
Để phát triển bền vững CĂQ ở các tỉnh phía Nam, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, các tỉnh có diện tích trồng CĂQ không nên quá chú trọng tăng sản lượng, mà tập trung nâng cao chất lượng các loại trái cây chủ lực, được thị trường các nước ưa chuộng.
“Bộ NNPTNT đã cho rà soát các các CĂQ chủ lực. Quan điểm của Bộ NNPTNT là lấy chất lượng hơn số lượng. Vì thế các tỉnh trồng CĂQ phía Nam đẩy nhanh hướng dẫn nông dân áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt” - ông Doanh chỉ đạo.
Đại diện Công ty Nafoods Group cho biết, để kiểm soát chất lượng cây giống cũng như sản phẩm cho chất lượng tốt, trong tổ chức sản xuất phải tổ chức khép kín từ sản xuất đến thị trường bằng hợp đồng liên kết chặt giữa người trồng và doanh nghiệp.
Về sử dụng thuốc BVTV trên CĂQ, theo ông Trương Hữu An-Giám đốc đốc HTX Thanh long Tầm Vu (Long An), Bộ NNPTNT cần phải quản cho được thuốc BVTV đang trôi nổi trên thị trường.
“Nhiều nông dân không nhận thức được rõ ràng nguồn gốc thuốc, nên rất dễ xảy ra tình trạng dư lượng hóa chất trên rau, quả, làm giảm uy tín trái cây Việt Nam với đối tác nước ngoài” - ông An chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.