Banking Vietnam là sự kiện công nghệ ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) phối hợp tổ chức nhằm triển lãm, giới thiệu những thành tựu mới về công nghệ hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới.
Thanh toán di động tăng 170% trong năm 2018
Phát biểu khi mạc, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, để thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, bên cạnh nhiều trụ cột khác, thanh toán điện tử sẽ là một trong những trụ cột quan trọng đóng góp vào triển khai thành công chiến lược này.
Việc thực hiện trụ cột thanh toán điện tử tại Việt Nam hiện nay cũng đã đạt được một số kết quả nội bật. Theo Phó Thống đốc, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán đang không ngừng hoàn thiện, xây dựng mới làm cơ sở cho phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán đa dạng, tiện ích đáp ứng nhu cầu người dân và doanh nghiệp.
Hạ tầng thanh toán quốc gia đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển của nền kinh tế với giá trị xử lý trong năm 2018 gấp 13 lần GDP, hạ tầng thanh toán bán lẻ được kết nối liên thông với các ngân hàng, tổ chức trung gian tài chính (TGTT), tích hợp thêm các dịch vụ mới, hỗ trợ đắc lực hầu hết các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như thương mại, giao thông, dịch vụ công...
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh
"2018 đã đánh dấu một năm thành công vượt bậc trong phát triển thanh toán điện tử của Việt Nam khi thanh toán Internet, thanh toán di động đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng về giá trị giao dịch, tương ứng tăng 19,5% và 169,5% so với năm 2017. Hãng kiểm toán PwC cũng đã xếp Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018", Phó Thống đốc cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng, tổ chức TGTT tại Việt Nam đã ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến nhằm giảm chi phí, tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật cho sản phẩm, dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt...); thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code); thanh toán an toàn, thuận tiện qua mã hóa thông tin thẻ (Tokenization); thanh toán phi tiếp xúc (contactless payment) tốc độ và tiện lợi...
Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo NHNN, việc cung cấp dịch vụ tài chính đến tất cả người dân và tổ chức trong nền kinh tế có thể gặp nhiều rào cản như là chi phí dịch vụ, khoảng cách địa lý, thời gian cung cấp dịch vụ, chất lượng dịch vụ…Điều đó khiến cho thực thi tài chính toàn diện là không dễ dàng, nhất là ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
Để thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển thanh toán điện tử trong giai đoạn tới, theo Phó Thống đốc, cần chú ý tới xu hướng số hóa dịch vụ ngân hàng, lấy khách hàng làm trung tâm trở nên phổ biến và hành vi người tiêu dùng có sự thay đổi mạnh mẽ từ tương tác giới hạn trong môi trường off-line, gặp mặt trực tiếp nhân viên ngân hàng sang môi trường giao dịch trực tuyến không gặp mặt, tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng liên tục, mọi lúc, mọi nơi trên nhiều loại thiết bị di động.
Bối cảnh mới này đòi hỏi các ngân hàng, tổ chức TGTT phải đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ 4.0 nhằm cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới; đẩy mạnh khai thác, phân tích dữ liệu thông minh để thấu hiểu khách hàng, qua đó cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, cá nhân hóa với giá cả hợp lý; tăng cường KYC khách hàng bằng công nghệ tiên tiến; bảo vệ bí mật khách hàng, ngăn ngừa tấn công mạng;…
Cho các ngân hàng chọn “cánh tay nối dài”
Bàn về xu hướng không dùng tiền mặt tại Việt Nam, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch ngân hàng Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostbank) cho biết, không dùng tiền mặt là xu hướng của thế giới đồng thời là chủ trương của Chính phủ và NHNN nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển về lĩnh vực thương mại điện tử. Đây còn là công cụ giúp minh bạch hóa các quá trình giao dịch cũng như kinh doanh.
“Từ năm 2018 đến 2019, sự tăng trưởng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam rất tốt, tăng từ 10% lên 14% đến 15%. Điều này cho thấy, thị trường thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam đã có sự đột phá”, ông Thắng cho hay.
Có được kết quả này, các ngân hàng, các công ty fintech hay các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán đã và đang tiếp cận với các giải pháp xu hướng công nghệ mới nhất của thế giới để ứng dụng vào Việt Nam. Ví dụ như sự phát triển loại hình thanh toán bằng QR code ở Việt Nam và xây dựng các app thuận tiện trên điện thoại thông minh để kết nối với ngân hàng thanh toán.
Đồng thời, các tổ chức này cũng bắt đầu xây dựng các biện pháp tích hợp các hệ thống ví, ngân hàng với thẻ trong một đa kênh nhằm xây dựng ngân hàng số phát triển tốt nhất cho người dân.
Tuy nhiên, để làm được điều này, theo ông Thắng điều khó khăn nhất là làm sao kết nối được nhiều đối tượng vào cùng một hệ thống. Ví dụ như việc ngân hàng làm sao kết nối được với nhiều nhà cung cấp dịch vụ và phải kết nối được với cuối cùng người tiêu dùng. “Khó nhất là tạo được sự đồng thuận, cộng hưởng giữa NH, các công ty cổng thanh toán với các đối tác, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bởi đó là cả 1 quá trình từ trao đổi đến hợp tác giữa các bên”, vị này cho hay.
Nói về những khó khăn pháp lý trong sự phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt tại khu vực nông thôn, chủ tịch LienVietPostbank cho hay, “Muốn thanh toán không dùng tiền mặt thì phải bỏ được tiền vào trong tài khoản dù đó là tài khoản điện tử, ví hay tài khoản thẻ. Như vậy thì hành lang pháp lý của NHNN phải tạo điều kiện giúp cho các NH, các TGTT một chính sách thuận lợi để 24/7 và bất cứ chỗ nào, khách hàng cũng có thể cho được nắm tiền mặt vào trong điện thoại. Hiện nay, khách hàng phải đến ngân hàng để nộp tiền mặt thì làm sao mà phát triển được thanh toán không dùng tiền mặt”.
Giải pháp vị này đưa ra đó là, NHNN cho phép các NHTM tự chọn và tự xét duyệt “cánh tay nối dài” của mình nhằm hỗ trợ khách hàng nạp tiền mặt vào trong NH số, ví điện tử và khi cần khách hàng vẫn có thể rút ra được. “Cánh tay nối dài này là các đại lý của các ngân hàng và họ sẽ được hỗ trợ 1 khoản phí do ngân hàng trả. Như vậy thì bất cứ đầu làng hay cuối làng đều có thể hỗ trợ được người dân có tiền mặt bất cứ lúc nào cũng đến nộp vào tài khoản của mình, ví của mình. Từ đó có thể thực hiện gửi tiết kiệm, mua sắm online…”, ông Thắng nhấn mạnh.
Bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cũng thừa nhận, để phát triển tài chính toàn diện cũng như thanh toán không dùng tiền mặt hiện vẫn gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt là tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
“Mức độ thâm nhập về tài khoản cho người trưởng thành ở Việt Nam chiếm 31%, trong đó tại khu vực nông thôn thấp hơn nhiều chỉ khoảng 25%. Đó là yếu tố khó khăn mà các ngân hàng thương mại phải vượt qua” bà Yến nhấn mạnh.
Bà Yến phân tích thêm, những thách thức đưa ra có thể thấy là người dân tiếp cận dịch vụ thông tin tài chính rất hạn chế. Đồng thời, thói quen dùng tiền mặt hiện vẫn diễn ra thường xuyên với số lượng và quy mô giao dịch gần 90% là tiền mặt. Đây là thói quen của người dân chính vì vậy nên để người dân thay đổi thói quen, tiếp cận được với các dịch vụ điện từ hiện đại rất khó khăn. “Là khó khăn nhưng chúng tôi cũng thấy đây là tiềm năng cho ngân hàng mở rộng dịch vụ phát triển tới tất cả các người dân, tất cả các vùng từ thành thị đến nông thôn”, vị lãnh đạo ngân hàng Vietcombank nêu rõ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.