Phát triển vận tải hành khách công cộng ở TP.HCM (bài cuối): Xe buýt "teo tóp" nếu không giải được bài toán trợ giá

Chinh Hoàng Thứ năm, ngày 28/07/2022 16:29 PM (GMT+7)
Tiếp tục bàn về vấn đề trợ giá đối với Vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) ở TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Thuỷ (Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT) cho rằng: VTHKCC bắt buộc phải có trợ giá, cần giải pháp sao cho hiệu quả nhất.
Bình luận 0

Bắt buộc phải có trợ giá

Theo ông Thủy, VTHKCC bắt buộc phải có trợ giá. Vấn đề là chọn giải pháp làm sao cho trợ giá hiệu quả nhất. 

 Phát triển vận tải hành khách công cộng ở TP.HCM (bài cuối): Bắt buộc phải có trợ giá  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Thủy (Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT) cho rằng: VTHKCC bắt buộc phải có trợ giá. Ảnh: Quốc Quang

Ông Thủy cho biết: Ngay từ đầu, nhìn thấy bảng so sánh về tiền trợ giá và lượng hành khách, ông rất hoang mang khi tiền trợ giá cao, lượng trợ giá thấp. Ông đồng tình trong 10 năm nữa, với Hà Nội, TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung, xe buýt vẫn là chủ đạo. Như vậy, phải tập trung cho loại hình này phát triển tốt nhất.

 Phát triển vận tải hành khách công cộng ở TP.HCM (bài cuối): Bắt buộc phải có trợ giá  - Ảnh 2.

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM. Ảnh: Quang Phương

"Chúng ta phải đảm bảo trợ giá ổn định, không thể năm nay có nhiều tiền thì chạy nhiều, sang năm ít tiền thì chạy ít đi. Sở GTVT TP.HCM cần có kế hoạch lâu dài. Đây là vấn đề tất yếu cần đầu tư, quan tâm", ông Thủy cho biết thêm.

Cũng theo ông Thủy, trong quá trình xây dựng tuyến, đưa ra hồ sơ thầu, cơ quan quản lý cần có đánh giá, có khảo sát, sao cho khi ta đưa ra kế hoạch thầu sát thực nhất, khi đó trợ giá sẽ phù hợp nhất.

Với câu hỏi từ các doanh nghiệp vận tải về trường hợp không trợ giá và trợ giá, ông Thủy lý giải: "Đây là loại hình vận tải công cộng, ngoài hiệu quả kinh doanh thì vấn đề đáp ứng nhu cầu đi lại của xã hội mới quan trọng nhất. Tuyến nào trợ giá hay không thì phải tính toán cụ thể, phù hợp".

Mức trợ giá cần thống nhất 3 bên

Theo ông Võ Khánh Hưng (Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM): Về điều chỉnh hợp đồng thầu, liên quan đến vấn đề trợ giá, một mặt thỏa thuận với doanh nghiệp, mặt khác phải thảo luận với thành phố để sao cho sản lượng tương ứng với số kinh phí trợ giá. Lúc đó, các cơ quan quản lý kinh phí thống nhất được với nhau mới quay lại thống nhất với doanh nghiệp. Đây là việc cần sự thống nhất 3 bên.

Ông Hưng nói thêm: "Về vấn đề hồ sơ đấu thầu các tuyến xe buýt hiện dựa trên hồ sơ của tư vấn nước ngoài và nằm trong dự án của TP.HCM. Ngoài ra, có xét đến điều kiện xe.

Về định mức, tuyến buýt CNG (khí nén thiên nhiên) hiện nay đã có rồi nhưng xe điện đang thí điểm, đang từng bước nghiên cứu, xây dựng để đưa ra được định mức và đơn giá của xe buýt điện".

Không giải quyết được bài toán trợ giá, xe buýt sẽ biến mất 

Tiến sĩ Lương Hoài Nam (chuyên gia giao thông) ví von: Xe buýt ở Hà Nội, TP.HCM như đứa con nuôi ngày càng teo tóp nếu không giải quyết được bài toán trợ giá. Và như vậy, nguy cơ xe buýt sẽ biến mất.

 Phát triển vận tải hành khách công cộng ở TP.HCM (bài cuối): Bắt buộc phải có trợ giá  - Ảnh 4.

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM. Ảnh: Quang Phương

Về trợ giá, theo ông Nam, một thành phố lớn như TP.HCM với hơn 10 triệu dân, có hơn 1.000 tỷ đồng trợ giá xe buýt không phải là nhiều mà là quá ít. Trợ giá ở các nước khác cao hơn rất nhiều. 

"Tương lai của xe buýt TP.HCM vô cùng bế tắc. Nếu không giải được bài toán này, xe buýt sẽ biến mất khỏi TP.HCM. Trợ giá không còn quan trọng nữa vì xe buýt có chạy được đâu", ông Nam nói.

Ông Nam nói thêm, chính quyền TP.HCM phải giải được bài toán tương lai của xe buýt. Về làn đường riêng, ông Nam đồng ý với ý kiến Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Võ Khánh Hưng: Tuyến Điện Biên Phủ - Võ Thị Sáu không đủ dài để làm. Nhưng Tân Sơn Nhất là tụ điểm giao thông lớn với cả trăm triệu khách, trong khi đường vào Tân Sơn Nhất đều tắc. Sở GTVT đang muốn tăng cường kết nối xe buýt vào sân bay, nhưng mặt bằng sân bay có hạn. Và quan trọng hơn rất ít người đi xe buýt ra sân bay. Theo ông Nam, hành khách không đi với kiểu xe buýt như hiện nay vì xe buýt không đúng giờ. Phải làm tổng thể, làn đường, kết nối, số xe… mới cải thiện được tình hình.

Ông Lê Trung Tính (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM): Cần điều chỉnh lại các hợp đồng thầu, hợp đồng đặt hàng các doanh nghiệp

Giải quyết thắc mắc một số vấn đề liên quan đến hoạt động vận tải trên địa bàn TP.HCM, ông Tính nêu ra 4 vấn đề Hiệp hội đã trình lên từ năm 2021 nhưng chưa được giải quyết.

Thứ nhất, vấn đề này không phải trách nhiệm của Sở GTVT mà là trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP.HCM, đó là khoảng 50-60 tỷ đồng tiền chính sách Nhà nước trợ giá cho các doanh nghiệp vận tải, ở Hà Nội đã được hỗ trợ rồi nhưng TP.HCM, các doanh nghiệp chưa nhận được.

Thứ hai, liên quan đến sử dụng hiệu quả tiền trợ giá của Nhà nước trong việc phát triển VTHKCC, Sở GTVT và trung tâm điều hành nên điều chỉnh lại các hợp đồng thầu, hợp đồng đặt hàng các doanh nghiệp vận tải vì 2 năm 2020 và 2021, theo số liệu chưa chính xác nhưng có thể ước lượng được, số lượng hành khách giảm lần lượt 40% và 60%.

Hai năm đó, số lượng hành khách đi lại sụt giảm mạnh so với hợp đồng trước khi đấu thầu. Nếu không điều chỉnh lại hợp đồng thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.

Đại dịch Covid-19 diễn ra là điều bất khả kháng nên việc điều chỉnh là yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp.

Thứ ba, liên quan đến đấu thầu, chỉ định thầu để tìm ra doanh nghiệp tốt nhất thì nhất thiết phải chấp hành, nhưng xem xét kỹ lưỡng về điều kiện thầu. Nếu điều kiện thầu với các tuyến mới mở, đòi điều kiện xe có niên hạn dưới 5 tuổi thì khả thi nhưng với các tuyến cũ thì chưa hợp lý. Bởi các xe của đề án 1680 mới mua 5 năm nay thì đưa đi đâu.

Thứ tư, yêu cầu nhanh chóng ban hành định mức cho xe CNG và xe điện bởi đầu tư xe điện và xe CNG chi phí cao trong khi định mức vẫn như xăng, dầu thì không phù hợp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem