Phép “màu nhiệm” của chàng khiếm thị

Thảo Vy (Dòng Đời) Thứ ba, ngày 14/01/2014 07:45 AM (GMT+7)
Sinh ra trong một gia đình nông dân (quê ở xã Quới Điền, Thạnh Phú, Bến Tre), cuộc sống của Đỗ Minh Trí trôi qua bình lặng, yên ả. Rồi bất ngờ, Trí mắc căn bệnh hiểm nghèo và mất đi hoàn toàn thị lực...
Bình luận 0
Cuộc đời của Trí tưởng chừng bị “tuột dốc” kể từ đó, nhưng không ngờ, bằng nghị lực phi thường, vượt khó, Trí đã thể hiện được ý chí phấn đấu “mắt dẫu mất, không mờ lý trí” như lời bài hát truyền thống từ nhiều năm nay được nhiều người khiếm thị coi như ngọn đuốc soi sáng con đường đi đầy chông gai trong cuộc đời mình.
Trí mày mò học hỏi nhờ chiếc máy tính của một mạnh thường quân trao tặng
Trí mày mò học hỏi nhờ chiếc máy tính của một mạnh thường quân trao tặng

Tuổi thơ đầy mặc cảm

Trí lớn lên trong hoàn cảnh rất đặc biệt, cha không nhìn thấy ánh sáng, người mẹ thì nay mắt cũng bắt đầu mờ dần theo thời gian. Cuộc sống nghèo khó nên có bao kỳ vọng cả gia đình đặt vào Trí. Vậy mà, số phận đã không cho phép, căn bệnh hiểm nghèo đã lấy đi ánh sáng của đời Trí.

Trước năm 2000, Trí vẫn còn là một cậu nhóc hiếu động thông minh với đôi mắt sáng long lanh. Cuộc sống của gia đình bắt đầu lâm vào bế tắc, có lúc làm cha Trí bấn loạn, nghĩ mình đã mù, vợ thì lại không thấy đường, giờ đứa con mà cả gia đình kỳ vọng cũng bị mù. Bế tắc dồn theo bế tắc, hai cha con Trí đã dự định nhảy xuống sông tự tử. Cũng may sau đó mẹ Trí tìm thấy hai cha con.

Từ người sáng mắt đột nhiên không thấy gì, Trí rất tuyệt vọng và chán nản. Suốt ngày, Trí lủi thủi trong phòng với sự mặc cảm và tự ti của bản thân. Không dám ra ngoài, không dám gặp bất kỳ ai kể cả hàng xóm sang chơi, Trí tự cô lập mình với cuộc sống ngoài xã hội. Nhưng rồi theo thời gian cùng với sự động viên của bố mẹ, em gái và bạn bè, Trí cũng nguôi ngoai dần.

Cậu đã bắt đầu lần mò làm những công việc lặt vặt trong nhà để giúp đỡ cha mẹ. Thấy con bớt đi nỗi mặc cảm, nhưng lúc nào cũng u sầu buồn bã, ba mẹ Trí quyết định gửi Trí đến trung tâm nuôi dạy người khuyết tật tỉnh Bến Tre để tiếp tục học tập.
Đỗ Minh Trí đi lại nhờ chiếc gậy
Đỗ Minh Trí đi lại nhờ chiếc gậy

Ngày đầu xa nhà, giữa những người xa lạ, Trí thầm trách cha mẹ sao đẩy mình vào tình trạng này. Tuy nhiên, khi đã quen với bạn bè đồng cảnh ngộ, Trí càng thương cha mẹ hơn và cố gắng học tập, quyết tâm thay đổi số phận. Đây cũng chính là thời điểm đánh dấu bước ngoặt tươi sáng trong cuộc đời tưởng chừng như đã bị nhấn chìm trong bóng tối của Trí.

Lần đầu đến sinh hoạt tại Trung tâm người khuyết tật được gặp các anh chị tuy mắt không nhìn được nhưng mọi người đều cố gắng học tập... khiến Trí nhìn nhận lại tình trạng bệnh tật của mình.

Từ ngạc nhiên, tò mò, Trí dần cảm nhận thấy có một niềm tin, hy vọng và mục tiêu phấn đấu để cậu hướng tới. Trí khởi đầu sự cố gắng nỗ lực của mình từ việc mày mò với chữ nỗi Braille mà trước đây chưa từng đụng tới và làm quen với máy vi tính.

Tập làm quen với môi trường sống xa lạ, thiếu người thân, vắng đi tình thương, tập xác định khoảng cách bằng cách đếm từng bước chân, bao nhiêu khó khăn Trí cũng vượt qua hết để rồi suốt 12 năm học Trí đều đạt loại giỏi. Thành tích học tập của Trí khiến không ít người nể phục,Trí đã trở thành niềm tự hào của gia đình bạn bè và thầy cô.

Năm 2010, với những cố gắng, nỗ lực tột bậc, Trí đã thi đỗ đại học, và hiện là sinh viên năm 3, khoa xã hội học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Ngày Trí đậu đại học, cả gia đình mừng đến rơi nước mắt, nhưng mừng bao nhiêu thì cha mẹ Trí càng lo bấy nhiêu, bởi họ biết gia cảnh nghèo nàn, khó lòng cho con học đến nơi đến chốn.

Cha Trí nay đã già yếu hơn xưa, không còn đủ sức khỏe để làm ruộng, leo dừa, chỉ có thế phụ giúp việc quanh nhà. Mọi việc nhà nông của gia đình giờ do em gái Đỗ Thị Diễm Trang gánh vác, thương cha mẹ và cả em gái, Trí càng ý thức được rằng phải miệt mài học tập để sau này có điều kiện giúp đỡ lo lắng cho gia đình mình tốt hơn. Và Trí đã nỗ lực không ngừng, quyết không đầu hàng số phận, sống một cuộc sống có ích và đầy ý nghĩa.

Nghị lực “xương rồng”

Ngày đầu vào giảng đường, cái bỡ ngỡ của một người khiếm thị trước bạn bè sáng mắt là một ấn tượng không bao giờ Trí quên được. Không có chữ Braille trong giáo trình người sáng mắt, Trí học bằng lời giảng của thầy cô trên giảng đường và nghe qua đài phát thanh. Chỉ vậy mà kết quả học tập của Trí luôn đạt loại giỏi.
img

Đó như một phép mầu hiện ra giữa cuộc sống, giữa thành thị dành tặng cho những nỗ lực hết mình, chuyên tâm hết mình cho công việc hiện tại, cho những ước mơ xa của một thanh niên nghèo khiếm thị. Thiết nghĩ, nghị lực sống chính là ưu điểm của Trí để chinh phục mọi người xung quanh. Rời quê lên Sài Gòn nhập học, cuộc sống của chàng sinh viên khiếm thị nơi đất khách quê người với bao bộn bề phải lo toan.

Vừa học, vừa làm kiếm thêm tiền đóng học phí, trang trải cuộc sống, thế nhưng, suốt gần 3 năm qua, Đỗ Minh Trí luôn là sinh viên xuất sắc của trường và là tấm gương sáng để các bạn sinh viên khác học hỏi. Quá trình học tập của Trí cũng thật gian khổ, khi vào lớp, Trí chú ý nghe giảng, dùng bộ chữ nổi truyền thống của bản thân để ghi lại các thông tin cần chú ý của bài.

Sau khi về, Trí nhờ thêm các bạn đọc lại các thông tin cần thiết được trình chiếu trong lớp mà Trí không thấy để bổ sung vào kiến thức. Ngoài ra, Trí còn sử dụng máy tính bàn để tìm thêm tư liệu, máy tính của Trí có cài thêm chức năng hỗ trợ giọng nói để đọc cho Trí nghe. Bên cạnh những buổi đến giảng đường đại học, Trí đã học xoa bóp bấm huyệt tại chùa Kỳ Quang, quận Gò Vấp. Được 1 người quen giới thiệu cho chỗ làm bán thời gian, Trí tranh thủ làm thêm để kiếm thêm tiền chi tiêu cho bản thân và đỡ gánh nặng cho gia đình.

Trong việc sinh hoạt thường ngày, Trí tự lập trình ghi vào bộ nhớ những sơ đồ, nó giúp Trí có thể mường tượng các vị trí của từng đồ vật để tự lập sinh hoạt trong cuộc sống. Trí còn nói vui, Trí có một người bạn đồng hành gian nan với mình, đó là chiếc gậy quen thuộc, nó giúp Trí định hình được vị trí mà ít phải nhờ đến bạn bè. Nhưng cũng có lúc gặp trở ngại, Trí vẫn hay đi lạc trong khuôn viên của nhà trường.

Trí tâm sự: “Gia đình của mình có tình yêu thương gắn kết rất sâu sắc là một điều tuyệt vời. Tuy bây giờ tương lai phía trước không còn như mong đợi, ước mơ nó không đi theo đường thẳng. Nhưng nó không hoàn toàn mất đi tất cả, mình có thể thay đổi hướng đi của ước mơ, làm nó theo một cách khác để hoàn thành… Tuy có khó khăn hơn, nhưng nếu ai kiên trì, nhẫn nại sống với suy nghĩ đẹp và lạc quan hơn thì sẽ thành công”.

Tuy bị khiếm thị, nhưng Trí lại sống bằng tinh thần lạc quan, bước qua khó khăn của cuộc sống, bỏ quên đi nỗi bất hạnh của bản thân để thực hiện ước mơ, viết tiếp con đường đến trường, Trí là một người xứng đáng làm tấm gương sáng để các bạn trẻ nhìn theo.

Bạn Nguyễn Thị Bé Thi (sinh viên của Trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết: “Trí rất hòa đồng, vươn lên trong học tập, ở lớp ai cần giúp gì Trí cũng sẵn lòng nếu có thể, Trí như một tấm gương sáng để chúng ta noi theo, riêng bản thân mình, mỗi lúc buồn bã, chán nản, mình luôn lấy Trí làm động lực để vượt qua.

Trí là người khiếm thị mà vẫn làm được, mình may mắn hơn Trí rất nhiều thì mình phải vượt qua những khó khăn trong cuộc sống chứ”. Nói về chàng sinh viên Đỗ Minh Trí, thầy Trần Quyết Thắng (cán bộ của phòng công tác quản lý sinh viên khoa xã hội học của trường) cho biết: “Trí là một sinh viên đặc biệt, bạn có nhiều cố gắng trong học tập, Trí tham gia nhiều phong trào, hoạt động của lớp. Ngoài ra, nhà trường còn đặc biệt ưu ái, trong các kỳ thi, Trí có thể thi bằng chữ nổi để có thể dễ làm bài hơn”.

Dự định về tương lai, với ước mơ đẹp, Trí mong muốn trở thành một thầy giáo, một nhân viên công tác xã hội đứng trên bục giảng để dạy cho các bạn có hoàn cảnh bất hạnh như chính bản thân mình bây giờ, truyền lại cho các bạn những gì mình đã trải qua để các bạn có thể vươn lên không tự ti mặc cảm vào số phận mà sống tiếp.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem