Phi lao - còn có các tên gọi khác: Xi lau, Dương liễu - là loại cây được trồng nhiều ở vùng ven biển nước ta. Nơi đây, phi lao như có một sức sống quật cường, tạo nên những cánh rừng phòng hộ, những “tấm lá chắn” chống bão, chống cát bay, góp phần cải tạo đất, đem lại màu xanh cho bao vùng đất có nguy cơ bị hoang mạc, sa mạc hóa…
Người có công đưa cây phi lao từ Pháp sang trồng ở Việt Nam là linh mục Mery (tên Việt Nam là Y) từ năm 1894 đến năm 1902. Phi lao được trồng đầu tiên ở bờ biển vùng phá Tam Giang (Thừa Thiên-Huế). Sau đó, phi lao được nhân giống trồng khắp các miền đất nước và mau chóng đi vào làng quê, thân thương như cây tre Việt Nam.
Cây phi lao thân cứng, vỏ khô, có thể cao tới vài chục mét. Lá nhỏ dài hình kim, thướt tha xanh bốn mùa. Cây mau lớn, sau 6-7 năm đã thu hoạch được gỗ. Gỗ phi lao màu đỏ xám, rất rắn dùng cho xây dựng, đóng tầu, đóng đồ, làm bột giấy. Tro của gỗ phi lao là nguyên liệu chế xà phòng.
Phi lao là loài cây sống rất lâu và bền bỉ trước sự khắc nghiệt của địa hình, thời tiết. Rừng phi lao vi vút reo trong tiếng sóng biển đón gió đại dương, bao đời nay là nguồn cảm hứng vô tận cho thi ca, nhạc họa…
Từ lâu, các nhà trồng cây cảnh đã biết ươm trồng phi lao để uốn tỉa làm cây cảnh nghệ thuật. Nhưng có lẽ ít ở đâu, phi lao được các “nghệ nhân” quản lý đô thị tạo dáng kỳ thú như ở thành phố biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).
Dân Việt xin giới thiệu một số hình ảnh “phi lao tao dáng” ở bãi biển Trần Phú, TP Nha Trang.
Nguyễn Bình
Vui lòng nhập nội dung bình luận.