Đại sứ Trần Đức Mậu
Thứ hai, ngày 07/11/2022 09:13 AM (GMT+7)
Rất nhanh sau khi bị Ukraine tấn công nhằm vào Hạm đội Biển Đen, Nga tuyên bố rút khỏi thoả thuận với Ukraine được hai bên ký kết ngày 22/7 vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ với sự trung gian của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ về việc để cho Kiev xuất khẩu ngũ cốc bằng vận tải biển ở Biển Đen.
Nga đưa ra quyết sách này vào thời điểm thoả thuận đằng nào cũng hết hiệu lực vào ngày 18/11 tới, tức là chỉ sau có hơn 2 tuần nữa, nếu không được hai bên nhất trí gia hạn hiệu lực. Nhưng rồi không lâu sau đấy, Nga cho biết tiếp tục để cho Ukraine xuất khẩu ngũ cốc bằng đường vận tải biển như trước.
Mọi việc tưởng lại như trước nhưng lại không phải như thế. Ở đây có 3 điều đáng được chú ý. Thứ nhất, một trong những nội dung trong lập luận của Nga cho quyết định rút ra khỏi thoả thuận xuất khẩu ngũ cốc nói trên là cáo buộc Anh đứng phía sau và can dự trực tiếp vào các hoạt động tấn công quân sự của Ukraine nhằm vào bán đảo Crimea và hải quân Nga ở Biển Đen.
Đối với Nga, cáo buộc này nhằm đích danh Anh nhưng bao gồm cả hàm ý ám chỉ tất cả các thành viên khác của NATO nói riêng và chính NATO nói chung. Thông điệp của Nga trong thực chất là Nga nhìn nhận Anh và NATO đã bắt đầu bước qua lằn ranh đỏ trong cuộc chiến ở Ukraine.
Thứ hai, Nga đặt ra một số điều kiện tiên quyết cho việc tham gia trở lại thoả thuận như Ukraine phải cam kết đảm bảo an ninh cho tàu thuyền của Nga (tức là không được tấn công tàu hải quân Nga ở Biển Đen) hay bên ngoài không được lợi dụng tuyến đường vận tải biển qua hành lang an toàn của thoả thuận để cung ứng vũ khí cho Ukraine. Trong thực chất, thoả thuận vẫn với mục đích cũ, nhưng điều kiện thực thi thoả thuận lại do Nga định ra mới.
Thứ ba, trong giải thích về quyết định của Nga tham gia trở lại thoả thuận, đại diện Bộ Quốc phòng Nga cho biết mọi điều kiện của Nga đều đã được các bên liên quan đáp ứng mà các bên liên quan ở đây là Ukraine, LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Vậy là Nga đã đáp trả cuộc tấn công của Ukraine ở Biển Đen bằng một đòn chính trị mà có được hiệu ứng chẳng khác gì của một cuộc tấn công thực thụ là cảnh báo và răn đe NATO, dằn mặt Anh và buộc Ukraine phải kiềm chế thực sự với ý định tấn công quân sự vào quân đội Nga trên bán đảo Crimea và Biển Đen.
Thật ra, Nga có nhu cầu cấp thiết khắc phục những yếu kém và bất cập về phòng thủ trước các cuộc tấn công của Ukraine, đặc biệt ở bán đảo Crimea và trên Biển Đen.
Nga đối phó bằng cách buộc Ukraine phải đánh đổi giữa tấn công Nga và xuất khẩu ngũ cốc, thể hiện cho Anh và NATO thấy rõ là Nga cho rằng Anh và NATO đã bước qua lằn ranh đỏ, đồng thời tăng thế của Nga trước LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Xuất khẩu ngũ cốc hiện là một trong những nguồn thu nhập lớn nhất và quan trọng nhất mà Ukraine còn có thể tự làm ra được nên Ukraine rất cần thoả thuận này. Liên minh châu Âu (EU) và NATO dùng thoả thuận để vừa giúp Ukraine, vừa ràng buộc Nga vào cam kết quốc tế và để có thể tiếp cận vào Ukraine từ phía Biển Đen.
Thoả thuận nói trên được LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ coi là thành quả ngoại giao trung gian to lớn, giúp cả hai nâng cao vai trò và vị thế trong cuộc chiến ở Ukraine và duy trì kênh tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nga mà các bên và đối tác khác không có được.
Nga đã biến việc thực hiện hay không thực hiện thoả thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine thành cuộc chơi mới với tất cả các bên liên quan và với NATO theo luật chơi mới của Nga, buộc các bên này phải nhượng bộ Nga trên một vài phương diện khác. Từ đó có thể thấy thoả thuận ấy sẽ được gia hạn thời gian hiệu lực sau ngày 18/11 tới, nhưng đồng thời lại có thể bị Nga đơn phương từ bỏ vào bất cứ khi nào trong tương lai.
Đối với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ như vậy không thôi thì cũng vẫn đủ, vẫn còn hơn thoả thuận bị vô hiệu hoá. Đối với Ukraine, EU và NATO, cuộc chơi này của Nga đẩy họ vào tình thế khác trước và buộc họ phải mưu tính sách lược khác để đấu chọi với Nga.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.