Phim hoạt hình Cừu quê ra phố hứa hẹn gây sốt màn ảnh rộng

Thành Phạm Thứ sáu, ngày 27/02/2015 06:30 AM (GMT+7)
Khai thác từ series phim truyền hình nổi tiếng cùng cách kể chuyện hấp dẫn và những hình ảnh đẹp mắt, nội dung cuốn hút, bộ phim Shaun The Sheep - Cừu quê ra phố hứa hẹn gây sốt màn ảnh rộng.
Bình luận 0

Là series phim truyền hình về những chú cừu nổi tiếng, được trình chiếu tại 180 quốc gia trên khắp thế giới, tuy nhiên, đến nay Shaun The Sheep mới chính thức được chuyển thể thành điện ảnh để phục vụ cho khán giả của màn ảnh rộng.

img

Các chú cừu với sự dẫn dắt của cừu Shaun sẽ khiến khán giả cười nghiêng ngả

Dự án này được xem là một thách thức khá mạo hiểm của bộ đôi đạo diễn Mark Burton và Richard Starzak. Bởi họ không chỉ có nhiệm vụ phải giữ nguyên tinh thần nghịch ngợm, đáng yêu của những chú cừu không biết nói mà còn phải xử lý làm sao cho khéo léo để làm vừa lòng cả hai đối tượng khán giả: người lớn và trẻ con.

Thật may mắn, cả hai nhiệm vụ đó đều được hoàn thành một cách tốt đẹp, những tiếng cười trong sáng vang lên từ tinh thần của bộ phim đã kết nối được cả hai thế giới trưởng thành lẫn ấu thơ. Có thể nói, Cừu quê ra phố là một điển hình rất thú vị và xứng đáng cho cụm từ: Điện ảnh cho mọi người.

Câu chuyện gọn gàng và đầy tình cảm

Cừu quê ra phố kể về câu chuyện của chú cừu Shaun, một ngày nọ  vì quá chán ngán với những ngày bị "chăn", chú bèn tìm cách khiến người chủ nông dân của mình ngủ quên để có được một hôm rong chơi thỏa thích. Nhiều sự cố liên tiếp xảy ra đã khiến cho chiếc xe chở người nông dân đang ngủ tự chạy thẳng vào phố thị.

Chú chó Bitzer đuổi theo chiếc xe cũng bặt vô âm tín. Đó là lúc cừu Shaun cùng đồng bọn phải "xách ba lô" lên đường đi tìm lại chủ nhân của mình. Và dĩ nhiên, trên hành trình ấy, lũ cừu nghịch ngợm và đáng yêu đã gặp phải không ít chông gai.

img

Khi vào thành phố, đám cừu phải cải trang bằng cách mặc trang phục người 

Theo tiết lộ của ê-kíp làm phim, bộ đôi đạo diễn đã học hỏi khá nhiều từ phong cách làm phim của nhiều đạo diễn phim câm nổi tiếng, đồng thời Cừu quê ra phố cũng có một chút ảnh hưởng từ The Artist (2011), Wall-E (2008) và loạt phim hài không thoại nổi tiếng về Mr. Beans.

Nếu so sánh cẩn thận một chút, khán giả có thể dễ nhận thấy nhiều sự tương đồng giữa Mr. Bean và đám cừu vừa "ngố" lại vừa đáng yêu. Nhưng thậm chí các chú cừu còn bày nhiều trò hài hước, dễ thương và… khùng hơn Mr. Bean bởi vì chúng là cừu.

Trí thông minh ở mức vừa phải cùng cách quan chiếu thế giới bằng con mắt ngây thơ, vô tư đã khiến câu chuyện "giải cứu chủ nhân" của chúng trở nên thú vị và lạ lẫm hơn bao giờ hết.

Ê-kíp biên kịch của phim cũng đã khéo léo tạo ra một nhân vật phản diện Trumper khá "đầu gấu" để làm đối trọng với sự thánh thiện của các chú cừu. Nhân vật này giúp tạo ra được nhiều xung đột mạnh mẽ trong câu chuyện, góp phần giúp bộ phim được giải quyết một cách gọn gàng.

Tuy vậy, việc đẩy hơi mạnh về tính cách cũng như cái ác của nhân vật này vô tình cũng khiến cho một số khán giả khó chịu, đặc biệt là ở phân đoạn cuối. Nếu biết cách đầu tư thêm một ít về kịch bản, mở rộng ra thêm khoảng 15 phút nữa (thay vì có độ dài chỉ 90 phút như hiện nay), có lẽ Cừu quê ra phố sẽ đầy đặn hơn nhiều.

Tuy nhiên, cũng khó có thể trách các nhà sản xuất vì bên cạnh khán giả lớn, họ còn phải chiều lòng một số lượng lớn khán giả nhí, trong số đó thậm chỉ có nhiều bé chỉ mới 7, 8 tuổi.

img

Phim không có thoại nhưng vẫn thu hút khán giả qua biểu cảm, nét mặt của các nhân vật 

Một thế giới sống động

Một điểm hay khác mà các nhà làm phim đã mang đến được cho bộ phim chính là việc khắc họa được một thế giới vô cùng sống động, đẹp đẽ, giản dị mà cũng ngồn ngộn sức sống thông qua việc nặn đất sét. Bộ phim có đầy đủ hình ảnh làng quê, con sông, chiếc cầu cho đến những tòa nhà cao tầng cao ngút ngái…

Khả năng làm việc với áp lực cao của các nhà tạo hình, nhà hoạt họa đã giúp Cừu quê ra phố có bộ mặt khá hoàn hảo trên màn ảnh rộng. Không chỉ vậy, độ chuyển động và cách biểu lộ cảm xúc thông qua ánh mắt, tay chân, miệng… của các chú cừu cũng trở nên chuyên nghiệp hơn.

img

Sau khi khiến ông chủ bị lạc vào thành phố, cừu Shuan phải theo chân một chiếc xe buýt để đi tìm người nông dân trở về

Một đặc điểm khác không thể không khen tặng ê-kíp chính là phần âm nhạc rất đa dạng và sinh động. Chất tươi vui, trẻ trung của những chú cừu được quán triệt rất tốt trong từng nốt nhạc, giúp khán giả cứ bị cuốn vào thế giới của bộ phim mà khó lòng thoát ra được

Những ai xem phim ắt hẳn đều sẽ bị ấn tượng rất mạnh với phân đoạn các chú cừu cùng nhau hợp xướng trên đường phố để hát cho "thỏa nỗi lòng" về những va vấp mà chúng gặp phải. Cái hay của chất nhạc trong phim là dù vui hay buồn, đó đều là những ca khúc có tình truyền cảm hứng và gợi lên một tinh thần lạc quan đầy nhất quán.

Cách kể chuyện đan cài logic

Như đã nói, Cừu quê ra phố là một món ăn lạ trên màn ảnh rộng, vì dù toàn bộ thời lượng câu chuyện gần như không có một câu thoại nào, nhưng khán giả vẫn có thể hiểu rõ nó một cách tường tận, thấu hiểu những trò chọc cười và dễ dàng thấy được nhiều tầng lớp ý nghĩa đằng sau một câu chuyện dung dị.

Kỳ thực, Cừu quê ra phố có đến 3 tuyến nhân vật cần xử lý một lúc: người nông dân bị lạc vào thành phố, chú chó chăn cừu đi tìm chủ và lũ cừu đi tìm cả người nông dân lẫn chú chó. Dù vậy, hai đạo diễn vẫn xử lý câu chuyện một cách khá hợp lý bằng lối diễn giải đan cài hồn nhiên, tươi tỉnh, không cố tình làm phức tạp câu chuyện.

img

Ác nhân Trumper trong phim được xây dựng rất mạnh mẽ, hung tợn

Các nút thắt của bộ phim chủ yếu được tạo ra bằng chuyển động hình thể, những hình ảnh rõ ràng (như tấm poster, khu chuồng trại nuôi giữ thú hoang, tiệm cắt tóc…) hoặc một vài khi là chữ viết, điều này giúp khán giả dễ dàng theo dõi được câu chuyện và bám sát được nội dung phim.

Cách chuyển cảnh, cắt cảnh trong kỹ thuật dựng phim cũng được xử lý rất khéo qua nhiều kỹ thuật chồng hình, khung hình song song hoặc quay nối tiếp, những thủ thuật vừa mang tính điện ảnh đậm đặc lại vừa đơn sơ đến không ngờ.

Dù chưa quá xuất sắc về mặt ý nghĩa nhưng Cừu quê ra phố là một tác phẩm hoạt hình rất đáng khen, đáng khen vì tạo được cảm xúc nơi khán giả bằng những gì dung dị, thô sơ nhất. Các chú cừu vốn được hàng triệu khán giả mến mộ, sau bộ phim này, hứa hẹn sẽ còn được yêu thích hơn. Âu đó cũng là mục đích lớn lao nhất mà một tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ truyền hình cần phải có được.

Phim chính thức khởi chiếu trên toàn quốc từ 27.2.2015
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem