Phim kinh dị ồ ạt ra mắt, kỳ vọng "giải cứu" rạp chiếu thoát ảm đạm sau Covid-19

Thủy Vũ Thứ sáu, ngày 10/07/2020 16:40 PM (GMT+7)
Có vẻ như sau đợt giãn cách do Covid-19, nhận định được việc các phim tình cảm lãng mạn nhẹ nhàng không đủ sức đưa người xem trở lại rạp, các nhà sản xuất muốn gây cảm giác mạnh bằng cách đưa ra hàng loạt bộ phim kinh dị để lôi kéo người xem trở lại rạp chiếu.
Bình luận 0

Một loạt bộ phim kinh dị với các yếu tố kỳ bí, rùng rợn của Mỹ, Thái Lan và Việt Nam cùng một lúc ra rạp trong tháng 7 này.

"Trò chơi chết chóc"

Hậu Covid-19 phim kinh dị có giải cứu tình trạng ảm đạm của điện ảnh Việt? - Ảnh 1.

Đầu tiên phải kể đến nơi từng làm mưa gió với các bộ phim ma – xứ Chùa Vàng. Bộ phim Thái Lan "Trò chơi chết chóc" khởi chiếu từ 10/7 là câu chuyện kết hợp giữa yếu tố tâm linh cùng truyền hình thực tế đang rất hot hiện nay. Bộ phim kinh dị mới của điện ảnh Thái Lan hứa hẹn đưa người xem bước vào những trải nghiệm rùng rợn với độ chân thật cao.

"Check-in Shock" - tựa tiếng Việt "Trò chơi chết chóc", vốn là những câu chuyện kỳ bí, rùng rợn rất đặc trưng trong các câu chuyện kinh dị của người Á Đông. Đó là một nơi từng xảy ra nhiều bi kịch đẫm máu, những nạn nhân không siêu thoát được và sống vất vưởng thành những hồn ma bóng quế trong một bệnh viện bỏ hoang. Truyền thuyết kinh dị này từng trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều sự kiện Halloween từ trước tới nay được tổ chức tại Thái Lan, Singapore hay Malaysia.

Hậu Covid-19 phim kinh dị có giải cứu tình trạng ảm đạm của điện ảnh Việt? - Ảnh 2.

Phim "Trò chơi chết chóc"

Nay đạo diễn Rat Krai Sing quyết định đưa bệnh viện ma ám lên màn ảnh rộng với những hiệu ứng kinh dị tối tân nhất, nhằm khiến khán giả hiểu rõ hơn về truyền thuyết này cũng như sự đáng sợ và những bí ẩn xung quanh nó.

Câu chuyện bắt đầu bằng một chương trình truyền hình thực tế thu hút người chơi với món tiền thưởng khổng lồ. 8 người chơi được chia làm 4 cặp lần lượt khám phá một bệnh viện bỏ hoang bị đồn có ma. Mỗi đội chơi có nhiệm vụ thu hình lại trong suốt quá trình tham gia. Có 3 MC trẻ tài năng là host của gameshow này.

Ngay vòng đầu tiên, các cặp đôi tham gia đã cảm nhận được những hiện tượng lạ xuất hiện xung quanh. Các đội chơi phải đấu tranh giữa việc tham gia tới phút cuối cùng để khám phá bí ẩn kịch bản của gameshow và giành giải thưởng hay chấp nhận thua cuộc trước khi những hiện tượng tâm linh kỳ bí nơi đây quật ngã họ…

Bệnh viện ma liệu có còn là một truyền thuyết, hay nó đã trở thành cuộc đời thật? Trailer phim hé lộ nhiều cảnh quay kinh dị không dành cho khán giả yếu tim, cùng câu thoại gây tò mò: "Kẻ đến sai chỗ vào sai thời điểm thì khó mà tránh khỏi kết quả này!" cùng hình ảnh một người đàn ông xúc đất như đang chôn sống một nạn nhân xấu số.

Trailer "Trò chơi chết chóc" - khởi chiếu 10/7/2020.

Diễn viên nam chính của phim là Charlie Trairat Potjes, mang hai dòng máu Thái Lan và Hà Lan, được nhiều khán giả biết tới từ "Fan Chan" (Con gái của tôi) – bộ phim ăn khách nhất phòng vé của xứ Chùa vàng vào năm 2003. Lúc đóng "Fan Chan", Charlie mới 10 tuổi. Sau thành công của "Fan Chan", Charlie dấn thân vào con đường diễn viên và tạo dấu ấn trong nhiều phim kinh dị ăn khách như "Dek hor" hay "Phobia 2". "Trò chơi chết chóc"  đánh dấu sự trở lại với điện ảnh của anh kể từ sau "I can see ghost" ra mắt năm 2016.

Trong "Trò chơi chết chóc", Charlie Trairat Potjes cùng các ngôi sao trẻ đang lên của Thái Lan đưa khán giả bước vào một không gian rùng rợn nhưng đầy chân thực và từng bước khám phá thế giới tâm linh trong những bệnh viện bị bỏ hoang.

"Tiếng vọng từ địa ngục"

Hậu Covid-19 phim kinh dị có giải cứu tình trạng ảm đạm của điện ảnh Việt? - Ảnh 4.

"Tiếng vọng từ địa ngục" đưa ra luận điểm: Không phải cứ là ma quỷ thì mới đáng sợ, mà đôi khi sự điên loạn của những người có dáng vẻ bình thường mới chính là địa ngục.

Là một bộ phim kinh dị khai thác những góc tối trong tâm lý con người, "Tiếng vọng từ địa ngục" đem đến những nỗi sợ hoàn toàn khác biệt so với các bộ phim cùng thể loại. Đây là một tác phẩm kinh dị có nội dung không đi theo lối mòn thông thường. 

Bộ phim xoay quanh Grace – một cô gái trẻ vừa trải qua cú sốc tình cảm khi bị hôn phu của mình phản bội. Cô quyết định trở về nhà thăm chị gái Catherine sau nhiều năm xa cách, để rồi từ đó phải đối mặt với hàng loạt bí mật gia đình đen tối đến không ngờ.

Hậu Covid-19 phim kinh dị có giải cứu tình trạng ảm đạm của điện ảnh Việt? - Ảnh 5.

"Tiếng vọng từ địa ngục" là một trong những bộ phim khắc họa tuyệt vời những ảnh hưởng khủng khiếp của căn bệnh tâm thần, đặc biệt là khi bệnh có khả năng di truyền từ đời này tới đời sau, khiến chính bản thân người bệnh và cả gia đình họ bị cô lập hoàn toàn trong một thế giới riêng. Các góc máy ảnh và khung hình sáng tạo giữ cho mọi thứ trực quan thú vị, trong khi việc sử dụng ánh sáng và bóng tối lặp lại khắc họa nên tính cách của mỗi nhân vật.

"Bằng chứng vô hình"

Hậu Covid-19 phim kinh dị có giải cứu tình trạng ảm đạm của điện ảnh Việt? - Ảnh 6.

Các diễn viên trong "Bằng chứng vô hình"

Bộ phim"Bằng chứng vô hình" là dự án điện ảnh thứ hai của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh lấy kịch bản từ phim "Blind" của Hàn Quốc, và là tác phẩm Việt đầu tiên ra rạp sau giãn cách xã hội. Nhân vật chính là Thu (Phương Anh Đào) - cô gái mù tình cờ trở thành nhân chứng một vụ tai nạn. Từ đây, các điều tra viên lùng ra đầu mối về loạt phụ nữ mất tích bí ẩn. Bộ phim thuộc thể loại hình sự kinh dị remake.

Đây là bộ phim làm lại từ "Blind" (Nhân chứng mù) của điện ảnh Hàn Quốc ra mắt năm 2011. Và tác phẩm gốc của đạo diễn Ahn Sang-hoon cũng lấy cảm hứng từ bộ phim "Wait Until Dark" ra mắt từ năm 1967 của đạo diễn Terence Young với diễn xuất của huyền thoại Audrey Hepburn (bà nhận được đề cử Oscar nhờ vai diễn này).

Hậu Covid-19 phim kinh dị có giải cứu tình trạng ảm đạm của điện ảnh Việt? - Ảnh 7.

Ở cả ba bộ phim nói trên, nhân vật nữ chính bị khiếm khuyết về cơ thể (khiếm thị), đang mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng danh tính (sự dằn vặt về tội lỗi mà họ gây ra trong quá khứ) và vô tình rơi vào một vụ án mạng tinh vi của một tên tội phạm biến thái.

Hành trình truy tìm/chạy trốn theo kiểu mèo vờn chuột của những cô gái với kẻ biến thái nhân cách vì thế phần nào đó cũng là hành trình để giải thoát và chuộc lỗi để tìm lại hi vọng và mục đích sống của họ.

Concept "Girls versus psychopath" (những cô gái chống lại kẻ biến thái) cũng là một chủ đề tạo được sức hấp dẫn trong điện ảnh với nhiều bộ phim kinh điển, bởi ở đó, khán giả được chứng kiến những màn truy đuổi nghẹt thở giữa một tên tội phạm nguy hiểm, liều lĩnh với một nhân vật/nữ anh hùng có phần yếu ớt và đơn thân độc mã.

"Bằng chứng vô hình" mở đầu với hình ảnh hiện tại của Thu (Phương Anh Đào đóng), một cô gái mù sống với chú chó tên Ben, kẻ vừa là bầu bạn vừa hỗ trợ cô trong sinh hoạt hàng ngày. Thu mong muốn quay trở lại trường cảnh sát để tiếp tục việc học hành dang dở do tai nạn khiến cô bị mù ba năm trước, nhưng Thu bị từ chối.

"Bằng chứng vô hình" trailer 

Trailer phim hé lộ vụ tai nạn trong đêm mưa. Cô gái mù Thu (Phương Anh Đào) tình cờ trở thành nhân chứng. Sau khi "chứng kiến" chiếc xe đâm trúng người, Thu đến công an khai báo nhưng chỉ nhận được sự ngờ vực do cô là người khiếm thị.

Vụ án càng trở nên phức tạp khi một nhân chứng khác là Hải (Otis) xuất hiện cùng lời khai mâu thuẫn với Thu. Điều này khiến cảnh sát bối rối. Khi họ đang đi tìm manh mối, tên tội phạm Lê (Quang Tuấn) âm thầm theo dõi Thu và Hải để tìm cách thủ tiêu nhân chứng.

Hậu Covid-19 phim kinh dị có giải cứu tình trạng ảm đạm của điện ảnh Việt? - Ảnh 9.

Cho rằng cô gái mù yếu ớt và có thể bị tấn công bất cứ lúc nào, Lê chơi trò "mèo vờn chuột" để trấn áp tinh thần Thu. Kịch tính được đẩy lên cao khi Lê bắt đầu cuộc truy sát các con mồi.

Những màn rượt đuổi giữa hắn với Thu và Hải diễn ra dồn dập từ trên xe buýt, ngoài đường phố đến căn hầm, thang máy... Càng về cuối, phim càng dồn dập với những tình tiết bạo lực.

Đối diện với nguy hiểm thường trực nhưng Thu không đơn độc. Cô được nữ cảnh sát Hòa (Ái Phương) tin tưởng và Hải cố gắng bảo vệ. Bên cạnh đó, Thu từng là sinh viên giỏi của ngành cảnh sát nên có năng lực phán đoán và đối phó với kẻ biến thái.

Hậu Covid-19 phim kinh dị có giải cứu tình trạng ảm đạm của điện ảnh Việt? - Ảnh 10.

Ngoài ra còn 2 bộ phim kinh dị khác cũng đang được trình chiếu tại rạp trong tháng 7 là "Ngôi đền kỳ quái" và "Bóng ma không xác".

Hậu Covid-19 phim kinh dị có giải cứu tình trạng ảm đạm của điện ảnh Việt? - Ảnh 11.

Hy vọng trào lưu "thiller" nở rộ trong năm nay, các phim kinh dị nước ngoài và đặc biệt là "Bằng chứng vô hình" – bộ  phim Việt đang là tác phẩm được nhiều kỳ vọng, sẽ có thể "giải cứu" tình trạng ảm đạm của thị trường điện ảnh Việt sau cơn địa chấn Covid-19.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem