Phim kinh dị Việt: Liệu có thoát cảnh “sớm nở tối tàn”?

Thiên Nguyên Thứ tư, ngày 06/08/2014 06:46 AM (GMT+7)
Hai năm trở lại đây, phim kinh dị Việt đang có những bước chuyển mình đáng khích lệ. Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng của các bộ phim dần khiến khán giả hài lòng. Tuy nhiên, mong rằng các nhà làm phim đừng chọn cách “ăn xổi ở thì”.
Bình luận 0

Khán giả không quay lưng

Thị trường phim chiếu rạp Việt luôn ở thế yếu so với các phim “bom tấn” Hollywood, đặc biệt trong mùa phim hè và phim tết. Tuy nhiên, trước nhu cầu của khán giả ngày càng trở nên bức thiết hơn, số lượng phim Việt ra rạp tăng lên đáng kể, trải đều các mùa trong năm.

Từ thực tế đó, sự phát triển của các dòng phim cũng đa dạng hơn. Nếu như trước đây phim hài, tình cảm lãng mạn… luôn chiếm thế độc tôn tại phòng vé và liên tiếp xác lập các kỷ lục doanh thu mới, thì thời gian gần đây, dòng phim kinh dị Việt đã vươn lên mạnh mẽ, các nhà sản xuất tập trung khai thác nhiều hơn.

Điểm qua các bộ phim kinh dị Việt những năm gần đây, không khó để kể ra những đại diện tiêu biểu: “Lời nguyền huyết ngải”, “Cột mốc 23”, “Ngôi nhà trong hẻm”, “Giữa hai thế giới”, “Scandal – Bí mật thảm đỏ”, “Biết chết liền”…

Phần lớn, các bộ phim đánh trúng vào tâm lý khán giả khi đưa nhiều yếu tố rùng rợn, ma quái, xen lẫn cả tâm linh vào trong tác phẩm. Mùa Valentine năm 2014, “Quả tim máu” đã thành công vang dội về mặt doanh thu và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Dù chưa thể đối sánh với các phim kinh dị nước ngoài, nhưng các bộ phim trong nước vẫn lập nhiều kỷ lục phòng vé.

Trung tuần tháng 7 vừa qua, bộ phim “Đoạt hồn” ra mắt và gần như đáp ứng được đại đa số kỳ vọng của khán giả. Phim có đầy đủ các yếu tố của phim kinh dị: Cảnh máu me, chết chóc, nhập hồn, lên đồng…

Diễn xuất của các nhân vật trong phim từ diễn viên gạo cội: Kiều Chinh, Thương Tín, NSƯT Ngọc Hiệp, Minh Trang… cho đến tên tuổi ăn khách Trần Bảo Sơn, hay thậm chí là các diễn viên trẻ Mai Thế Hiệp, Thanh Mỹ, Nguyễn Hồng Ân… đều được đánh giá tương đối tròn trịa. Tuy nhiên, kết thúc của bộ phim khi tất cả chỉ là giấc mơ của cô gái đang tuổi dậy thì khiến nhiều khán giả hụt hẫng.

Có một chút đồng cảm với đoạn kết khó hiểu này vì người viết bài được “người nhà” của êkíp làm phim rỉ tai cho biết, đoạn kết ấy xuất phát từ yêu cầu của Hội đồng duyệt phim. Dù thế nào đi chăng nữa thì việc “Đoạt hồn” được ra rạp có thể thấy là tín hiệu vui khi cánh cửa này dường như đang dần rộng mở.

Đây cũng là việc mà Hội đồng kiểm duyệt phim nên và cần làm để khuyến khích các nhà làm phim kinh dị nói riêng và nhiều thể loại khác có cơ hội thể hiện khả năng sáng tạo của mình nhiều hơn nữa. Nhiều đạo diễn trước đó như Victor Vũ với “Quả tim máu”, Bùi Thạc Chuyên với “Lời nguyền huyết ngải”, Lê Văn Kiệt với “Ngôi nhà trong hẻm”… bằng nhiều thủ thuật khác nhau, cố gắng tìm mọi cách để có thể đưa bộ phim của mình đến với khán giả một cách tròn trịa nhất.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, có phim không may mắn không thể qua ải kiểm duyệt vì nhiều yếu tố khác nhau. Trường hợp của “Bẫy cấp 3” từng gây xôn xao dư luận một thời là bằng chứng.

Đừng “ăn xổi ở thì”

Dù phim kinh dị Việt đang có dấu hiệu của sự khởi sắc, nhưng rất khó để đoán trước liệu nó có thể trở thành dòng phim thống trị các rạp chiếu trong thời gian tới hay không? Nhìn lại lịch sử của dòng phim này trong tiến trình phát triển của điện ảnh Việt, có thể thấy nó đã được manh nha từ cách đây vài chục năm về trước.

Hai tác phẩm luôn được nhắc đến như là những bộ phim “mở đường” cho thể loại kinh dị Việt là “Lệ đá” (1971 – đạo diễn Võ Doãn Châu) và “Con ma nhà họ Hứa” (1973 – đạo diễn Lê Hoàng Hoa). Về sau này, cũng có nhiều đại diện ở dòng phim này được nhắc đến, đặc biệt là trường hợp của “Ngôi nhà oan khốc” (1992, đạo diễn Lê Hoàng Hoa).

Thời điểm đó, phim đã cán mốc doanh thu 1 tỷ đồng, báo hiệu cho sự hồi sinh của dòng phim này. Tuy nhiên, câu chuyện chỉ dừng lại ở đó, và phim kinh dị Việt vẫn đi vào bế tắc. Ngay cả khi Việt Nam có phim kinh dị hợp tác với Hàn Quốc – “Mười” tạo được tiếng vang thì thể loại này vẫn là miếng mồi khó nhằn với bất cứ đạo diễn, nhà sản xuất trong nước nào.

Không chỉ với dòng phim kinh dị mà câu hỏi đặt ra với bất kỳ thể loại phim Việt Nào hơn hết chính là bài toán chất lượng vì nhiều đạo diễn vẫn chờn vờn, không dám hết mình với thể loại mà mình đã chọn. Xét trên nhiều yếu tố, nhiều bộ phim ở thể loại này chưa hẳn là kinh dị. Nó có thể đan xen cả yếu tố tâm lý, hài… vào, do đó, không mấy ngạc nhiên khi khán giả Việt vẫn chuộng phim ngoại hơn.

Thành công của “Quả tim máu” là một ví dụ điển hình của việc kết hợp giữa việc sử dụng kỹ xảo tiên tiến trên thế giới và tư duy làm phim kinh dị mới mẻ, khá gần với Hollywood.

Bên cạnh đó, việc tham gia của đội ngũ làm phim nước ngoài từ quay phim, phụ trách ánh sáng, biên tập… cho đến đạo diễn là người được tu nghiệp và từng làm phim tại những thị trường lớn cũng mang đến những hơi thở mới cho phim kinh dị. Khi “Quả tim máu” thắng” lớn về mặt doanh thu cũng đồng nghĩa với việc nhiều nhà sản xuất đang chấp nhận chọn con đường mạo hiểm để thành công, hòa nhập vào xu hướng tâm linh, sợ hãi này.

Dù thế nào đi chăng nữa thì khán giả Việt luôn mong muốn mình sẽ được nhập tiệc với những “món ăn” được đầu tư nghiêm túc, chỉn chu chứ không phải theo lối “ăn xổi ở thì” để chạy đua theo lợi nhuận.

Sắp tới, bộ phim thứ 2 trong năm của đạo diễn Victor Vũ, “Scandal - Hào quang trở lại” với nhiều yếu tố kỳ bí, khiến khán giả lạnh người sẽ  
ra mắt vào ngày 29.8. Hay “Mất xác” của Đỗ Thành An ra rạp dự kiến 
ngày 15.8 cũng hứa hẹn sự phát triển ngày càng đa dạng của dòng 
phim kinh dị Việt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem