A werewolf boy, bộ phim ăn khách nhất Hàn Quốc, đã được công chiếu năm 2012, nay tái xuất rạp Việt hầu như “nguyễn y vân” (trừ đoạn kết), nhưng vẫn khiến người xem rồi muốn xem lại. Để rồi rưng rưng, thổn thức…
Cái kết mới cho bộ phim "Sói" của Song Joong-ki.
Muốn xem lại một phần vì tò mò không biết đoạn kết mới như thế nào, thuộc dạng “happy-ending” hay không. Xin “bật mí” luôn, đoạn kết thay đổi rất ít, cốt truyện, lời thoại giữ nguyên, chỉ có hình ảnh nữ chính là thay đổi so với đoạn kết gốc.
Người xem lại A werewolf boy (từ ngày 24/6 ra rạp Việt với tên Sói – hồi kết) thấy cái kết mới tươi sáng hơn, phù hợp với con mắt, tâm tưởng của người sói. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để thỏa mãn tâm lý thích “kết thúc có hậu” của nhiều khán giả, đặc biệt là phụ nữ.
Một cô gái từng xem phiên bản năm 2012 vẫn sụt sịt khi xem tới cảnh nữ chính vừa khóc vừa xua đuổi người sói. Hết phim, cô kể: “Vẫn thương người sói quá, chờ đợi người yêu cả đời, chỉ được gặp trong chốc lát. Mà trông như hai bà cháu. Xem đến đoạn cô cháu gái đi ngủ để cạnh mình súng bắn điện để phòng thân, cứ tưởng tình tiết này báo trước một tình huống bất ngờ nào đó. Ví dụ, cô gái bắn trúng người sói, người sói bỗng dưng gì gì đó… Nhưng nào ngờ… Mà nữ chính sao phải đi ngay? Sao không ở lại nhỉ?”.
Cô gái cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ. Không biết vì thương người sói chung thủy (giống chó sói ngoài đời) hay vì mê trai đẹp Song Joong-ki mà mới đây cô dán mắt vào chàng (gián tiếp qua tivi, qua phim truyền hình Hậu duệ mặt trời).
Song Joong-ki trong vai người sói.
Cứ cho là cô cũng như nhiều khán giả nữ khác mê vẻ trẻ đẹp của Song Joong-ki, tính cách nhân vật trong Hậu duệ mặt trời, nhưng cũng không thể phủ nhận diễn xuất của anh trong Sói - hồi kết. Cả phim anh chỉ được nói 2 chữ “Đừng đi”, trừ một số ít từ không ra tiếng người. Thành ra, tất cả tâm tư, tình cảm, thất tình lục dục của nhân vật người sói được anh thể hiện qua ánh mắt, dáng đi, cách ăn uống, hít ngửi, gầm gừ…
Có thể nói, với A werewolf boy, Song Joong-ki đã trở thành nghệ sĩ kịch câm, đã trở thành chó sói thực sự.
Nhưng điều thực sự khiến khán giả cảm động, thổn thức là tình cảm, tình yêu mà các nhân vật, đặc biệt là hai nhân vật chính dành cho nhau. Một bà góa chật vật kiếm sống nuôi con mà nhận nuôi nấng, chăm sóc một người lạ bẩn thỉu, hôi hám, không biết nói. Một nữ sinh trung học đầu tiên ác cảm rồi dần thiện cảm với người sói với bao cảnh hồn nhiên, lãng mạn, day dứt…
Ngoài ra, phim có vô số chi tiết nhỏ nhưng logic, khắc họa rõ nét tính cách nhân vật và kết nối câu chuyện vừa cảm động vừa hài hước. Ví dụ, người sói xách bé gái hàng xóm ngang hông chạy đuổi theo anh và bạn của bé phía trước.
Chơi xong, người sói lại xách bé hàng xóm theo hai chị em nữ chính về nhà mình, khi biết nhầm mới thả bé ra để bé tự đi theo hướng ngược lại. Và có lẽ, động tác “kinh điển” nhất trong phim là vuốt vuốt mái tóc người khác. Thật dịu dàng, thật đầm ấm, thật trong trẻo…
Poster phim "Sói - hồi kết"
Phim cũng đề cập vấn đề đạo đức trong nghiên cứu khoa học, nhưng đấy chỉ là khía cạnh nhỏ. Nét lớn vẫn là tình thương vô điều kiện, tình yêu sắt son. “Hồng Hà nước đỏ như son, chết đi còn chớ, sống còn lấy em”. Ai cũng mong có được tình yêu như thế, nhưng xin đừng dang dở, người ơi…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.