Các bộ phim truyền hình Hàn Quốc ăn khách trên Netflix như "Squid Game", "The Glory" và "Hellbound"... từng thống trị bảng xếp hạng phim truyền hình dài tập không phải tiếng Anh. Tuy nhiên, gần đây, các bộ phim truyền hình Hàn gốc được sản xuất với chi phí sản xuất cao hơn đang phải rất khó khăn để đạt được kết quả tương tự.
Theo danh sách "Top 10 toàn cầu" của Netflix, xếp hạng các tựa phim của hãng theo bốn hạng mục bao gồm "Phim (tiếng Anh)", "Truyền hình (tiếng Anh)", "Phim (Không phải tiếng Anh)" và "Truyền hình (Không phải tiếng Anh)" dựa trên lượt xem, hoặc tổng số giờ đã xem chia cho tổng thời gian được phát, "Mask Girl" là phim cuối cùng đứng đầu danh sách top 10 toàn cầu của Netflix ở lĩnh vực Truyền hình (Không phải tiếng Anh), vào tuần thứ ba của tháng 8/2023.
Phim truyền hình Hàn Quốc hết "hot"?
Kể từ tháng 8/2023, Netflix đã phát hành hàng loạt bộ phim truyền hình gốc Hàn Quốc được sản xuất với quy mô lớn như: "Song of the Bandits", "Doona!", "Sweet Home 2" và "Gyeongseong Creature".
Dù dàn diễn viên toàn sao và kinh phí thường vượt xa các phim gốc của Netflix Hàn Quốc trước đây, nhưng các phim gần đây đã không thể chiếm vị trí đầu bảng trong danh sách xếp hạng của Netflix.
Theo những người trong ngành, Netflix đã đầu tư khoảng 36 tỷ won (27 triệu USD) để sản xuất "Song of the Bandits", một bộ phim truyền hình dài tập phát hành vào tháng 9/2022, tập trung vào những người Hàn Quốc sống vào năm 1920, trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ. Bộ phim truyền hình này là một trong những bộ phim truyền hình dài tập gốc Hàn Quốc của Netflix có kinh phí cao nhất.
Bất chấp sự cường điệu của giới truyền thông cho rằng, loạt phim truyền hình này có thể là "Squid Game - Trò chơi con mực" tiếp theo, một bộ phim được thực hiện với kinh phí nhỏ hơn, "Song of the Bandits" chỉ lọt vào danh sách top 10 toàn cầu ở hạng mục Truyền hình (Không phải tiếng Anh) trong ba tuần kể từ ngày 18/9 đến ngày 8/10, xếp thứ 6, thứ 2 và thứ 9.
"Squid Game" được đồn đại là được thực hiện với chi phí 30 tỷ won, nằm trong danh sách với 16 tuần liên tiếp, đồng thời đứng ở vị trí số 1 trong 9 tuần đó.
"Doona!" - bộ phim lãng mạn chín tập có sự tham gia của ngôi sao K-pop Suzy, được đồn đại là đã được thực hiện với kinh phí từ 20 tỷ won đến 30 tỷ won, trong khi "Sweet Home 2" được cho là có kinh phí cao hơn phần đầu tiên, vốn có kinh phí sản xuất là 30 tỷ won.
Bất chấp chi phí sản xuất cao, cả hai tựa phim đều không thể lọt vào danh sách top 10 toàn cầu ở hạng mục Truyền hình (Không phải tiếng Anh) trong hơn hai và ba tuần tương ứng.
Bộ phim truyền hình dài tập giả tưởng gốc của Netflix "Gyeongseong Creature", được đồn đại có kinh phí khổng lồ 70 tỷ won, đã đứng thứ 3 trong danh sách top 10 toàn cầu ở hạng mục truyền hình (không phải tiếng Anh) trong ba tuần.
"Chi phí sản xuất cho "Gyeongseong Creature" quá cao", một người trong ngành giấu tên cho biết.
"Xét về khoản đầu tư, lẽ ra bộ phim phải đứng đầu danh sách, ít nhất một lần. Tựa phim mới được phát hành gần đây, vì vậy chúng ta phải theo dõi tình hình lâu hơn một chút, nhưng triển vọng của "Gyeongseong Creature" giành được vị trí số 1 có vẻ hơi khó xảy ra", người này chia sẻ.
Các chuyên gia cho rằng, lý do phim truyền hình gốc Hàn Quốc của Netflix gặp khó khăn trong hệ thống xếp hạng toàn cầu của Netflix có thể bởi "trend" gần đây của các nhà sản xuất nhằm thu hút người xem bằng hiệu ứng đặc biệt gây "sốc".
"Tập trung vào các loạt phim kinh dị quái vật và thể loại giả tưởng, (các nhà sản xuất Hàn Quốc) đang cố gắng thu hút sự chú ý của người xem bằng hiệu ứng đặc biệt thay vì kỹ năng kể chuyện", nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Hern Sik cho biết.
Ông nói thêm: "Tập trung vào kinh phí lớn, nhằm nhấn mạnh các hiệu ứng đặc biệt và cố gắng làm cho nội dung trở nên hấp dẫn hơn (thông qua những nỗ lực như vậy) là những yếu tố làm giảm tầm ảnh hưởng toàn cầu và mức độ nổi tiếng của các bộ phim Hàn Quốc".
Theo các chuyên gia, có những yếu tố mang tính khách quan cũng góp phần khiến hiệu suất các chương trình Hàn Quốc trên Netflix sụt giảm.
"Khi đại dịch kết thúc, người xem bắt đầu rời xa các nền tảng phát trực tuyến. Số giờ xem nhìn chung giảm. Hiện tượng như vậy khiến người ta tự hỏi liệu một loạt phim như "Squid Game" có nhận được phản ứng bùng nổ tương tự nếu nó được phát hành vào khoảng thời gian cuối năm 2024 hay không", ông Kim nói.
Kim Hern Sik cho rằng, người Hàn Quốc có thể thiếu thực tế khi đánh giá sự thành công của nội dung sản xuất trong nước, họ bị phân tâm bởi thành công đáng kinh ngạc của "Squid Game" và "The Glory".
"Hàn Quốc đặt tiêu chuẩn thành công trên Netflix quá cao. Trên toàn cầu, nhận thức về nội dung Hàn Quốc vẫn thấp hơn đáng kể so với nội dung sản xuất bằng tiếng Anh. Chỉ cần lọt vào top 10 ở hạng mục không nói tiếng Anh là đủ để ghi nhận", ông nói.
Kang Eun Kyung, biên kịch của phim "Gyeongseong Creature" cho biết: "Chúng tôi coi Netflix như một phương tiện để tác phẩm của chúng tôi đạt được hiệu ứng lan tỏa trên toàn cầu".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.