Phim truyền hình Việt cũng cần dán nhãn?

Chủ nhật, ngày 19/09/2021 07:00 AM (GMT+7)
Vụ tranh cãi gần đây về vụ phim truyền hình “Người phán xử” có làm gia tăng tình trạng tội phạm không - như một nhà quản lý nói - gây “sóng” trong dư luận.
Bình luận 0

Đa phần không nhất trí, nhất là khi "Người phán xử" có rating cao và được khán giả yêu mến. Tuy nhiên, từ đó cũng đặt ra một vấn đề khác…

Chuyển hướng để hấp dẫn hơn

Thực ra mảng phim về phá án, về tội phạm, trước đây chúng ta đã có series phim "Cảnh sát hình sự" khá thành công từ "Chạy án", "Bí mật tam giác vàng"… thể hiện khá thành công hình tượng người chiến sĩ công an đầy đủ tài trí, đấu tranh căng thẳng với bọn tội phạm và cuối cùng thắng lợi, bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân.

Phim truyền hình Việt cũng cần dán nhãn? - Ảnh 1.

Cảnh trong phim "Người phán xử". Ảnh: VTV.

Không phải tất cả phim trong series "Cảnh sát hình sự" đều hay, cũng có tập dễ dãi, sơ sài về nghiệp vụ hay phần nào hơi "tô hồng", có nhiều tập chỉ nhìn thấy "vụ việc" tình tiết mà không thấy "con người" - nhân vật trong phim với đầy đủ ái, ố, hỉ, nộ của nó. Nhưng càng về sau càng tập của "Cảnh sát hình sự" càng công phu, hấp dẫn hơn cả về kết cấu kịch bản lẫn diễn xuất của diễn viên. Tác động của series này đến công chúng là khá tích cực, dù xét đến cùng nó mang chất giải trí nhiều.

Sau này, để tăng tính kịch tính, gợi tính tò mò của khán giả, một số phim truyền hình Việt bắt đầu đi vào khai thác thế giới ngầm với đủ loại tội phạm: buôn bán ma túy, giết người, buôn phụ nữ… Có phim thì mua kịch bản phim của nước ngoài như "Người phán xử" kể trên rồi Việt hóa thành phim "remake"…

"Quỳnh búp bê" của đạo diễn Mai Hồng Phong, một dạo lên "cơn sốt" với thân phận của những cô gái trong động chứa mại dâm với diễn xuất của Phương Oanh (vai Quỳnh), Thu Quỳnh (My "sói")… với nhiều cảnh bạo lực, sexy… Các cô gái trong phim nhiều phân đoạn ăn mặc quá gợi cảm, thậm chí trong mắt khán giả khó tính là khiêu dâm. Còn bạo lực như cảnh tra tấn Quỳnh dìm đầu vào bể nước từng bị dư luận "ném đá" dữ dội…

Với "Người phán xử" do kịch bản của nước ngoài dù Việt hóa nhưng chưa thể 100% nên bạo lực còn quá nhiều, các nhân vật như Phan Quân (NSND Hoàng Dũng thủ vai), Lương Bổng (NSND Trung Anh đóng)… đều thể hiện sự tàn bạo…

Một số phim truyền hình Việt khác thấy "Người phán xử" ăn khách cũng làm theo lối đó, nên sự dữ dội, bạo liệt trong phim vượt ngưỡng phần nào…

Nhưng cần tiết chế và dán nhãn!

Làm phim hành động, về cuộc chiến thiện-ác đi sâu mô tả khắc họa kỹ lưỡng cái ác để bật lên sự chiến thắng của cái thiện là ý đồ tốt. Vì thế có nhà làm phim cho rằng phải mô tả sống động như thật cái ác thì mới chân thực, thuyết phục được khán giả.

Nhưng vấn đề là phim truyền hình chiếu rộng rãi cho mọi đối tượng khán giả, mọi lứa tuổi khác nhau từ trẻ em đến người già. Nói "Người phán xử" làm gia tăng tình trạng tội phạm mà chưa ra được con số, dẫn chứng cụ thể thì khó. Bởi muốn khẳng định đó phải có những con số chứng minh của các nhà nghiên cứu xã hội học, nghiên cứu tâm lý tội phạm tình trạng trước và sau khi xem "Người phán xử".

Liệu có tên tội phạm nào khi bị bắt thừa nhận là làm theo phim "Người phán xử" chưa? Bởi lẽ nếu so với mức bạo liệt thậm chí tàn khốc thì nhiều phim Mỹ trên Netflix còn tàn bạo hơn nhiều. Cũng có người nói rằng, "Người phán xử" có thể làm gia tăng "giang hồ mạng", "giang hồ xóm" kiểu như Khá "bảnh" thì đúng hơn!

Tuy nhiên cần phải nhìn nhận rõ, khi chiếu cho đông đảo quần chúng xem thì rõ ràng các phim truyền hình Việt dù làm về đề tài gì  cũng nên tiết chế các cảnh"nóng", cảnh bạo lực. Cũng như ngôn ngữ đường phố, ngôn ngữ của thế giới xã hội đen cũng nên tiết giảm, tránh để tình trạng tội phạm cứ mở mồm ra là văng tục như một số phim hình sự Việt.

Với nhiều nước, với các phim truyền hình có độ nhạy cảm , tính bạo lực không thích hợp với khán giả dưới 16 tuổi thì họ đều có dòng chữ cảnh báo trước khi vào phim,  thậm chí có phim thiếu nhi nhưng chỉ vài cảnh hơi "người lớn" đã có cảnh báo trẻ em xem phim này cần có sự giám sát của phụ huynh .

Phim truyền hình Việt cũng nên làm theo điều đó một cách bài bản, trước hết vì phim truyền hình cũng nắm trong quy phạm của Luật Điện ảnh. Phim truyền hình Việt  cần dán nhãn nhưng dù có dán nhãn thì vẫn nên có giới hạn cho những cảnh nóng và bạo lực, bởi không phải khán giả nào cũng có ý thức tự giác thực hiện.

   

Việt Văn (Theo LĐO)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem