Phim Việt - Đỉnh cao và thảm họa

Thủy Vũ Chủ nhật, ngày 20/06/2021 17:17 PM (GMT+7)
Tác phẩm được đông đảo khán giả đón nhận cùng với sự thành công về doanh thu chiếm số lượng cực ít trong số các phim công chiếu; còn lại phần lớn là các bộ phim ra rạp nối dài thêm nỗi thất vọng... Đó là thực trạng đang diễn ra của điện ảnh Việt Nam.
Bình luận 0

Các nhà làm phim Việt dường như vẫn đang rất vất vả loay hoay với câu hỏi suốt nhiều năm rằng: Làm thế nào để có được một tác phẩm đỉnh cao? Đạt doanh thu lớn và có giá trị về nghệ thuật.

Phim đỉnh cao có đồng nghĩa với phim bạc tỷ?

Trong năm 2021 này, mới chỉ có phim "Bố già" của Trấn Thành đạt đỉnh tháp của doanh thu, thu về 400 tỷ đồng - một con số kỷ lục từ trước đến nay đối với phim Việt. Nhưng con số 400 tỷ không có nghĩa đó là một bộ phim có giá trị đặc biệt. Bộ phim "Bố già" càng không có yếu tố gì của một tác phẩm đỉnh cao ngoài câu chuyện đời thường lấy bối cảnh hẻm nhỏ Sài Gòn cùng cách thể hiện đôi lúc lộ chiêu trò câu khách. Tuy vậy "Bố già" cũng không phải là một bộ phim để người ta xem xong rồi dễ dàng quay đi buông ra những từ ngữ kiểu như: Phù phiếm, nhảm, bậy… Nhưng để đi tìm sự tương xứng giữa giá trị thật và doanh thu của phim thì "Bố già" cũng chưa đạt đến tầm.

gop/Phim Việt - Đỉnh cao và thảm họa - Ảnh 1.

Cảnh trong phim “Kiều” của đạo diễn Mai Thu Huyền. Ảnh: Đ.P

"Chẳng qua "Bố già" cũng chỉ là bộ phim thị hiếu được thực hiện ở cấp độ cao hơn khi nhà làm phim đã "thăm khám" sở thích được xem một thứ gì đó vừa hài hài vui vui vừa có vẻ chân thực, xúc động của khán giả Việt".

Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái

Kịch bản tốt, sở hữu dàn diễn viên ngôi sao, có êkip hùng hậu, một số tiền đủ lớn và chiến dịch truyền thông công phu, "Bố già" hoàn toàn có thể trở thành một tác phẩm tốt hơn thế.

Doanh thu là một vấn đề lớn của tất cả các bộ phim điện ảnh nhất là với các hãng phim tư nhân. Người làm phim hẳn sẽ rất vui khi thấy phim của mình trụ rạp được khá lâu để thu được về một khoản tiền lớn hơn cả mong đợi. Thế nhưng người xem, họ tìm thấy gì ở những bộ phim bạc tỷ đó? Và nếu chỉ coi những bộ phim doanh thu khủng như vậy là đỉnh cao của việc thưởng thức điện ảnh thì thị hiếu của khán giả sẽ đi về đâu?

Theo dõi nhiều mùa phim trở lại rạp chiếu sau các đợt dịch Covid-19 vừa qua, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng: "Đừng tưởng thấy khán giả ùn ùn kéo tới rạp mà lấy đó làm vui, đừng tưởng có phim trăm tỷ là chúng ta có thể yên tâm rằng chất lượng của chúng không quá tệ".

Trong thực tế trên thế giới có nhiều bộ phim thành công cả về mặt nghệ thuật lẫn doanh thu nhưng ở Việt Nam thì hiện tượng này dường như chưa có. Thực tế là những bộ phim trăm tỷ vẫn chỉ là những bộ phim được làm đúng thị hiếu thông thường mà chưa có tìm tòi gì về mặt nội dung cũng như nghệ thuật.

Phim thảm họa khởi phát từ đâu?

Những người làm phim muốn có sự khác lạ quá mức đôi khi có thể khiến một bộ phim lẽ ra thú vị biến thành "thảm họa" trong mắt người xem. Điều này quả thật đã xảy ra với 2 bộ phim được lấy cảm hứng từ truyện "Kiều" (Nguyễn Du) là "Kiều@" của đạo diễn Thành An và "Kiều" của đạo diễn Mai Thu Huyền. Một "nàng Kiều" coi trọng kỹ thuật của một cú máy đến mức phô diễn cả sự vụng về không hợp lý. "Nàng Kiều" thứ 2 thì duy mỹ đến độ khó tin và không ai còn nhận ra các nhân vật trong nguyên tác khi xưa bởi đã bị đẽo gọt một cách quá kỹ lưỡng.

Điều đáng buồn là cả hai phim này đều thất bại về doanh thu vì vừa ra rạp đã bị khán giả chê bai, dè bỉu. Thạc sĩ Hoàng Dạ Vũ - giảng viên Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh cho rằng: "Ở cả hai bộ phim đều thấy rõ niềm đam mê, ngưỡng mộ của êkip sản xuất với truyện Kiều. Họ làm phim với mục đích muốn có sức ảnh hưởng mới cho tác phẩm nhưng lại quá lãng mạn, mơ hồ. Không đặt nặng vấn đề tài chính nhưng việc thâm hụt doanh thu sẽ là một cú đánh mạnh mà không biết bao lâu sau họ mới có thể "hồi phục" để quay trở lại với điện ảnh!".

Theo thạc sĩ Vũ, cái bóng quá lớn của nguyên tác văn học rõ ràng một lợi thế để thu hút sự chú ý nhưng cũng có thể trở thành cái bẫy khi các nhà làm phim chưa đủ sức để bật ra khỏi lớp vỏ vững chãi đó. Với cả hai phim "Kiều@" và "Kiều", giá trị và thân phận của nhân vật đều bị chê là quá mờ nhạt không đúng với tinh thần chung của tác phẩm.

Không những chưa đắp được giá trị riêng mà ngay cả việc truyền đạt các giá trị sẵn có cũng không chính xác. Nàng Kiều trong "Kiều@" có hình dung quá ê chề của một cô gái bán hoa, trong khi cô Kiều trong tác phẩm "Kiều" của Mai Thu Huyền lại tinh khiết đến độ phi lý... Để hồi đáp lại những nhận xét thẳng thừng như thế, cả đạo diễn Thành An và Mai Thu Huyền đều cho rằng vì chỉ lấy cảm hứng từ tác phẩm gốc nên họ có quyền làm khác, tô đậm hoặc giản lược đi để phù hợp với thông điệp mà họ muốn truyền tải.

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái không đồng ý với quan điểm đó. Bà cho rằng: "Lấy cảm hứng ở tác phẩm nào thì lấy nhưng với kiệt tác "Truyện Kiều" thì chúng ta không có quyền thêm ra bớt vào bất cứ điều gì. Tất cả đã là một chỉnh thể một cấu trúc quá toàn vẹn và hoàn mỹ, việc của chúng ta là phải tôn trọng nó như một giá trị văn hóa đã định hình...".

Với thực trạng điện ảnh năm nay, loại phim doanh thu lại chiếm được cảm tình của khán giả hơn cả những bộ phim gắn mác nghệ thuật. Đơn cử là với "Bố già", nếu trừ tất thảy các "hạt sạn" người ta vẫn thấy nó dễ chấp nhận bởi thủ pháp phim "Kiều@" và "Kiều" do quá duy mỹ nên các chi tiết trở thành xa lạ do thiếu sự chân thực, nhân vật đẹp về ngoại hình nhưng sơ lược về nội tâm và hầu như không có sự đối chọi của tình huống để phát lộ tâm lý.

Có thể nói phim đỉnh cao hiện nay vẫn chỉ là "niềm mơ ước xa xỉ" khi các yếu tố của phim thảm họa vẫn chưa dừng gia tăng. Chừng nào người làm phim tìm ra cách thức dung dị để kể một câu chuyện dung dị, đặt những thủ pháp trong một cấu trúc phim hoàn chỉnh thì lúc đó hy vọng của người xem về những bộ phim đỉnh cao sẽ gần hơn!.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem