Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội: Nông thôn mới kiểu mẫu không phải là sao chép, xã nào cũng giống nhau

Minh Huệ Thứ sáu, ngày 11/09/2020 16:03 PM (GMT+7)
"Thủ đô đã về đích sớm 2 năm Chương trình 02 của Thành uỷ Hà Nội, nhưng không vì thế mà chúng ta dừng lại. Nông thôn mới là chương trình không có điểm dừng, giai đoạn tới đòi hỏi chất lượng phải nâng cao hơn, hàm lượng chất xám nhiều hơn. Nhân rộng mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu nhưng không phải là sao chép".
Bình luận 0

Bà Ngô Thị Thanh Hằng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội phát biểu như vậy trong cuộc họp giao ban quý III của Ban Chỉ đạo diễn ra sáng nay (11/9).   

Phát biểu tại cuộc họp, bà Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, Chương trình 02 của Thành uỷ đã nhận được sự chỉ đạo quyết liệt của TP, sự đóng góp to lớn và nỗ lực của toàn thể nhân dân Thủ đô. Nhờ đó Hà Nội đã hoàn thành các mục tiêu đề ra của Chương trình và về đích sớm 2 năm.

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội: Nông thôn mới kiểu mẫu không phải là sao chép, xã nào cũng giống nhau - Ảnh 1.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội phát biểu tại buổi giao ban quý III của Ban chỉ đạo. Ảnh: Minh Huệ

Về phát triển nông nghiệp, giai đoạn 2015-2019 các lĩnh vực nông, lâm thuỷ sản tăng trưởng và phát triển ổn định, với tốc độ tăng bình quân 2,54%; giá trị sản xuất đã đạt 280 triệu đồng/ha, tăng 1,21 lần so với năm 2015. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng hàng hoá, tạo việc làm và tăng thu nhập tại chỗ cho nông dân.

Về xây dựng NTM, từ đầu năm 2020 đến nay Hà Nội đã công nhận thêm 2 xã đạt chuẩn và 2 xã NTM nâng cao, đưa tổng số xã NTM lên con số 355/382 xã, đạt tỉ lệ 92,9%; 13 xã NTM nâng cao.

Về nâng cao đời sống nông dân, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn năm 2019 đã đạt 51,5 triệu đồng/người/năm. Nhiều huyện có mức thu nhập bình quân cao, như Thạch Thất 63 triệu đồng, Đông Anh 60 triệu đồng… Tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của Hà Nội hiện chỉ còn 0,42%.

Tuy nhiên, theo bà Hằng, nông thôn mới là chương trình dài lâu, không có điểm dừng, do đó chúng ta sẽ tiếp tục triển khai, nâng cao Chương trình 02 trong giai đoạn 2020-2025, với những đòi hỏi cao hơn, hàm lượng chất xám cao hơn.

Để đạt mục tiêu đến năm 2025 Hà Nội có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 40% xã NTM nâng cao, 20% số xã NTM kiểu mẫu, nhất là đưa 5 huyện lên quận vào năm 2025, đòi hỏi chúng ta phải xây dựng khung của Chương trình 02 trong giai đoạn tới.

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội: Nông thôn mới kiểu mẫu không phải là sao chép, xã nào cũng giống nhau - Ảnh 2.

Các đại biểu, đại diện sở, ngành dự cuộc họp. Ảnh: M.H

Theo đó, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị trong 3 tháng cuối năm các sở, ngành liên quan cần hoàn thành tốt một số nhiệm vụ.

Thứ nhất, triển khai tốt các mục tiêu nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân; tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 700 sản phẩm OCOP để đến hết năm 2020, thành phố có 1.000 sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP.

Đề nghị Sở NNPTNT Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung tốt hoàn thành vụ mùa, chủ động xây dựng kế hoạch vụ đông xuân, phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi với tinh thần nỗ lực cao nhất đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay là trên 4%, đóng góp vào GDP của TP.

"Thực tiễn cho thấy, trong khó khăn bởi đại dịch Covid-19, nông nghiệp có vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân Thủ đô"- bà Hằng nói.

Thứ 2, về đề án xây dựng thí điểm xã nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô do Hội Nữ trí thức Hà Nội triển khai tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) và xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), đề nghị hoàn thiện sớm đề án trình UBND thành phố phê duyệt. Đây là đề án cấp thiết, đúng với mục tiêu của Ban Chỉ đạo quốc gia. Hoàn thành NTM thì phải tiếp tục nâng cao, trong nâng cao có kiểu mẫu, mang tính sáng tạo, lan toả.

"NTM chúng ta đã có quy hoạch nhưng chưa đồng bộ, đặc biệt xã NTM kiểu mẫu thì phải đi trước một bước, vừa bám sát quy hoạch nhưng phải nâng cao hơn, gắn với văn hoá, lịch sử… Do đó 2 xã Đan Phượng, Hồng Vân thành công rồi thì nên nhân rộng cho các xã khác cùng học tập, đầu tiên là ngay ở trong địa bàn Đan Phượng, Thường Tín, sau đó là "trăm hoa đua nở", nhưng phải căn cứ theo đặc thù địa phương chứ không phải là sao chép. NTM kiểu mẫu phải giữ được bản sắc, không phải xã nào cũng giống xã nào" - bà Hằng lưu ý. 

Thứ 3, đối với đề tài nghiên cứu khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Cơ sở khoa học và thực tiễn phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045), đề nghị Sở NNPTNT Hà Nội đồng chủ trì, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố năm 2021. 

"Đề nghị khi triển khai đề tài này, chúng ta bớt phân tích thực trạng đi, vì đã có tổng kết, khảo sát đánh giá hết rồi. Thay vào đó là tập trung vào nghiên cứu chiến lược, giải pháp, nhiệm vụ giai đoạn tới. Với mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội phải mang tính đặc thù, sử dụng đất có hiệu quả. 

Nông nghiệp của Thủ đô phải là nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học kĩ thuật, công nghệ sinh học, phát triển cây – con đặc sản, hoa cây cảnh… Sử dụng ít đất, nhưng nông dân vẫn giàu lên, và phải gắn với an toàn thực phẩm" - Phó Bí thư Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem