Hà Nội: 3 huyện "sạch bóng" hộ nghèo là những huyện nào?

Minh Huệ Thứ sáu, ngày 11/09/2020 10:35 AM (GMT+7)
Triển khai Chương trình số 02-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội, đến thời điểm này nhiều huyện đã đạt thu nhập bình quân trên 60 triệu đồng/người/năm. Đáng chú ý, Hà Nội đã có 3 huyện không còn hộ nghèo, gồm Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức.
Bình luận 0

Sáng nay (11/9), Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội tổ chức hội nghị Ban Chỉ đạo quý III/2020. Bà Ngô Thị Thanh Hằng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị. 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020, trong gần 5 năm qua, tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản của Thủ đô đạt bình quân 2,54%/năm. Giá trị sản xuất đạt 280 triệu đồng/ha, tăng 1,21 lần so với năm 2015.

Hà Nội: 3 huyện "sạch bóng" hộ nghèo là huyện nào? - Ảnh 1.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã có 6.087 hộ nghèo, 6.608 hộ cận nghèo được vay vốn làm ăn.

Phát triển nông nghiệp hàng hoá, công nghệ cao và an toàn thực phẩm được chú trọng. Toàn TP đã dồn điền đổi thửa được hơn 79.454ha đất, tăng 2.562ha so với năm 2015. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn đổi đã đạt 99,21%.

Đáng chú ý là sau chuyển đổi, nhiều mô hình sản xuất đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. TP đã có 164 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ; 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành...

Đời sống nông dân trên địa bàn không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đã đạt 51,5 triệu đồng/người/năm. Trong đó các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như Thạch Thất 65 triệu đồng/người/năm, Đông Anh 60 triệu đồng, Hoài Đức 55 triệu đồng, Đan Phượng 53,8 triệu....

Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang; 100% số xã có kết nối Internet, hầu hết các hộ có điện thoại... Công tác đảm bảo an sinh xã hội nói chung, thực hiện chính sách giảm nghèo nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành. Năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn trên địa bàn đã giảm từ 1,81% xuống còn 0,69%.

Đáng chú ý, đến nay có 3 huyện không còn hộ nghèo, gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn có 8/12 quận không còn hộ nghèo là Cầu Giấy, Ba Đình, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hai Bà Trưng.

Hà Nội: 3 huyện "sạch bóng" hộ nghèo là huyện nào? - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu đóng góp ý kiến cho Chương trình 02. Ảnh: M.H

Trước đó, năm 2016, toàn TP có tới 65.377 hộ nghèo, chiếm 3,64% tổng số hộ dân và có 34.005 hộ cận nghèo chiếm 1,89%. TP đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo đồng bộ, quyết liệt như hỗ trợ 100% mức đóng BHYT; miễn học phí cho 38.211 lượt học sinh nghèo và giảm học phí cho 51.447 lượt học sinh thuộc hộ cận nghèo... 

Trong giai đoạn 2018 - 2020, đã có hơn 5.600 hộ nghèo được hỗ trợ xây sửa nhà ở xuống cấp, hư hỏng; 6.087 hộ nghèo, 6.608 hộ cận nghèo được vay vốn làm ăn, với số tiền trên 501,3 tỷ đồng... 

Theo rà soát, đến tháng 6/2020 tỉ lệ hộ nghèo của TP giảm xuống còn 0,42%, hoàn thành trước 2 năm mục tiêu giảm nghèo của TP giai đoạn 2016 – 2020. Hiện, TP Hà Nội chỉ còn 8.754 hộ nghèo.

Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, theo Sở NNPTNT Hà Nội, tổng kinh phí huy động cho Chương trình từ năm 2016 đến hết tháng 6/2020 là hơn 56.512 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 58 tỉ đồng, vốn ngân sách huyện và xã hơn 1.750 tỉ đồng; vốn huy động ngoài ngân sách là  hơn 4.800 tỉ đồng…

Ngoài ra, thành phố đã bố trí 1.000 tỉ đồng uỷ thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân.

Riêng năm 2020, thành phố đã huy động được 11.796 tỉ đồng.

Theo đánh giá của bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội, đây là sự nỗ lực, phấn đấu và quyết tâm của TP cũng như các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn, tổ dân phố, thôn trong công tác giảm nghèo bền vững suốt nhiều năm qua. 

Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem