UBND tỉnh Đồng Nai đối thoại với nông dân: Sẽ có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho nông nghiệp công nghệ cao

Nha Mẫn Thứ năm, ngày 23/03/2023 11:39 AM (GMT+7)
Ngày 23/3, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với Nông dân tỉnh Đồng Nai. Hội nghị không có sự xuất hiện và chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, mà do ông Võ Văn Phi- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Bình luận 0

Nông dân vẫn thua thiệt đủ thứ

Thông qua hội nghị, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mong muốn nắm bắt được khó khăn, vướng mắc, tâm tư nguyện vọng của nông dân nhằm có những giải pháp phù hợp để hỗ trợ nông dân…

Lãnh đạo Đồng Nai đối thoại với nông dân: Hàng "đắt như tôm tươi", nông dân vẫn khổ sở vì thiếu tiền để sản xuất - Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đối thoại với nông dân. Ảnh: Nha Mẫn

Phát biểu mở đầu hội nghị, ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: "Thời gian qua, nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như giá cả vật tư đầu vào tăng cao; xuất khẩu nông lâm thủy sản có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị; chi phí vận chuyển tăng mạnh. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng gia tăng kiểm soát hàng hóa dẫn đến xuất khẩu qua thị trường này cũng khó khăn hơn trước.

Dù vậy, hiện nay bức tranh kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai đã nhiều khởi sắc, từng bước phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực".

Lãnh đạo Đồng Nai đối thoại với nông dân: Hàng "đắt như tôm tươi", nông dân vẫn khổ sở vì thiếu tiền để sản xuất - Ảnh 2.

Đồng Nai là địa phương có chăn nuôi xếp tốp đầu cả nước. Ảnh: Nha Mẫn

Trong đó 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội vượt mục tiêu Nghị quyết (Tốc độ tăng trưởng kinh tế; GRDP bình quân đầu người; Kim ngạch xuất khẩu; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; Tổng thu ngân sách; ...)

Năm 2022, tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn tỉnh tăng 9,22% so với cùng kỳ, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,89%.

Nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai tiếp tục được định hướng và phát triển theo quy luật kinh tế hàng hóa, năng suất, chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, từng bước nâng chất lượng giá trị của sản phẩm.

Lãnh đạo Đồng Nai đối thoại với nông dân: Hàng "đắt như tôm tươi", nông dân vẫn khổ sở vì thiếu tiền để sản xuất - Ảnh 3.

Bưởi cũng là thế mạnh của tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Nha Mẫn

Năm 2022 có 18 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2022 đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu theo Nghị quyết đề ra. Các hoạt động sản xuất, lưu thông, vận chuyển tiêu thụ hàng hóa nông sản cơ bản được khôi phục hoàn toàn. Thương mại điện tử được triển khai đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện giao dịch trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Chia sẻ trước lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, nhiều nông dân bày tỏ các khó khăn về phân bón, giá thức ăn tăng, thiếu điện - nước, thiếu liên kết tiêu thụ sản phẩm... dẫn đến nông dân chưa an tâm sản xuất.

Ông Hoàng Công Phước- đại diện HTX Suối Mơ, huyện Thống Nhất cho biết,: "HTX của ông đang có hướng phát triển du lịch sinh thái và làm sản phẩm OCOP. Do đó mong muốn ngành chức năng hỗ trợ chuyển đổi mô hình để phát triển được kinh tế theo hướng mong muốn".

Lãnh đạo Đồng Nai đối thoại với nông dân: Hàng "đắt như tôm tươi", nông dân vẫn khổ sở vì thiếu tiền để sản xuất - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Nữ mong muốn tháo gỡ khó khăn trong trồng lúa. Ảnh: Nha Mẫn

Còn ông Nguyễn Văn Nữ, nông dân trồng lúa tại xã Long Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai lại khổ sở vì giá phân bón, đạm tăng quá cao. Ông Nữ cho biết năm 2022 vụ lúa đầu tiên ông mua 1 bao phân đang chỉ ở giá trên 300.000 đồng tuy nhiên đến vụ lúa thứ 2 giá phân bón đã tăng lên trên 1 triệu đồng/bao. Giá phân, xăng dầu… tăng mạnh khiến cho giá thành sản xuất đội lên nhưng giá lúa bán ra lại ở mức thấp, không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ.

"Cuối cùng nông dân vẫn là thua thiệt nhất, mọi thứ đều tăng mỗi sản phẩm bán ra vẫn giá thấp. Tôi nghĩ lãnh đạo cần có phương án hỗ trợ nông dân để có đầu ra tiêu thụ sản phẩm và giá thành ổn định hơn", ông Nữ nhấn mạnh.

Lãnh đạo Đồng Nai đối thoại với nông dân: Hàng "đắt như tôm tươi", nông dân vẫn khổ sở vì thiếu tiền để sản xuất - Ảnh 5.

Đa phần nông dân đều khổ sở vì giá phân bón, nhân công, thức ăn chăn nuôi tăng... Ảnh: Nha Mẫn

Tương tự nông dân Nguyễn Đình Trọng chuyên trồng rau thuỷ canh cho biết, sản phẩm rau của anh hoàn toàn là sản phẩm sạch được chăm sóc kỹ lưỡng. Tuy nhiên anh gặp khó khăn do sản phẩm không liên kết được đầu ra nên hiện tại vẫn là sáng trồng rau, chiều tự mang hàng ra chợ bán rất bấp bênh…

"Tôi chỉ muốn sản phẩm được liên kết có đầu ra ổn định để bản thân an tâm sản xuất ra sản phẩm sạch phục vụ người dân", anh Trọng nói.

Có ý kiến đối thoại với Thủ tướng về mong muốn tỉnh giải quyết cụ thể

Còn bà Bà Cao Thị Ten, chủ trại gà thảo mộc Cao Ten tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai chia sẻ, sản phẩm gà thảo mộc Cao Ten hiện nay đã có chỗ đứng vững trên thị trường. Hiện tại cầu đang vượt cung, hàng ra đến đâu được tiêu thụ đến đó, có những ngày không đủ hàng để đáp ứng thị trường.

Lãnh đạo Đồng Nai đối thoại với nông dân: Hàng "đắt như tôm tươi", nông dân vẫn khổ sở vì thiếu tiền để sản xuất - Ảnh 6.

Nhiều nông dân sản phẩm có đầu ra ổn định như gà, heo... nhưng lại khó khăn vì thiếu vốn. Ảnh: Nha Mẫn

"Dù sản phẩm có đầu ra ổn định nhưng tôi cũng gặp khó khăn và mong lãnh đạo tỉnh giúp đỡ vì xưa cám, bắp, đậu nành… giá thấp nhưng nay giá tăng cao dẫn đến giá thành bị đội lên. Do đó nông dân nuôi gà như tôi mong có nguồn vốn hỗ trợ tốt nhất cho HTX phát triển. Nỗi khổ lớn là sản phẩm không đủ để giao cho khách nhưng thực tế bản thân lại không đủ tài chính để sản xuất", bà Ten nói.

Là người từng trực tiếp đặt câu hỏi đối thoại với Thủ tướng Chính phủ năm 2022, ông Lê Văn Quyết- đại diện cho những người nuôi gà xuất khẩu kiến nghị tỉnh Đồng Nai giải quyết giúp những vấn đề cụ thể. Theo ông Quyết, Đồng Nai hiện có nhiều dự án đang treo khá lâu. Do đó ông Quyết đề nghị tỉnh Đồng Nai đối với dự án còn khả thi nên sớm triển khai còn dự án không khả thi cần huỷ bỏ để nông dân lấy đất sản xuất, an tâm canh tác.

Lãnh đạo Đồng Nai đối thoại với nông dân: Hàng "đắt như tôm tươi", nông dân vẫn khổ sở vì thiếu tiền để sản xuất - Ảnh 7.

Nông dân muốn liên kết sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Nha Mẫn

Ngoài ra, ông Quyết cũng nói rằng trang trại của ông là một trong những trang trại thuộc diện phải di dời theo quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai. Nhưng trên thực tế trang trại cách khu dân cư khoảng trên 3km, đã đầu tư hiện đại với số tiền lớn. Việc di dời khiến ông lo sợ bị đứt gãy chuỗi sản xuất do việc đầu tư lại tại nơi mới sẽ mất thời gian, gặp nhiều khó khăn.

"Tôi nghĩ giờ muốn đời sống nông dân ổn định cần tạo ra liên kết sản xuất, chăn nuôi, có các cánh đồng lớn. Khi tạo được cánh đồng lớn mới có thể đầu tư được máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ... tăng năng suất, giảm giá thành... Về việc di dời chăn nuôi chúng tôi cũng khá sốc vì bất ngờ nhận được yêu cầu trên, chưa biết phải xử lý ra sao", ông Quyết nhấn mạnh.

Lãnh đạo Đồng Nai đối thoại với nông dân: Hàng "đắt như tôm tươi", nông dân vẫn khổ sở vì thiếu tiền để sản xuất - Ảnh 8.

Nông dân mong muốn vừa làm nông nghiệp sạch vừa phát triển du lịch. Ảnh: Nha Mẫn

Ngoài những ý kiến trên, nhiều nông dân cũng chia sẻ thêm các vấn đề khác như nhiều cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống vật nuôi, cây trồng không đảm bảo chất lượng đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của nông dân. 

Do đó nông dân kiến nghị các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có biện pháp xử lý đối với các cơ sở kinh doanh phân bón, giống cây trồng kém chất lượng. Bên cạnh đó nông dân cũng mong muốn ngành chức năng triển khai tập huấn sản xuất theo hưởng hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao nhiều hơn để giúp nông dân cải tiến sản xuất.

Song song đó, hiện nay nhiều hộ sử dụng nước ngầm để tưới tiêu nông nghiệp (cây chuối, cây ăn trái...) nên nhiều nơi điện yếu không phục vụ kịp thời ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, kiến nghị UBND tỉnh, các ngành có liên quan, đưa ra phương hướng đầu tư hỗ trợ cho người dân lưới điện trung –hạ thế.

Đặc biệt nông dân mong nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn để thuận lợi hơn trong vận chuyển nông sản, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất… 

Nông dân cũng đề nghị UBND tỉnh, Sở NNPTNT và các Sở, ngành liên quan sớm có chính sách đầu tư các Hồ thủy lợi chứa nước, hệ thống bơm nước lấy từ sông La Ngà về phục vụ sản xuất và sinh hoạt, hệ thống kênh mương dẫn nước đến vùng sản xuất.

Trước các ý kiến của nông dân, đại diện Sở Công Thương cho biết thời gian tới sẽ tăng cường hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, đưa nông sản lên sàn thương mại. Bên cạnh đó sẽ giúp kết nối sản phẩm với các siêu thị, doanh nghiệp để có đầu ra ổn định...

Đại diện Liên minh hợp tác xã tại Đồng Nai nói rằng sẽ cố gắng tìm phương án hỗ trợ các HTX trên địa bàn tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực. Ngoài ra cũng cố gắng triển khai hỗ trợ tài chính cho các HTX bị thiếu vốn để có nguồn phục vụ sản xuất. Hiện có nhiều người trẻ triển khai HTX, đang có những khởi điểm rất tốt làm cho việc phát triển các HTX ngày càng mạnh.

Lãnh đạo Đồng Nai đối thoại với nông dân: Hàng "đắt như tôm tươi", nông dân vẫn khổ sở vì thiếu tiền để sản xuất - Ảnh 10.

Ông Võ Văn Phi yêu cầu các đơn vị phối hợp hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế. Ảnh: Nha Mẫn

Còn Sở TNMT cũng cho biết sẽ hỗ trợ nông dân kinh doanh sản xuất phát triển kinh tế. Tuy nhiên sở này cũng đề nghị bà con nông dân phát triển kinh tế phải kèm theo bảo vệ môi trường. Rác thải, nước thải, chất thải trong chăn nuôi, trồng trọt phải được xử lý đúng quy định để đảm bảo môi trường xanh sạch, không ô nhiễm...

Riêng Sở NNPTNT nhấn mạnh sẽ có phương án phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, bền vững. Cố gắng tạo điều kiện để sản phẩm nông nghiệp có mã số vùng trồng, đảm bảo chất lượng. Phối hợp với nông dân nâng cao chất lượng nông sản, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Về việc di dời cơ sở chăn nuôi ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi để tham mưu với UBND tỉnh đưa ra phương án phù hợp.

Kết luận buổi đối thoại, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị các sở ngành, đơn vị phối hợp để phát triển nông nghiệp địa phương và bà con nông dân.

Trong đó, Sở NNPTNT chú trọng đến tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất tập trung và phát triển chuỗi giá trị, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh thực hiện nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp thông qua Chương trình OCOP.

Còn Sở Kế hoạch và Đầu tư mời gọi, triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các dự án sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chế biến sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu.

Ông Phi cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ tín dụng,… triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem