Phố Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh vào sách kỷ niệm 25 năm thành lập quận Cầu Giấy

Đình Việt Thứ hai, ngày 04/07/2022 06:34 AM (GMT+7)
Nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập quận Cầu Giấy, BCH Hội Cựu Chiến binh quận biên soạn, tái bản cuốn "Đường, phố quận Cầu Giấy mang tên danh nhân và địa danh lịch sử" nhằm tri ân và tôn vinh các danh nhân, các địa danh lịch sử. Phố Lưu Quang Vũ, phố Xuân Quỳnh xuất hiện trong cuốn sách này.
Bình luận 0

Ra mắt sách "Đường, phố quận Cầu Giấy mang tên danh nhân và địa danh lịch sử"

Theo lời giới thiệu của cuốn sách, Cầu Giấy là một vùng đất cổ, từ xa xưa thuộc huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây.

Với địa thế tự nhiên nằm ngay "cửa ngõ" phía Tây của Kinh thành Thăng Long, nay là Thủ đô Hà Nội, Cầu Giấy luôn giữ vị trí chiến lược cả về kinh tế lẫn quân sự, vừa là vành đai, hậu cứ bảo vệ vững chắc cho Thủ đô, vừa là của ngõ từ miền trung du, trung tâm quân sự Sơn Tây, căn cứ địa Việt Bắc xuống đồng bằng Bắc Bộ tiến vào thành phố.

Phố Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh vào sách kỷ niệm 25 năm thành lập quận Cầu Giấy - Ảnh 1.

Trong cuốn "Đường, phố quận Cầu Giấy mang tên danh nhân và địa danh lịch sử" tái bản lần này có 83 đường, phố. Trong đó có 66 đường, phố mang tên danh nhân, 17 đường, phố mang tên các địa danh lịch sử. Ảnh: Đình Việt

Được sự chỉ đạo của Thường trực và Ban Thường vụ Quận ủy Cầu Giấy và nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập quận (1/9/1997 – 1/9/2022), Ban Chấp hành (BCH) Hội Cựu Chiến binh quận khóa V đã biên soạn, tái bản cuốn "Đường, phố quận Cầu Giấy mang tên danh nhân và địa danh lịch sử" nhằm tri ân và tôn vinh các danh nhân, các địa danh lịch sử.

Những con đường, góc phố Quận Cầu Giấy đầy ắp những chiến công hiển hách và thành tựu to lớn trong chiến đấu chống thù trong, giặc ngoài cũng như trong xây dựng, phát triển kinh tế, đời sống văn hóa, xã hội của dân tộc Việt Nam anh hùng, trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.

Cuốn sách sẽ biên soạn đầy đủ, chân thực vị trí các tuyến đường, phố; Ý nghĩa, tiểu sử tóm tắt quá trình hoạt động của các danh nhân, lịch sử hình thành các địa danh, nhằm góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, các thế hệ cựu chiến binh, cựu quân nhân.

Đặc biệt là thế hệ trẻ, thanh thiếu nhi hiểu sâu sắc thêm và tự hào về truyền thống vẻ vang của mảnh đất, con người quận Cầu Giấy. Từ đó khơi dậy khát vọng, nêu cao ý thức, trách nhiệm tích cực tham gia xây dựng quận Cầu Giấy ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Quá trình biên soạn Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Cựu Chiến binh quận đã sưu tầm tư liệu trên các sách, báo và Nghị quyết của HĐND Thành phố Hà Nội về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường phố trên địa bàn Hà Nội và tham khảo ý kiến của một số nhà sử học trong và ngoài quân đội, lãnh đạo quận, các ban, phòng, ngành, đoàn thể...

Phố Lưu Quang Vũ, phố Xuân Quỳnh xuất hiện trong sách

Trong cuốn "Đường, phố quận Cầu Giấy mang tên danh nhân và địa danh lịch sử" tái bản lần này có 83 đường, phố. Trong đó có 66 đường, phố mang tên danh nhân, 17 đường, phố mang tên các địa danh lịch sử. Phố Lưu Quang Vũ và phố Xuân Quỳnh xuất hiện trong cuốn sách này.

Phố Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh vào sách kỷ niệm 25 năm thành lập quận Cầu Giấy - Ảnh 3.

Trong cuốn sách, đoạn giới thiệu phố và tiểu sử của Lưu Quang Vũ nằm ở trang số 34. Phố Xuân Quỳnh nằm ở trang số 86. Ảnh: Đình Việt.

Theo đó, phố Lưu Quang Vũ được đặt tên vào năm 2022, cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Khang, tại số nhà 69 đến ngã ba giao cắt ngõ 22 Trung Kính, đối diện Trường THCS Trung Hòa. Phố dài 430m, rộng 7,5 - 27,5 (lòng đường: 7 -17,5m, vỉa hè mỗi bên từ 0,5 đến 5m).

Cuốn sách giới thiệu, Lưu Quang Vũ (1948-1988), sinh tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ (quê gốc ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Ông là nhà soạn kịch, nhà thơ, nhà văn hiện đại của Việt Nam, chồng của cố nhà thơ Xuân Quỳnh. Tuổi thơ ông sống tại Phú Thọ cùng cha mẹ, hòa bình lập lại (1954), gia đình ông chuyển về sống tại Hà Nội.

Ông đã sống những năm tháng tuổi trẻ trong chiến tranh, đi bộ đội chiến đấu và trở về sống trong một thời kỳ khó khăn của nước nhà.

Vì vậy, các tác phẩm của ông luôn giàu tính hiện thực và nhân văn, đã để lại một dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng những năm sau chiến tranh. Lưu Quang Vũ là một "hiện tượng" của sân khấu Việt Nam những năm 80 của thế kỷ XX.

Trước khi mất, chỉ 40 năm tuổi đời nhưng ông đã là tác giả của gần 50 vở kịch, nhiều vở thấm đẫm tính thời sự với hiện thực xã hội nóng bỏng, đầy sức sống thời đại như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Tôi và chúng ta, Tin ở hoa hồng...

Lưu Quang Vũ đã trở thành tượng đài, nhà viết kịch xuất sắc của thời kỳ hiện đại. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) về nghệ thuật sân khấu.

Trong khi đó, phố Xuân Quỳnh cũng được đặt tên vào năm 2022. Phố bắt đầu từ ngã ba giao cắt phố Vũ Phạm Hàm, đối diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 (số 5 Vũ Phạm Hàm) đến ngã ba giao cắt đối diện tòa nhà Trung Yên Plaza tại tổ dân phố 28, phường Trung Hòa. Phố dài 470m, rộng 10m.

Xuân Quỳnh (1942 - 1988), tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, quê ở xã Văn Khê, thị xã Hà Đông (nay là phường La Khê, quận Hà Đông), xuất thân trong một gia đình công chức, mẹ mất sớm, được bà nội nuôi dạy từ nhỏ đến khi trưởng thành.

Bà là một nhà thơ nổi tiếng, là vợ của cố nhà soạn kịch, nhà thơ, nhà văn Lưu Quang Vũ, tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng như: Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa... Các bài thơ như: Sóng, Chuyện cổ tích về loài người đã được đưa vào sách giáo khoa của học sinh phổ thông.

Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với nhiều cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn sống hết mình của bà, có khi hạnh phúc đắm say, lúc lại đau khổ, suy tư, song vẫn luôn gần gũi vì được viết với sự đằm thắm của một người phụ nữ vừa làm thơ, vừa làm vợ, làm mẹ.

Nhà thơ Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh vì những thành tựu cho nền văn học nước nhà, năm 2017.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem