|
Sơn sửa nhà cửa theo kế hoạch trên phố Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm) sáng 29-3. |
Vấn nạn quy hoạch
Theo kế hoạch đề ra, sẽ có 75 tuyến phố chính của Hà Nội được chỉnh trang “diện mạo” theo cách làm này với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng - số tiền không phải quá lớn, nhưng cũng không hề nhỏ trong bối cảnh thủ đô còn bộn bề khó khăn và rất nhiều công việc hướng về kỷ niệm nghìn năm và xa hơn thế.
“Cấp tập” đón nghìn năm, việc “rửa mặt phố” được quy định phải hoàn thành vào cuối tháng 6-2010. Theo đánh giá của UBND quận Hoàn Kiếm về 13 tuyến phố cần phải chỉnh trang trên địa bàn, thực tế cũng đặt ra vấn đề rất cần thiết phải chỉnh trang: Tường nhà: Vữa bị mục, vôi bạc màu, màu vôi sơn không hài hoà, không phù hợp cảnh quan. Cửa gỗ sơn cũ mốc, bong tróc, màu sơn cửa gỗ không hài hoà, không phù hợp cảnh quan, một số bị mục, long…
Bậc thềm lộn xộn, ban công nhô ra thụt vào, ô văng xuống cấp cũ nát, biển hiệu quảng cáo tuỳ tiện… Đó là một thực tế đã tồn tại nhiều năm và vẫn luôn nóng hổi: Tình trạng lộn xộn của quy hoạch, kiến trúc nhà tại nhiều khu vực của Hà Nội.
Nhiều chuyên gia về kiến trúc cho rằng, chỉ tập trung vào sơn, quét những mặt tiền vốn đã nằm trong một quần thể xô lệch, chen chúc và mất cân đối, liệu có thể làm cho hình thức phố phường sáng sủa hơn? Vấn đề quan trọng trước khi có thể “đắp” cho phố phường những màu sắc mới, phải là việc giải quyết vấn nạn quy hoạch, kiến trúc sao cho quy củ, thoáng đãng, văn minh chứ không thể lấy sơn, vôi ra làm giải pháp.
Dân phải tự bỏ tiền
KTS Ngô Doãn Đức - Viện trưởng Viện Kiến trúc - Hội KTS VN cho rằng: “Màu sơn của ngôi nhà là cái đập ngay vào mắt người ta, cần phải nghiên cứu rất kỹ. Cần cân nhắc với khu vực phố cổ, với biệt thự, nhà cũ. Phố cổ có nét thời gian, trầm tư và hoài niệm, biệt thự kiểu Pháp chỉ dùng vôi chứ không dùng sơn. Nhiều người đã “mông má” biệt thự làm mất đi vẻ đẹp của nó. Nay nếu không cẩn thận thì sẽ làm suy giảm giá trị di sản”.
Bên cạnh đó, theo văn bản của Sở Xây dựng Hà Nội, trong “công cuộc tút tát” lại các mặt tiền này, nhà công sở của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố quản lý sẽ được sử dụng ngân sách để thực hiện. Với quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước xen kẽ với sở hữu tư nhân do thành phố quản lý, việc chỉnh trang sẽ được chi từ ngân sách thành phố.
Còn với các tổ chức, cá nhân trên 75 tuyến phố này, sẽ phải tự bỏ tiền ra thực hiện. Xem ra cách “hưởng ứng” này hơi “khó vào”, và nếu “buộc phải tuân thủ” thì chắc cũng khiến người dân nảy sinh nhiều “tâm sự”! Nếu người dân không tuân thủ, mặt phố sẽ chỉ được sơn mới lỗ chỗ, vậy thì tác dụng của việc “ra quân” đồng loạt này sẽ tới đâu?
Chưa kể, nhiều ngôi nhà có chủ sở hữu hẳn hoi, việc tuyên truyền, thuyết phục các gia chủ như thế nào để mỗi người đều tự nguyện làm đẹp hơn cho “khuôn mặt cơ ngơi” của mình sao cho hài hoà giữa chủ trương chung và sở thích, điều kiện riêng, dường như cũng chưa mấy được coi trọng!
Hoàng Thi
Vui lòng nhập nội dung bình luận.