Dư nợ cho vay nhà ở xã hội không tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đến năm 2030

L. Anh Thứ bảy, ngày 04/01/2025 15:38 PM (GMT+7)
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu rõ, các ngân hàng thương mại không phải tính dư nợ cho vay các đối tượng thuộc Chương trình cho vay nhà ở xã hội vào chỉ tiêu tăng trưởng tín hằng năm.
Bình luận 0

Ngày 3/1/2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có công văn số 55/NHNN-TD gửi 09 Ngân hàng thương mại (bao gồm: Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, TPBank, Techcombank, VPBank, MB, HDBank)  về việc triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội và đề xuất của một số ngân hàng thương mại (NHTM) về việc bổ sung hạn mức tín dụng cho các NHTM tham gia Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (nhà ở xã hội) hoặc loại trừ dư nợ cho vay nhà ở xã hội khi tính hạn mức tăng trưởng tín dụng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có ý kiến về các vấn đề này.

Dư nợ cho vay nhà ở xã hội không tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đến năm 2030- Ảnh 1.

Dư nợ cho vay nhà ở xã hội không tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đến năm 2030.

Thứ nhất, Ngân hàng thương mại (NHTM) không phải tính dư nợ cho vay các đối tượng thuộc Chương trình cho vay nhà ở xã hội mà các NHTM đã đăng ký tham gia với NHNN (hiện nay là 145.000 tỷ của 9 NHTM) để thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm của các NHTM đã được NHNN thông báo. 

Thời gian thực hiện chính sách này tối đa đến năm 2030 và doanh số cho vay không vượt quá số tiền mà NHTM đã đăng ký tham gia Chương trình. Trường hợp NHTM nào không có nhu cầu thực hiện chính sách này thì có văn bản gửi NHNN (qua Vụ Tín dụng các nền kinh tế) trước ngày 15/01/2025 để theo dõi, tổng hợp.

Thứ hai, định kỳ hằng tháng, các NHTM tiếp tục báo cáo tình hình cho vay đối với khách hàng thuộc Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Công văn số 2308/NHNN-TD ngày 01/04/2023. NHNN yêu cầu các NHTM thực hiện nghiêm túc các cam kết tham gia Chương trình về lãi suất ưu đãi, thời gian cho vay phù hợp với đối tượng và mục đích vay vốn; quan tâm, phối hợp với các Dự án xây dựng đủ điều kiện cho vay để giải ngân kịp thời khi chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn; tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà ở xã hội tiếp cận vốn vay.

"Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị các Ngân hàng thương mại khẩn trương triển khai thực hiện", nhà điều hành nêu rõ.

Dư nợ cho vay nhà ở xã hội không tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đến năm 2030- Ảnh 2.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: media Quốc hội.


Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn Cà Mau về gói tín dụng cho vay công nhân cũng như người có thu nhập thấp theo chương trình Nhà ở xã hội

"Tư lệnh" ngành ngân hàng khẳng định, chương trình 1 triệu căn hộ đến năm 2030 là một chủ trương lớn và rất nhân văn. Đây là một chủ trương giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp nên cần phải được huy động từ rất nhiều các nguồn vốn mà đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Trong phiên thảo luận xã hội và trong phiên thảo luận về thị trường bất động sản rất nhiều đại biểu đã nêu là chương trình này cần phải huy động vốn của ngân sách nhà nước.

Để hưởng ứng chương trình này, Ngân hàng Nhà nước cũng đã báo cáo Chính phủ đưa vào Nghị quyết số 33 là các ngân hàng thương mại tự nguyện đưa ra một gói 120.000 tỷ đồng, đến tháng 11/2024 đã tăng lên 145.000 tỷ đồng. 

Theo chương trình này, vốn do các ngân hàng huy động từ người dân, lãi suất giảm khoảng từ 1,5 đến 2% so với mức lãi suất thông thường 3 năm đối với người có thu nhập thấp và 5 năm đối với chủ đầu tư. Tuy nhiên, giải ngân vốn này thì thấp và phụ thuộc vào các địa phương phải công bố các dự án mà đủ điều kiện tham gia chương trình này theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. 

Việc này là cho vay thông thường, cho nên khách hàng vay vốn vẫn phải đảm bảo đủ điều kiện vay vốn, trong bối cảnh COVID-19 tác động vẫn còn hệ lụy thì người bình thường đã rất khó khăn rồi huống chi là người có thu nhập thấp và công nhân thì lại càng khó khăn để đi vay để sở hữu một căn nhà. Cho nên, tại phiên thảo luận đó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã có dịp báo cáo, đây là giai đoạn mới đầu triển khai thì chưa tăng giải ngân được, nhưng theo thời gian, khi kinh tế khó bớt khó khăn thì có thể sẽ tăng giải ngân này.

"Thứ ba, Bộ Xây dựng cũng như là các địa phương thì cũng cần đánh giá xem là nhu cầu sở hữu nhà ở hay là nhu cầu đi thuê của người có thu nhập thấp để có thể đưa ra các giải pháp phù hợp, còn gói này thì chỉ là một phân khúc nhỏ. Xin báo cáo Quốc hội", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem