Bản đồ hiện trạng tổng hợp Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Bản Quy hoạch thực tế chưa được triển khai
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng thông tin, bản Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà được bắt đầu xây dựng từ tháng 5.2013. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) là cơ quan chủ trì nhưng UBND TP.Đà Nẵng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ trong quá trình xây dựng bản Quy hoạch này.
Theo đó, bản Quy hoạch này được phê duyệt ngày 9.11.2016, được chính thức công bố ngày 15.2.2017. “Bản Quy hoạch này chưa được triển khai trên thực tế” – Phó Thủ tướng nói.
Trước tháng 5.2013, thực tế có 18 Dự án phát triển du lịch trên bán đảo Sơn Trà được UBND Thành phố Đà Nẵng đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đã làm các bước, thậm chí có những dự án đã cấp phép. Trong số đó có 11 dự án có xây dựng cơ sở lưu trú, từ năm 2013 tới nay không cấp thêm dự án nào nữa.
“Có nghĩa tất cả các dự án trên bán đảo Sơn Trà đều đã được đồng ý chủ trương hay cấp phép trước khi bản Quy hoạch được lập. Việc quản lý, xây dựng các dự án này thuộc thẩm quyền và cũng là trách nhiệm giải quyết của Đà Nẵng", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị chưa triển khai bản Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Cũng theo ông Vũ Đức Đam, các dự án mà Đà Nẵng đã cấp phép, chấp nhận chủ trương có quy mô phòng lưu trú khoảng 5.000 phòng. Còn Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà quy định số phòng lưu trú giới hạn ở 1.600 phòng.
Tuy nhiên, ngay sau khi bản Quy hoạch được công bố, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã có kiến nghị và một nội dung quan trọng trong bản kiến nghị là giữ nguyên hiện trạng, không xây dựng thêm các cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà. Theo Hiệp hội này, trên bán đảo Sơn Trà chỉ nên có số cơ sở lưu trú hiện nay, tức là khoảng 300 phòng.
Tự nhận mình là “người ngoại đạo” và lần đầu tiên được chính thức nghe về Quy hoạch này, Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng việc xuất hiện những ý kiến khác nhau về Quy hoạch này có thể do công tác truyền thông chưa tốt và đề nghị, qua vụ việc này, các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng công tác thông tin cho công chúng và báo giới, tăng cường đối thoại để thông tin được đầy đủ, chính xác và công khai.
|
Trước việc này, để giải quyết kiến nghị của Hiệp hội, Thủ tướng đã giao Bộ VHTTDL, TP. Đà Nẵng báo cáo. Bộ VHTTDL, TP. Đà Nẵng sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo, làm việc với Hiệp hội, có mời các chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến lĩnh vực bảo tồn, môi trường để trao đổi trên một tinh thần khoa học trong đó sẽ lưu ý kinh nghiệm làm tốt trên thế giới đối với trường hợp tương tự.
“UBND TP. Đà Nẵng cần chủ động xem xét tất cả các vấn đề để có báo cáo chính thức với Thủ tướng về kiến nghị của Hiệp hội, báo cáo đó cần có kiến nghị rất cụ thể. Thay vì trước đây cấp phép là 10, bây giờ Hiệp hội giảm xuống 1 thì UBND TP. Đà Nẵng có chấp nhận không. Nếu không xuống 1 thì giảm xuống bao nhiêu, đương nhiên phải xuống dưới 3 phần như Quy hoạch rồi. Như tôi đã nói, nếu có đề nghị trên 1.600 phòng thì tôi cũng không chấp nhận” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thêm 3 tháng để tiếp thu ý kiến trước khi trả lời chính thức
Trước những kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ với TP.Đà Nẵng và cho Đà Nẵng thời gian thêm 3 tháng để tiếp thu ý kiến trước khi có câu trả lời chính thức.
“Trước 30.8, các đồng chí phải có văn bản chính thức trả lời, kiến nghị với Thủ tướng là có chấp nhận kiến nghị của Hiệp hội là giữ nguyên trạng, không xây dựng cơ sở lưu trú không, nói cách khác là có chấp nhận giảm tiếp nữa số phòng lưu trú trên bán đảo Sơn Trà không và giảm tới mức nào một cách cụ thể” – Phó Thủ tướng nói.
Cũng liên quan đến việc Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, Phó Thủ tướng đề nghị chưa triển khai Quy hoạch này để việc tiếp thu ý kiến được khách quan.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát tại vị trí quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà vào ngày 27.5. (Ảnh: P.V)
“Chúng ta cũng không lo ngại rằng trong 3 tháng tới, khi bản Quy hoạch này chưa được triển khai, thì liệu rằng các dự án đã được cấp phép trước đây sẽ ồ ạt làm để cho xong hết không. Bởi vì lãnh đạo Đà Nẵng đã thống nhất từ 16.5, tất cả mọi quyết định liên quan đến các dự án đều phải được thông qua Thường trực Thành ủy Đà Nẵng và đều được chúng ta giám sát. Tinh thần chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là bảo đảm phát triển kinh tế nhưng quan trọng là bảo đảm môi trường sinh thái. Sau khi các đồng chí báo cáo thì lúc đó Thủ tướng sẽ xem xét” – Phó Thủ tướng nói.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thêm lần nữa khẳng định: “Tinh thần của Thủ tướng, Phó Thủ tướng là rất cầu thị lắng nghe. Hơn nữa, chúng ta phải công khai, minh bạch bởi sự thật bao giờ cũng là sự thật. Nếu chúng ta làm đúng thì nhân dân, công luận sẽ đánh giá đúng".
Bản Quy hoạch được bắt đầu xây dựng từ tháng 5.2013 do Bộ VHTTDL chủ trì. TP. Đà Nẵng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ trong quá trình xây dựng bản Quy hoạch này. Bản Quy hoạch này được phê duyệt ngày 9.11.2016, công bố ngày 15.2.2017 và chưa được triển khai trên thực tế.
Trước tháng 5.2013, thực tế có 18 dự án phát triển du lịch trên bán đảo Sơn Trà được UBND Thành phố Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư, thậm chí đã cấp phép, nhưng từ năm 2013 đến nay không cấp thêm dự án nào nữa. Như vậy, tất cả các dự án trên bán đảo Sơn Trà đều đã được đồng ý chủ trương hay cấp phép trước khi bản Quy hoạch này được lập. Hơn nữa, với sự ra đời của bản Quy hoạch này, quy mô phòng lưu trú chỉ còn 1/3 so với trước đây.
Tuy nhiên, ngay sau khi bản Quy hoạch được công bố, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã có kiến nghị và một nội dung quan trọng trong bản kiến nghị là giữ nguyên hiện trạng (tức là khoảng 300 phòng đang được đưa vào sử dụng), không xây dựng thêm các cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà. Như vậy, Hiệp hội này kiến nghị chưa tới 1/10 so với con số 5.000 phòng trước đây.
Để giải quyết kiến nghị của Hiệp hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao và Bộ VHTTDL, TP. Đà Nẵng sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo, làm việc với Hiệp hội, có mời các chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến lĩnh vực bảo tồn, môi trường để trao đổi trên một tinh thần khoa học, trong đó sẽ lưu ý kinh nghiệm trên thế giới đối với trường hợp tương tự.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.