Phó Thủ tướng kêu gọi, doanh nghiệp giảm giá lợn hơi về 70.000 đ/kg
Phó Thủ tướng kêu gọi, doanh nghiệp giảm giá lợn hơi về 70.000 đ/kg
Khương Lực
Thứ hai, ngày 30/03/2020 15:22 PM (GMT+7)
Ngày 30/3, 15/15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn đã đồng loạt giơ tay đồng ý giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4 khi được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kêu gọi.
Đánh giá việc đồng thuận giảm giá lợn hơi của các doanh nghiệp lần này, Phó Thủ tướng khẳng định, đây không chỉ là vấn đề về kinh tế mà còn là trách nhiệm chính trị, văn hóa, đạo đức đối với người dân.
"Trong đại dịch Covid-19, nhiều người dân mất việc làm, lại phải mua giá thịt lợn cao thì đời sống khó khăn. Đa số người trong số họ lại là người làm công ăn lương" - Phó Thủ tướng nói.
Giá cao: do thiếu nguồn hay khâu trung gian?
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến nhận định, việc giá lợn tăng cao và duy trì trong một thời gian dài là do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh tả lợn châu Phi.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, năm 2019 tổng đàn lợn trung bình giảm 11,5% so với năm 2018, tổng số lượng xuất chuồng giảm 20,1% so với năm 2018.
"Trong quý I/2020, dự tính tổng thịt lợn trong nước cung ứng ra thị trường giảm 21,8% so với cùng kỳ 2019. Tổng đàn lợn của cả nước hết tháng 2/2020 đạt 22,5 triệu con, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước" - ông Hải nêu rõ và cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến giá lợn bị đẩy lên cao trong thời gian qua.
Đồng tình với nhận định này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, từ cuối năm 2019 đến nay giá thịt lợn hơi tăng quá cao. Hiện nay, mức giá trung bình khoảng 82.000-83.000 đồng/kg lợn hơi, thậm chí có nơi 85.000 đồng/kg.
"Việc tăng giá vừa qua là do nguồn cung, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, dù đang tái đàn nhưng chưa đáp ứng được nên giá tăng. Đây là nguyên nhân chính" – Phó Thủ tướng khẳng định.
Để bù đắp nguồn cung thịt lợn thiếu hụt, các bộ ngành đang tập trung thúc đẩy tái đàn và tăng lượng thịt nhập khẩu. Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu hơn 39.191 tấn, tăng 312% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó nhập khẩu từ Canada 25,81%, Đức 20,59%, Ba Lan 13,77%, Braxin 9,68%, Hoa Kỳ 7,65%, Liên bang Nga 2,62%...
Hiện nay, có tới 99% số xã có bệnh dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày. Trong tháng 3, không có ổ dịch mới nào phát sinh, chỉ có 2.114 con tại các ổ dịch cũ buộc tiêu hủy. Dự báo trong tháng 3/2020 tiêu hủy gần 3.000 con lợn. Đây là điều kiện thuận lợi để công bố hết dịch, để tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn.
Tính đến ngày 10/3, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, bằng gần 74% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (khoảng 31 triệu con vào tháng 12/2018).
"Từ tháng 1/2020, các địa phương đã có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn, với tổng đàn lợn vào đầu tháng 3/2020 đạt gần 24 triệu con (tăng hơn 2 triệu con so với tháng 12/2019); tốc độ tăng đàn bình quân 3 tháng đầu năm 2020 tăng 6,2%. Đáng chú ý, 15 doanh nghiệp lớn đang có tốc độ tái đàn rất nhanh, đạt trên 17%" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến thông tin.
Dù đồng thuận giảm giá thịt lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg từ 1/4, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn các bộ, ngành phải có cách thức kiểm soát khâu trung gian để người dân được hưởng lợi từ việc giảm giá thịt lợn.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, giá lợn xuất chuồng tại cổng trại của các doanh nghiệp dù ở mức 70.000 đồng/kg, nhưng khi bán ra ngoài thì giá có thể cao hơn 10.000 đồng/kg. Đặc biệt, thịt bán tại các chợ, cửa hàng vẫn ở mức cao từ 120.000 -150.000 đồng/kg.
Lý giải về việc doanh nghiệp bán 70.000 đồng/kg thịt lợn hơi nhưng ra thị trường thì đội lên 75.000-83.000 đồng/kg, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng là do các thương lái phải chi phí cho công vận chuyển, rồi hao hụt… Tính ra, bình quân họ phải bỏ ra chi phí từ 5.000-10.000 đồng/kg.
Dù vậy, ông Đỗ Thắng Hải cho biết sẽ gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về vấn đề cạnh tranh không lành mạnh.
"Hiện chưa có doanh nghiệp nào có thị phần trên 30%. Nhưng lưu ý ở khu vực phía Nam Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam đang chiếm tới 56,3%" – ông Hải nói.
Thúc đẩy tái đàn là giải pháp tốt nhất
Cùng với việc đồng hành cùng Chính phủ trong giảm giá thịt heo, các doanh nghiệp cũng thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp để phát triển bền vững ngành hàng thịt lợn có giá trị khoảng 10 tỷ USD.
Hiện nay, thịt lợn vẫn chiếm 65-70% trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Chính vì thế, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường mong muốn các doanh nghiệp hiến kế để tái đàn nhanh, an toàn. Đồng thời, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển ngành chăn nuôi lợn hiện đại, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và hướng tới xuất khẩu.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây ngành chăn nuôi lợn phải đối mặt với khó khăn liên tiếp. Năm 2017, giá lợn rớt mạnh, có thời điểm giá bán chỉ bằng 50% giá thành, nhiều doanh nghiệp phải phá sản. Đến năm 2019, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế, các doanh nghiệp thúc đẩy tái đàn và giá cả phục hồi nên đã lấy được chút ít. Tuy nhiên, ông So lo ngại việc thúc đẩy tái đàn mà quản lý không tốt thì sớm muộn chúng ta lại phải giải cứu thịt lợn.
"Khi dư thừa nguồn cung do tăng đàn quá nóng, chúng ta loay hoay tìm hướng xuất khẩu nhưng không tìm ra" – ông So nói và lo lắng việc đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn hiện nay không phải là giải pháp thuyết phục, lợi bất cập hại và có thể gây bất ổn ngành chăn nuôi lợn.
Để phát triển ngành chăn nuôi lợn bền vững, ông So cho rằng việc thúc đẩy tái đàn phải gắn với chế biến, giết mổ tập trung và đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng vào các doanh nghiệp lớn, chăn nuôi quy mô công nghiệp, hiện đại tham gia mở chuỗi giá trị khép kín.
Cùng với đó, Chính phủ cần đưa mặt hàng thịt lợn vào danh mục hàng bình ổn hoặc dự trữ quốc gia, đồng thời đưa vào mặt hàng được bảo hiểm nông nghiệp. "Hiện nay, chính sách không ít nhưng thực sự không thân thiện, đồng bộ, khả thi và trúng đích" – ông So nói.
Đại diện doanh nghiệp Mavin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần ban hành Nghị định chuyên về phát triển chăn nuôi lợn, trong đó đưa ra các chính sách toàn diện để phát triển về vốn, đất đai, vùng an toàn dịch bệnh và hướng tới chăn nuôi lợn phục vụ xuất khẩu trong tương lai.
Tăng mạnh đàn lợn, nhưng không để mất cân đối cung – cầu
Việc giảm giá thịt lợn là trách nhiệm không chỉ về mặt kinh tế mà con về mặt văn hóa, chính trị, đạo đức và trách nhiệm đối với cuộc sống của người dân. Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành chăn nuôi hiện nay là giảm giá thành sản xuất về mức hợp lý để đảm bảo lợi ích của người dân, người chăn nuôi và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính vì vậy, tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 23/3, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo yêu cầu triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm đưa giá thịt lợn xuống 60.000 đồng/kg lợn hơi. Thủ tướng yêu cầu rất cao như vậy; từ đó đặt ra nhiệm vụ chúng ta phải làm gì để giảm giá thịt lợn như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và cũng là mong muốn của người dân.
Muốn vậy, yêu cầu Bộ NNPTNT phải phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng kế hoạch phát triển ngành chăn nuôi bền vững, trong đó có chăn nuôi lợn.
Phải tăng mạnh đàn lợn trong thời gian tới, nhưng không được làm mất cân đối cung - cầu, tức là đảm bảo nguồn cung nhưng không làm cung quá tăng so với cầu trong giai đoạn trung và dài hạn. Đấy là bài toán khó, lâu dài chúng ta phải thực hiện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.