Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: "Không chủ quan", "làm tất cả" để giảm thiểu thiệt hại khi siêu bão số 3 đổ bộ
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: "Không chủ quan", "làm tất cả" để giảm thiểu thiệt hại khi siêu bão số 3 đổ bộ
Minh Ngọc
Thứ năm, ngày 05/09/2024 18:10 PM (GMT+7)
Trước phạm vi, quy mô và mức độ ảnh hưởng của siêu bão số 3 Yagi, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương không "chủ quan", nêu cao tinh thần chủ động ứng phó với phương châm "làm tất cả" để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân khi bão đổ bộ vào đất liền.
Chiều nay, ngày 5/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với 28 tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành liên quan ứng phó với siêu bão số 3 Yagi.
"Làm tất cả" đề ứng phó với siêu bão số 3 Yagi
Trước đường đi và mức độ ảnh hưởng của siêu bão số 3 Yagi, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho hay đây là cơn bão khó dự báo. Trên đường tiến vào Biển Đông, bão gặp những điều kiện thuận lợi để "tiếp thêm năng lượng" trở thành siêu bão. Thực tế, bão đã tăng mấy cấp độ trong 24 giờ qua.
Dù bão mạnh, lãnh đạo Phó Thủ tướng cho rằng, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc ứng phó bão, với cơ quan thường trực là Bộ NNPTNT. “Tôi đánh giá cao điều này. Các cơ quan, tổ chức đều có kinh nghiệm dày dạn”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Để phòng chống hiệu quả hơn nữa, Phó Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác dự báo, nhất là việc thông tin cho người dân. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ví dụ, cần làm cho người dân hiểu cấp 12 là mạnh như thế nào, cấp 15, 16 sẽ ra sao. Không thể bó buộc dự báo chỉ bằng số liệu. Đây cũng là cơ sở để lực lượng, cứu hộ, cứu nạn phối hợp làm việc.
Ngoài dự báo về bão, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai lưu ý thêm về dự báo thủy văn, bởi đây là yếu tố có thể ảnh hưởng tới hướng di chuyển, tốc độ, cũng như hoàn lưu của bão.
Yếu tố nữa được Phó Thủ tướng nêu là sự phối hợp giữa các lực lượng liên quan. “Các bên đều có phân công nhiệm vụ rõ ràng. Các cấp, từ lãnh đạo, đều phải nêu cao tinh thần chủ động. Sai ở đâu phải quy rõ trách nhiệm”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý về hoàn lưu bão số 3, với sức gió mạnh, tầm ảnh hưởng rộng cũng là vấn đề rất nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân. Bởi khi ấy, tình trạng ngập úng, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra. Ông yêu cầu cơ quan khí tượng gấp rút làm bản đồ về lũ, gửi cho địa phương, tránh ảnh hưởng đến các công trình giao thông.
Phó Thủ tướng cho rằng, cần đánh giá kỹ lưỡng và đưa ra cảnh báo về các điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, từ đó chủ động di dời người dân đến nơi an toàn. Thậm chí có thể áp dụng biện pháp "cưỡng chế" nếu người dân không chịu di dời.
Phó Thủ tướng đồng tình với phương châm của Bộ NNPTNT, về việc thành lập đoàn trực tiếp thị sát các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão. Đồng thời, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cơ quan thường trực phối hợp chặt với địa phương, giúp người dân phòng ngừa, tránh tổn thất về tài sản, cũng như con người khi ứng phó bão số 3.
Trước phạm vi, quy mô và mức độ ảnh hưởng của siêu bão số 3 Yagi, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương không "chủ quan", nêu cao tinh thần chủ động ứng phó với phương châm "làm tất cả" để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân khi bão đổ bộ vào đất liền.
Chỉ còn 24 tiếng đồng hồ ứng phó với bão số 3
Nhấn mạnh cơn bão số 3 hiện đã trở thành “siêu bão” với phạm vi ảnh hưởng rộng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan kiến nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo thêm các địa phương hành động khẩn trương.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, sau 10 năm, Đồng bằng sông Hồng lại đón 1 cơn bão lớn. Đường đi bão ổn định, mọi dự báo đều trùng khớp về cường độ, mức độ cảnh báo rủi ro. Đặc biệt, vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lại là khu trung tâm của kinh tế, công nghiệp… Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan và đơn vị cần hành động nhanh chóng và chuẩn bị tốt để ứng phó kịp thời với tình hình bão.
Bộ trưởng cho hay, tại Hà Nội, các cơ quan địa phương cần khẩn trương vào cuộc để chuẩn bị tốt các biện pháp nhằm tránh tổn thất các hạ tầng sản xuất và các vùng trọng điểm. Ngoài ra, tăng cường lực lượng đến các địa phương và các tỉnh để hạn chế tối đa thiệt hại.
Đối với các tỉnh và thành phố, cần có các phương án cấm biển, ngừng chợ và hoạt động mua bán, giao thông để đảm bảo mức độ an toàn cao nhất cho người dân. Các tỉnh cần sớm kiểm tra các điểm tránh trú bão của tất cả bà con địa phương, quân đội và sự an toàn của du khách để đảm bảo danh tiếng về ngành du lịch nước ta.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thông tin, ngày 6/9, Bộ sẽ tổ chức đoàn đi kiểm tra công tác ứng phó siêu bão Yagi tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh… Bộ sẽ cùng các địa phương chuẩn bị công tác ứng phó, nắm bắt để sẵn sàng đưa ra các chính sách hỗ trợ khi cần thiết.
Riêng tỉnh Quảng Ninh, vùng khai thác than hầm lò nhiều, dễ bị tác động của bão, đề nghị tỉnh làm tất cả những việc có thể làm để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Ở kịch bản xấu hơn, bố trí đủ lực lượng cứu hộ, cứu nạn để nhanh chóng khắc phục hậu quả.
Dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn các bộ, ban ngành sẽ cùng nhau vượt qua cơn bão số 3 và có thể củng cố tốt lực lượng để ứng phó với các cơn bão tiếp theo.
“Với cường độ gió mạnh như dự báo thì sức tàn phá của bão số 3 sẽ rất lớn. Do đó, phải đặt ra các kịch bản khác nhau, không chờ công điện chỉ đạo từ trên, các địa phương cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, chỉ đạo hoạt động sinh sống và sản xuất của người dân. Hy vọng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, chúng ta sẽ vượt qua bão số 3 an toàn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, các bộ, ngành địa phương chỉ còn chưa đầy 24 giờ để chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó. Do đó, ngay từ bây giờ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi phải ưu tiên những việc giúp ích trực tiếp cho người dân, nhất là tại vùng tâm bão đi qua tại Quảng Ninh, Hải Phòng.
Cân nhắc kỹ thời điểm cấm bay
Thông tin tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết, tùy thuộc vào diễn biến của bão số 3, ngành giao thông sẽ có phương án cụ thể chằng, buộc, gia cố tại các công trình đang thi công. “Ngành giao thông vận tải đã lên phương án ứng phó sau khi bão tan”, ông Sang nói.
Với lĩnh vực hàng hải, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang thông tin, Cục trưởng Cục Hàng hải vừa đi kiểm tra một loạt các tỉnh ven biển khu vực phía Bắc, nhằm phối hợp với địa phương lên kịch bản cấm biển, cũng như chốt chặn các tàu xa.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đặc biệt lưu tâm đến ngành hàng không. Ông cho biết, sẽ cân nhắc kỹ thời điểm cấm bay, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên, cũng như kịp thời nối tuyến ngay khi điều kiện thời tiết cho phép.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.