“Chúng ta xách một xô nước đi từng bước một đã khó mà phải vừa xách vừa chạy theo người khác càng khó hơn, nhưng ta vẫn phải làm. Giáo dục cũng vậy. Đã nhiều đêm tôi mất ngủ khi nghĩ về vấn đề đổi mới của ngành giáo dục. Sẽ rất khó nhưng vẫn phải làm, làm một cách quyết liệt nhất”.
Đó là những chia sẻ của Phó Thủ tướng
Vũ Đức Đam tại Hội nghị Quán triệt Nghị quyết Trung ương khóa XI và tổng kết năm học 2012 – 2013 các trường ĐH-CĐ, tổ chức ngày 28.12.2013.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi đối thoại với 650 sinh viên ưu tú về dự Đại hội đại biểu Hội Sinh viên toàn quốc lần thứ 9.
“Từ khi được giao nhiệm vụ phụ trách mảng giáo dục, tôi đã dành rất nhiều thời gian tiếp xúc nói chuyện với các lãnh đạo Bộ về các chủ trương, chính sách phát triển giáo dục mới. Quả thực đã rất nhiều đêm tôi mất ngủ và suy nghĩ rất nhiều về vấn đề giáo dục”- Phó Thủ tướng tâm sự.
Ông Vũ Đức Đam cũng cho rằng, yêu cầu của việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là việc rất quan trọng cần phải làm ngay, làm tức khắc và làm quyết liệt. Giáo dục liên quan đến rất nhiều vấn đề và thành phần xã hội, vì vậy Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bất kỳ một thay đổi nhỏ nào cũng phải được nghiên cứu cẩn trọng, nhanh nhưng không vội, không “câu dầm kéo lui” nhưng hết sức bình tĩnh.
“Hiện nay đất nước đang trong thời kỳ hội nhập, trong các diễn đàn quốc tế vị thế của chúng ta đã được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, khoảng cách về giáo dục của chúng ta so với nhiều nước trong khu vực vẫn không theo kịp, so với các nước trên thế giới càng thua xa” – Phó Thủ tướng bày tỏ.
Phó Thủ tướng nhận định: Hiện nay, chúng ta đang đứng trước thách thức đòi hỏi phải đổi mới lên một tầm cao khác, nếu không làm, nhất định thua. Cái thua của ngày trước là 10 đã đáng sợ, bây giờ chỉ cần thua 1 đã bằng 10 lần thua ngày xưa. Trong giáo dục, kỳ vọng nhất là giáo dục ĐH, đây là nôi đào tạo gần nhất với nguồn nhân lực mà xã hội sẽ sử dụng.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kể lại câu chuyện mình đã trải nghiệm khá thú vị về chiếc ổ cắm đa năng để lấy hình ảnh so sánh với một nền giáo dục có thể hội nhập quốc tế:
“Ngày trước khi tôi và rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè ra nước ngoài công tác thường “tiết kiệm” tiền bằng cách mang theo bàn là ủi quần áo trong khách sạn. Nhưng bàn là của mình không cắm được vào ổ của khách sạn vì không tương thích. Có trường hợp cố tình cắm gây chập điện cả khách sạn.
Sau đó, có người mách mua tặng cái ổ cắm đa năng, phích nào cũng cắm được. Ổ cắm đấy hồi xưa rất quý mỗi khi đi công tác nước ngoài. Bây giờ thì trong nước đã sản xuất và sử dụng rất nhiều. Cái USB cũng là một sản phẩm độc đáo, có thể cắm vào bất kỳ máy tính nào để lấy dữ liệu.
Nếu
muốn đột phá cần đổi mới quản lý giáo dục, đổi mới ngay từ Bộ GDĐT. Đổi
mới theo đúng nghĩa thì nhiều trường ĐH sẽ bị động chạm, các đồng chí
phải chuẩn bị tinh thần trước những đổi mới đó”. Phó Thủ tướng Vũ Đức
Đam
|
“Tôi cứ nghĩ mãi, nền giáo dục của chúng ta cũng đã, đang và sẽ phải tiếp xúc với nhiều nước, nhiều trường phái giáo dục trên thế giới. Phải làm thế nào để đưa tất cả về một chuẩn – theo chuẩn quốc tế. Để học sinh, sinh viên của ta đi đến bất cứ nước nào cũng có thể học tiếp và hội nhập một cách dễ dàng.
Tất nhiên, điều đó cần phải có lộ trình, nhưng chúng ta phải hướng tới và có quyết sách để thực hiện. Nếu chúng ta xách một xô nước đi từng bước một đã khó mà phải vừa xách vừa chạy theo người khác càng khó hơn, khó nhưng ta vẫn phải làm” – Phó Thủ tướng khẳng định.
Nhận định về đội ngũ giảng viên, giáo viên, Phó Thủ tướng cho biết: “Chưa nói đến chất lượng thật, chỉ nói đến tỷ lệ giáo sư, tiến sĩ, giảng viên, giáo viên trên học sinh cũng bất cập rồi. Ngay giáo sư chúng ta phong bây giờ có bao nhiêu đồng chí có những nghiên cứu đăng trên các tạp chí thế giới? Có bao nhiêu đồng chí có thể giảng bài bằng tiếng Anh? Nếu chúng ta không nhìn vào những thực tế này thì giải pháp của chúng ta ở trên sẽ khó có thể thành công”.
Phó Thủ tướng chia sẻ thêm, nhiều nước phát triển trên thế giới, học sinh có thể tự lựa chọn loại trường, loại hình giáo dục cho mình thì thi thế nào không quan trọng. Vào trường rồi, có giảng viên tốt, cách học tốt... thì không cần quan tâm đến đầu vào như thế nào nữa? Ai không học được tự bị đào thải, không ra trường được. Còn ta vào thì khó, nhưng đã vào rồi thì kiểu gì cũng ra được.
Nguyễn Thiêm (Nguyễn Thiêm)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.