Phố Wall lừa bán rủi ro

Thứ ba, ngày 02/07/2013 06:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một cuộc điều tra của Ủy ban Chứng khoán và hối đoái Mỹ (SEC) lần đầu tiên tiết lộ các phương pháp mà ngân hàng đầu tư Thụy Sỹ UBS sử dụng để lừa bán các tài sản chứng khoán nợ xấu cho các thành phố Đức, điển hình là Leipzig. Vụ việc có thể mở ra một scandal tài chính mới trên toàn cầu.
Bình luận 0

Khi bị SEC triệu tập phỏng vấn ngày 20.9.2012, nhà ngân hàng Mỹ John Simon thậm chí không thể phát âm tên của vị khách hàng Đức Kommunale Wasserwerke Leipzig. Ông cho rằng điều đó không có gì ngạc nhiên, vì hầu như không ai ở Mỹ đã nghe cái tên này.

img
Trụ sở UBS ở Mỹ

Đến chiều hôm sau, sau khi bị thẩm vấn 12 giờ, Simon biết mình đã nhầm. Luật sư của SEC là Andrew H. Feller trong thực tế đã tường tận mọi việc, biết Simon đã gặp ai tại New York, London và Nam Phi. Luật sư của SEC thậm chí có thể phát âm chính xác tên của công ty cấp nước cho thành phố Leipzig. Trước đó, Feller đã mất hai năm điều tra các phương pháp Simon đã sử dụng để phát triển các giao dịch rủi ro liên quan đến các nhà máy xử lý nước ở bang Saxony cho UBS, một ngân hàng lớn ở Thụy Sỹ. Điều đó dẫn đến việc Leipzig phải đối mặt với thiệt hại tiềm năng là 300 triệu bảng (400 triệu USD), gia nhập hàng ngũ của nhiều thành phố Đức đã bị mất rất nhiều tiền vì những giao dịch phức tạp của Phố Wall.

Đã có nhiều hồ sơ tòa án điều tra làm sao các chính trị gia địa phương ở Đức bị “lạc đường” trong thị trường tài chính toàn cầu. Điều tra của SEC đưa ra một bức tranh toàn diện hơn và làm sáng tỏ vai trò đáng ngờ của các ngân hàng. Khi SEC ở Washington kết luận điều tra, được biết đến với hồ sơ số 11728, có khả năng sẽ dẫn đến việc đánh giá lại hành động của các thành phố Đức trước và trong cuộc khủng hoảng tài chính.

Có phải các quan chức thành phố bị lừa?

Về những thua lỗ của các thành phố liên quan đến những giao dịch tại Phố Wall, quan điểm phổ biến hiện nay là các chính trị gia và lãnh đạo thành phố chỉ có thể tự trách mình. Vừa lơ ngơ vừa tham lam, họ đã mua các sản phẩm tài chính mà họ chưa hiểu được tên chúng cũng như những rủi ro chúng có thể mang lại khi đầu tư vào.

Bây giờ mọi chuyện lòi ra là các nhà ngân hàng toàn cầu đã phát triển các chiến lược mạnh mẽ hòng xử lý các tài sản chứng khoán độc hại bằng cách bán chúng cho các thành phố của Đức. Có vẻ như các ngân hàng cố tình nhắm “con mồi” là những nhà lãnh đạo cấp tỉnh/thành phố thiếu kinh nghiệm để bán các khoản tài sản xấu theo cách chỉ các nhà băng có lợi.

img
Các nhà ngân hàng UBS và đối tác ăn mừng chiến thắng ở châu Phi

Các tài liệu nội bộ ngân hàng và hồ sơ tòa án cho thấy ngay trước khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu, UBS đã bán các loại chứng khoán khó tính toán rủi ro cho thành phố Leipzig, kiếm được một khoản lợi nhuận đáng kể. ”Các giao dịch chỉ phục vụ cho mục đích của các ngân hàng và những tên lừa đảo” - theo Thị trưởng Leipzig Burkhard Jung, một thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD).

Nếu SEC có thể chứng minh các ngân hàng đã hành động gian lận, ngân hàng đầu tư khác cũng có thể phải đối mặt với hậu quả từ những giao dịch vừa qua. Ở Berlin, JP Morgan vừa tuyên bố đạt được một thỏa thuận tương tự với cơ quan giao thông công cộng của thành phố, trị giá 155 triệu bảng. Đối với các giao dịch rủi ro liên quan đến các công ty xử lý nước ở Leipzig, UBS có thể sẽ bị phạt nặng. Trong khi đó, thành phố Leipzig có thể không cần phải trả 300 triệu bảng mà UBS tìm cách lấy lại trong một vụ kiện chống lại thành phố.

Lòng tham của lãnh đạo thành phố

Câu chuyện bắt đầu vào cuối những năm 1990, khi các chính trị gia địa phương và các nhà lãnh đạo thành phố phát hiện chủ nghĩa tư bản cấp tiến, cùng với khả năng mang lại của cải dường như vô tận của nó, trong đó đáng chú ý là việc cho thuê qua biên giới.

Trong các giao dịch, các thành phố bán cơ sở hạ tầng cho các nhà đầu tư tài chính Mỹ, sau đó lại thuê lại các cơ sở này. Nó đơn thuần là một giao dịch kế toán với hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên, hoặc ít nhất là có vẻ như vậy. Các nhà đầu tư được hưởng lợi nhờ giảm được nghĩa vụ thuế tại Mỹ, và họ chuyển một phần lợi ích này cho thành phố dưới hình thức "lợi ích giá trị tiền mặt”.

Leipzig là một thành phố rất tích cực trong “trò chơi” này. Đầu tiên, các quan chức thành phố bán trung tâm hội nghị, tiếp theo là hệ thống xe điện. Mạng lưới thoát nước và nhà máy xử lý nước thải cũng được nhắm bán cho các nhà đầu tư Mỹ.

Chuyển động nhanh hơn nước

Klaus Heininger là người bị cuốn hút đặc biệt bởi mô hình kinh doanh này. Người đứng đầu Kommunale Wasserwerke Leipzig (KWL) đã chuyển đến Leipzig từ Bavaria. Những nhà quản lý tự tin, chấp nhận rủi ro như Heininger rất được ưa chuộng vào thời điểm đó. Nhưng Heininger sớm nhận ra rằng cách kinh doanh truyền thống trong việc quản lý cấp nước cho thành phố không còn hấp dẫn. ”Chúng ta phải chuyển động nhanh hơn nước” là phương châm của ông.

Từ năm 2000, ông bắt đầu trò chơi với hàng trăm triệu euro. Các ngân hàng, quỹ tín thác và công ty nước ngoài trên toàn thế giới đã tham gia vào việc kinh doanh bao gồm mua, bán và cho thuê lại mạng lưới cấp thoát nước Leipzig. Hoạt động này lúc đầu khá thuận lợi, mang về cho Leipzig tới 22 triệu bảng doanh thu.

Trong khi đó tại New York, các nhà quản lý tài chính bắt đầu phát triển những ý tưởng mới để giữ hoạt động kinh doanh hấp dẫn với các thành phố châu Âu được tiếp tục. Simon là một trong hàng trăm người đàn ông quyết đoán ở Phố Wall đã tham gia vào việc này. Khi đó chưa xảy ra khủng hoảng, và mọi thứ, kể cả các sản phẩm tài chính vô lý, đều hứa hẹn sẽ phát triển thành giao dịch rất lớn. Một cựu đối tác kinh doanh gọi Simon là ”một anh chàng mát tay có thể kiếm được một thỏa thuận tốt trong chớp nhoáng, một người hàm ý 30 triệu USD khi mở miệng nói 30 đô”.

Simon đã đi học trường luật vào đầu những năm 1990. Sau đó, khi vào làm việc cho Ngân hàng đầu tư Credit Suisse First Boston, ông đã thiết lập thỏa thuận cho thuê qua biên giới với các thành phố châu Âu cho các nhà đầu tư Mỹ. Ông nhảy qua UBS vào năm 2002, và cũng tiếp tục công việc cũ.

Nhưng thời hoàng kim của hoạt động cho thuê qua biên giới đã qua. Chính phủ Hoa Kỳ đã đóng cửa các kẽ hở thuế trong năm 2004, làm cản trở giao dịch mới với các thành phố châu Âu.

Ngân hàng chuyển rủi ro

Simon và cơ quan của ông đã phát triển một mô hình kinh doanh mới, được gọi là "Matilda". Các ngân hàng đầu tư nhắm vào những thỏa thuận hiện hữu với khách hàng châu Âu để bán sản phẩm tài chính mới: tín dụng phái sinh đặc biệt để tự bảo hiểm đối với các hợp đồng cho thuê cũ.

Với UBS, loại giao dịch này có một số lợi ích. Một mặt, nó mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân hàng từ hoa hồng và phí. Bên cạnh đó, nó cho phép UBS sử dụng các sản phẩm đó để loại bỏ các rủi ro của ngân hàng liên quan đến các thành phố.

Tất cả Simon cần là khách hàng, những người ông có thể đặt vào tay các sản phẩm có nguy cơ cao, mà trong thực tế là những quả bom nổ chậm chứ không phải chính sách bảo hiểm. Nhà quản lý của UBS biết ai có thể giúp mình: 2 nhà ngân hàng đầu tư của Đức, những người mà ông đã thiết lập thỏa thuận cho thuê qua biên giới khi còn ở Credit Suisse First Boston. Nay họ đã thành lập một công ty nhỏ bí mật ở Thụy Sỹ có tên Value Partners.

Ngày 10.4.2006, Simon đã viết email đầu tiên của mình về dự án Matilda cho Value Partners. Ông cho biết UBS muốn cung cấp tín dụng phát sinh đặc biệt được gọi là Nghĩa vụ nợ thế chấp (CDO) trong bối cảnh thuê qua biên giới. Các CDO có thể dùng như một chính sách bảo hiểm nếu có những vấn đề với các cơ sở của thành phố đã được bán và cho thuê lại.

Phần tốt nhất của nó là ban đầu khách hàng không chịu phí tổn gì cả, mà thực tế còn có lợi nhuận - bù lại họ phải bảo hiểm rủi ro cho ngân hàng. Hai người Đức không mất nhiều thời gian để tìm cho Simon một khách hàng tiềm năng. Trong một email ngày 19.4, họ đã viết thư cho Heininger của KWL, người họ đã quen từ giao dịch cho thuê trước đó. Để “dụ dỗ”, họ nói với Heininger về biện pháp “tối ưu hóa” hợp đồng thuê hiện tại.

Ngay sau đó, Value Partners đã báo cáo các tín hiệu tích cực từ Leipzig: "Khách hàng của chúng tôi rất quan tâm đến việc kiếm thêm tiền - vì vậy hãy chắc chắn rằng các đồng nghiệp của ông định giá cạnh tranh và nhanh chóng", một trong những email với Simon viết. Simon nhanh chóng thông báo cho các đồng nghiệp của mình rằng nếu UBS đã đạt được một thỏa thuận, khách hàng sẽ kiếm được từ 22-28 triệu USD, và đó là “chi phí tương tự cho công ty”. Công ty ở đây hàm ý là UBS.

Mọi việc sau đó diễn ra khá nhanh chóng. Vào đầu tháng 5.2006, Heininger đã tham dự một cuộc họp tại chi nhánh của UBS ở London, Simon cũng bay từ New York đến để tham dự cuộc họp.

Vạc dầu phù thủy của UBS

Paul Valota, được xem như “phù thủy” nội bộ của UBS, đã chủ trì phần thuyết trình. Dù Valota và các đồng nghiệp ở UBS có đề cập đến rủi ro, nhưng chỉ nói với giọng điệu khiến người nghe tưởng chừng như nó rất xa vời, Heininger nhớ lại.

Nhưng mọi thứ không phải quá suôn sẻ. Chẳng hạn, các luật sư của KWL cho rằng những rủi ro tài chính là quá lớn. Nhưng các nhà ngân hàng UBS không đồng ý, cho rằng các sản phẩm tài chính đã được cấu trúc theo cách như vậy là tốt cho cả hai bên. Tuy nhiên, trong một email nội bộ cho các đồng nghiệp, Valota viết "UBS sẽ hưởng lợi nhiều nhất nếu khách hàng bị lỗ”.

Ngoài ra còn có sự phản kháng ngày càng tăng trong các ngân hàng. Bộ phận kiểm toán cho vay UBS đã phủ quyết việc này, cho biết họ nghi ngờ khả năng đánh giá rủi ro của các khách hàng Đức, và lo sợ "nguy cơ tổn hại danh tiếng của UBS trong trường hợp thiệt hại". Tuy nhiên, Simon đã gây áp lực trong ngân hàng, đưa cấp trên của mình ra để “dọa” và thuyết phục các đồng nghiệp rằng các nhà ngân hàng phải chịu trách nhiệm cho các sản phẩm rủi ro.

Kiểm toán ngân hàng bị thuyết phục

Các quản lý UBS ở Đức cũng vận động cho thỏa thuận này. "Dựa trên tất cả mọi thứ chúng ta biết, đây là một giao dịch phù hợp" - một nhân viên phụ trách giao dịch ở ngân hàng UBS Frankfurt viết như vậy trong một email tới London. Nhưng các chi nhánh Frankfurt lúc đó đã không thể thu thập được đầy đủ thông tin, vì họ hồi đáp các nhà ngân hàng London chỉ sau 3 phút nhận được yêu cầu nêu ý kiến.

Nhưng kiểm toán viên của ngân hàng vẫn không bị thuyết phục, vì vậy Simon và các cộng sự của mình đã chơi con át chủ bài cuối cùng. Họ nhờ các nhà môi giới Value Partners làm chứng (giả) rằng họ đã tự phát triển thỏa thuận và mời chào với KWL, và rằng họ đã cho KWL biết tất cả rủi ro liên quan. Chỉ khi đó Value Partners mời liên hệ UBS để bàn thỏa thuận với Heininger.

Ngày 8.6.2006, một trong các đối tác ở Value Partners ký chứng thực tuyên bố giả trên, đủ để đặt sang một bên phản đối từ các kiểm toán viên của UBS. Như vậy UBS không còn chịu trách nhiệm về thỏa thuận nguy hiểm, ít nhất là trên giấy. Vài phút sau, thỏa thuận hoàn tất. Giao dịch đầu tiên trong 4 giao dịch CDO với KWL đã được ký kết tại London.

Ông chủ của Simon hài lòng. ”Thay mặt quản lý ở đây, chúng tôi cảm ơn ông” - một nhà ngân hàng đầu tư cao cấp của UBS viết cho Simon một ngày sau đó. Một giám đốc ngân hàng khác thậm chí đã suy nghĩ về dự án tiếp theo: ”Xin vui lòng cho chúng tôi kết nối với Value Partners và tham gia vào các giao dịch tương lai”.

Hai tuần sau khi thỏa thuận được ký kết, UBS chuyển 21 triệu USD vào một tài khoản tín dụng Mỹ cho KWL. Value Partners được ủy quyền đối với tài khoản này. Cùng ngày, các cố vấn của Value Partners chuyển 3,2 triệu USD cho một công ty nước ngoài trong vùng biển Caribbean, sau đó chuyển tiền vào tài khoản của Heininger ở một ngân hàng tại Liechtenstein.

Ăn mừng

Một vài tháng sau đó, những người chiến thắng trong thỏa thuận này đã gặp nhau để ăn mừng tại mũi Hảo Vọng ở Nam Phi. Value Partners đã mời các nhà ngân hàng UBS cho để đi săn và uống rượu vang. Simon và Valota chụp ảnh với nhà tổ chức. Các bức ảnh cho thấy họ cười toe toét vì chiến thắng, chúc nhau bằng rượu vang đỏ và giơ cao những cây súng săn như những thợ săn chuyên nghiệp trên thảo nguyên. Heininger không có ở đó, vì vai trò của ông đối với họ đã kết thúc. Thỏa thuận với Leipzig đã mở cửa cho một thị trường toàn cầu mới. Value Partners đã nhắm đến các khách hàng UBS tiềm năng, bao gồm các công ty, thành phố và chính phủ tại Áo, Hong Kong và Singapore.

Nhưng sau đó cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra, và các CDO được chứng minh là một sản phẩm có nguy cơ cao, gây thiệt hại đáng kể cho các thành phố và các doanh nghiệp.

Đã muộn khi Jung, Thị trưởng Leipzig, nhận ra thành phố đang nằm trên một quả bom hẹn giờ. Thỏa thuận này đã được che giấu cẩn thận. Tiền bạc được chuyển thông qua bang Delaware, một “thiên đường thuế” ở Mỹ, trong khi các giao dịch được ghi nhận trên các tài khoản ở London, nhưng không có ghi nhận nào đối với các tài khoản của Leipzig. Chỉ khi các thiệt hại trên những tài khoản ở London phát sinh, vấn đề mới lộ diện. Tháng 12.2009, lần đầu tiên UBS gửi thành phố Leipzig một hóa đơn 20 triệu USD.

Lo lắng

Bấy giờ kiểm toán viên của thành phố phát hiện ra thỏa thuận của Heininger đã tạo ra rủi ro không thể lường được cho Leipzig. Hóa ra, các chứng khoán không phải là bảo hiểm thực sự cho các thỏa thuận cho thuê xuyên biên giới. Các sản phẩm CDO KWL đang nắm giữ không gì khác hơn một chảo lửa chứa các loại chứng khoán tài chính độc hại. Khi thị trường bất động sản Mỹ sụp đổ, UBS bắt đầu thêm vào nhiều thứ độc hại nữa.

Danh sách gồm các công ty đã bị phá sản. Nó bắt đầu với Lehman Brothers và ngân hàng thế chấp Freddie Mac, tiếp theo là Ngân hàng Kaupthing của Iceland, Ngân hàng Washington Mutual và cuối cùng, vào mùa thu năm 2007, là nhà cho vay thế chấp Mỹ Fannie Mae. Tất cả đều bị phá sản một năm sau đó. Đến năm 2010, 13 chứng khoán KWL nắm giữ hoàn toàn vô giá trị; UBS đã thêm 8 thứ vào danh mục đầu tư sau khi Leipzig đã ký hợp đồng mua CDO.

Thị trưởng thành phố Leipzig đã đưa ra một so sánh: “Hãy tưởng tượng. Để trả tiền bảo hiểm thế chấp cho nhà ở của gia đình bạn, bạn phải trả bảo hiểm tín dụng cho một tòa nhà chọc trời trong một khu vực động đất”. Heininger và các cố vấn của mình tại Value Partners bị bắt vì tội tham nhũng trong mùa xuân năm 2010.

Ở New York, Simon tỏ ra bất an. Tháng 3.2010, ông viết thư cho một người bạn: “UBS và Value Partners vào trình duyệt web của bạn. Bạn sẽ được kết quả là tiếng Đức, nhưng sau đó chỉ cần click vào nút "dịch" bên cạnh, sẽ xuất hiện các bài viết về các giao dịch mà tôi làm việc với bạn bè, cựu đồng nghiệp và được so sánh là vụ bê bối Bernie Madoff của Đức”. Bernard Madoff đã lừa đảo các nhà đầu tư New York 65 triệu USD và đã bị kết án tù chung thân năm 2009.

Theo Thế giới & Hội nhập
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem