“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Thứ ba, ngày 08/10/2013 10:55 AM (GMT+7)
Đó là suy nghĩ của nhiều thợ sản xuất tượng gỗ tại xã Hiền Giang (huyện Thường Tín, Hà Nội) về an toàn lao động. Từ nhận thức này, thợ làng đang tiếp cận nhiều giải pháp để làm việc an toàn, bảo vệ sức khỏe.
Bình luận 0
Nhiều năm làm việc thiếu an toàn

Là một người đã có hàng chục năm kinh nghiệm và từng đạt nhiều tiếng tăm trong nghề đục, đẽo tượng gỗ, ông Nguyễn Đoàn Trúc - chủ cơ sở sản xuất tượng gỗ tiếng tăm bậc nhất xã Hiền Giang chia sẻ: “Với nghề đục đẽo gỗ, chuyện thợ bị cưa đục đâm vào tay, đứt tay đứt chân là chuyện cơm bữa. Nhưng một trong những hoạt động gây hại tới sức khỏe nhất đối với người làm nghề này là công đoạn đánh giấy ráp và phun sơn. Đa số những người làm công đoạn này đều gặp nhiều vấn đề liên quan đến đường hô hấp. Các bệnh như ho, lao, ngộ độc đường hô hấp, viêm phế quản... khó mà tránh được, cho dù người thợ có trang bị khẩu trang, chống bụi”.

Anh Nguyễn Văn Huân - một thợ làng làm việc với khẩu trang phòng độc chuyên nghiệp, kính chống bụi...
Anh Nguyễn Văn Huân - một thợ làng làm việc với khẩu trang phòng độc chuyên nghiệp, kính chống bụi...

Ngay cả khi máy móc sản xuất được hiện đại hóa, thợ làng được trang bị các máy tạo hình, mài, cưa, cắt... thì vẫn có nỗi lo mới về an toàn. “Về cơ bản, máy móc đều đạt các tiêu chuẩn an toàn về vận hành, nhưng đôi khi do những lỗi kỹ thuật của máy và lỗi vận hành của thợ dẫn tới tai nạn, nhiều trường hợp tai nạn đáng tiếc do cháy, chập điện đã xảy ra”- ông Trúc cho biết.

Nhận thức được những nguy hiểm đó, hơn 5 năm trở lại đây, thợ làng đã học hỏi, tự cải thiện điều kiện lao động, hạn chế tai nạn. Điển hình như anh Nguyễn Văn Đích- chủ cơ sở sản xuất tượng gỗ Sơn Đích ở xã Hiền Giang đã cho bỏ công đoạn phun sơn tượng tại cơ sở. Thay vào đó, những sản phẩm sau khi hoàn thành ở xưởng Sơn Đích sẽ được chuyển tới các xưởng phun sơn chuyên nghiệp, với hệ thống đảm bảo an toàn cao hơn. Anh Đích cho rằng: “Dù lợi nhuận giảm nhưng đổi lại sức khỏe và sự an toàn đối với anh em thợ sẽ được nâng cao hơn nhiều”.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Đến năm 2013, xã Hiền Giang được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) lựa chọn là cơ sở thí điểm tài trợ xây dựng hệ thống đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất đối với thợ làng. Cơ sở sản xuất tượng gỗ Sơn Đích được chọn làm thí điểm. Sau hơn 2 tháng triển khai dự án, vấn đề đảm bảo an toàn lao động tại cơ sở đã được cải thiện đáng kể. Tính đến thời điểm hiện tại, trong khuôn viên xưởng sản xuất diện tích chừng 60m2, cơ sở của anh Đích được trang bị 2 bình cứu hỏa, hệ thống chiếu sáng bằng hơn 10 đèn compact, cùng với đó là hệ thống làm mát trần bằng xốp cùng các thiết bị làm mát khác như quạt điện... Các hệ thống trên đều nằm trong chương trình do ILO hỗ trợ thực hiện.

Xã Hiền Giang có làng nghề Nhân Hiền chuyên làm nghề điêu khắc gỗ, tạc tượng. Hơn 80% số lao động trong làng làm nghề này. Làng hiện có hơn 10 cơ sở sản xuất lớn với khoảng 30 - 40 công nhân thường xuyên làm việc tại xưởng, ngoài ra còn hàng ngàn lao động thời vụ.


Anh Đích cho biết: “Trước kia, chúng tôi chỉ cố gắng làm sao cho anh em làm việc an toàn, nhưng các hoạt động là tự phát. Giờ được ILO hỗ trợ thực hiện chương trình, thợ thuyền được tiếp cận kiến thức an toàn lao động bài bản, chủ động hơn. Kể từ ngày thực hiện chương trình, về cơ bản cơ sở của chúng tôi luôn được đảm bảo 99% an toàn lao động, bao gồm cả về vấn đề kỹ thuật và môi trường, sức khỏe”.

Bên cạnh các trang thiết bị có tác dụng đảm bảo an toàn trực tiếp trên, cơ sở của anh Đích còn có nhiều trang bị đảm bảo an toàn gián tiếp như bảng nội quy làm việc, nội quy chấp hành an toàn lao động, hướng dẫn sử dụng chi tiết các thiết bị, máy móc trong xưởng, vải bạt che mát, máy hút mùi, hút bụi...

Nguyễn Dũng (Nguyễn Dũng )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem