Phòng, chống bệnh sởi: Cấp tập trong muộn màng

Thứ hai, ngày 21/04/2014 14:47 PM (GMT+7)
Bệnh sởi chưa bao giờ “gây sốt cao” trong dư luận như thời gian qua, nhưng Bộ Y tế vẫn liên tục khẳng định: “Dịch sởi bình thường theo chu kỳ 3-4 năm một lần”.
Bình luận 0
Chỉ trong 3 ngày (17-19.4) đã có hơn 80 em bị nhiễm chéo sởi đang điều trị bệnh khác (bệnh hô hấp, tiêu chảy, bệnh chuyển hóa) phải chuyển về Khoa Truyền nhiễm vì bị mắc sởi. Số trẻ tử vong tại bệnh viện do sởi trong 80 ngày qua đã lên tới 107 ca. Đáng lo ngại, trong Bệnh viện lúc nào cũng có khoảng 1.200 đến 1.700 bệnh nhi điều trị nội trú. Nếu không khống chế, những bệnh nhi này đều “trong tầm ngắm” của bệnh sởi và biến chứng nguy hiểm.

Đến viện để điều trị bệnh nhưng các em chưa đỡ đã bị “bồi” thêm “cú đánh” sởi chết người. Bộ Y tế vẫn cho rằng, chỉ có 25 trẻ tử vong do sởi, còn gần 100 trẻ khác tử vong là do có các bệnh lý khác kèm sởi. Trong khi các chuyên gia y tế đều nhận định, trên nền các bệnh khác, nếu như bị nhiễm thêm bệnh sởi khiến hệ miễn dịch bị suy giảm thêm thì các em sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng. Nếu không phải tại nhiễm chéo sởi trong bệnh viện, các em vẫn còn cơ hội sống.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khuyến cáo: Nếu cha mẹ có con bị sởi thì đừng vào Bệnh viện Nhi. Và cho biết, hiện Bộ đã tăng cường hoạt động của các bệnh viện vệ tinh như Xanh-pôn, Đống Đa, Hà Đông, Sơn Tây… Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã khẩn thiết đề nghị: “Có đưa bệnh nhân từ Bệnh viện Nhi về cũng khó nhận. Không còn giường, máy thở cũng ít” đấy thôi!

Khi bị truy trách nhiệm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã phân bua với báo chí, thời gian qua, Bộ đã cấp tập ra nhiều chỉ đạo để phòng chống bệnh sởi, tuy nhiên, có hiện tượng “nóng chỉ đạo, lạnh thực hiện”. Phải chăng sự chỉ đạo cấp tập nhưng dường như quá muộn màng khi số trẻ tử vong đã cao gấp 30 lần dịch sởi năm 2009.

Tại sao đến khi hơn 100 trẻ tử vong do sởi Bộ mới cấp tập đưa ra các chỉ đạo dập dịch? Phải chăng vì Bộ đã trót khẳng định chỉ có 25 ca tử vong do sởi? Tại sao tình trạng nhiễm chéo bệnh sởi trong Bệnh viện Nhi T.Ư kéo dài nhiều ngày qua mà vẫn không có giải pháp tháo gỡ? Vì nếu “gỡ” bằng cách chuyển từ ổ dịch lớn sang ổ dịch nhỏ ở các bệnh viện vệ tinh thì khác nào “đổ dầu vào lửa”.

Bộ Y tế khăng khăng “trách nhiệm công bố dịch là do tỉnh”. Tuy nhiên, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế, nếu thấy vấn đề nghiêm trọng, Bộ phải chỉ ra địa phương nào có dịch, cảnh báo về nguy cơ để Sở Y tế địa phương tham mưu cho chính quyền. Một chuyên gia y tế cho rằng, đáng ra Bộ Y tế phải công bố dịch sởi từ tuần trước để cảnh báo cộng đồng, huy động xã hội cùng dập dịch, chứ để đến lúc quá nhiều đứa trẻ phải chết vì sởi mới cấp tập kiểm tra, chỉ đạo... e rằng lúc đó đã quá muộn.
Diệu Linh (Diệu Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem