Phòng khám đa khoa tiền tỷ đóng cửa để không

Thứ năm, ngày 22/07/2010 05:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ khi có quyết định chuyển các phòng khám đa khoa khu vực về cho cấp xã quản lý, ở huyện Lục Nam, Bắc Giang có một phòng khám đa khoa đầu tư tiền tỷ nhưng hơn một năm nay đang đóng cửa để không.
Bình luận 0
img
Phòng khám Đa khoa Suối Mỡ bỏ không hơn 1 năm nay.

Thừa do… giải thể

Hệ thống phòng khám đa khoa được khai sinh từ những năm 1975, 1977 của thế kỷ trước. Trong hơn 30 năm tồn tại của mình, phòng khám đa khoa đã thực hiện tốt vai trò là cơ sở khám chữa bệnh ban đầu cho người dân ở những vùng xa xôi hẻo lánh.

Theo Quyết định số 1888 ngày 14-11-2008, của UBND tỉnh Bắc Giang, kể từ 30-11-2008, toàn bộ 18 phòng khám đa khoa trên địa bàn tỉnh sẽ được bàn giao cho cấp xã quản lý.

Trao đổi với chúng tôi, ông Từ Quốc Hiệu - Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế Bắc Giang cho biết: Chúng tôi đã chuyển toàn bộ 18 phòng khám đa khoa cho các địa phương quản lý. Vì vậy ở 18 xã, ngoài trạm y tế xã còn có thêm các phòng khám đa khoa sáp nhập về. Thành thử các xã này đều có đến 2 cơ sở y tế. Về nguyên tắc, khi chuyển các phòng khám đa khoa cho cấp xã, chỉ chuyển cơ sở vật chất và trang thiết bị; còn con người thì điều về bệnh viện đa khoa huyện...

Cũng theo ông Hiệu, hiện tại những xã có phòng khám đa khoa sáp nhập đều hoạt động bình thường. Những phòng khám đa khoa có cơ sở vật chất còn tốt, các địa phương đều tận dụng tối đa cho việc khám chữa bệnh. Tuy nhiên, hệ thống PKĐK đều có tuổi đời vài chục năm nên đa phần đã xuống cấp, chỉ có phòng khám đa khoa khu vực Suối Mỡ là mới được đầu tư bằng nguồn kinh phí của huỵện.

Tiếp nhận rồi… để đấy

Ông Vũ Chí Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam: Về con người và trang thiết bị, huyện có đủ khả năng đầu tư cho xã Nghĩa Phương, để đưa phòng khám đa khoa Suối Mỡ vào hoạt động (bởi trên địa bàn xã vẫn còn 8 thôn thuộc diện khó khăn). Yêu cầu của huyện là trong tháng 7, xã phải "thể hiện quan điểm rõ ràng", nếu không huyện sẽ bàn giao cơ sở trên cho đơn vị khác.

Ông La Xuân Ngữ - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nghĩa Phương cho hay: Sau khi tỉnh có chủ trương giao phòng khám đa khoa cho xã, chúng tôi đã tiếp nhận đầy đủ trang thiết bị và cơ sở vật chất của phòng khám đa khoa khu vực Suối Mỡ.

Tuy nhiên do quân số có hạn, chúng tôi phải đưa toàn bộ thiết bị của phòng về trạm y tế của xã để quản lý. Cơ sở vật chất của phòng khám đa khoa Suối Mỡ do xã thuê người trông coi.

Ông Nguyễn Công Khải - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phương thông tin: Địa bàn Nghĩa Phương trải rộng trên 5.632ha, dân số gần 15.000 người với 25 thôn bản, Trạm Y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia từ năm 2004.

Việc xã có thêm một cơ sở y tế là điều đáng mừng. Tuy nhiên do đặc thù địa lý, nếu chuyển toàn bộ trạm y tế xã vào khu vực phòng khám đa khoa Suối Mỡ thì chỉ tiện phục vụ cho 5 thôn bản với khoảng 4.000 dân.

Còn lại hơn 10.000 dân của 20 thôn bản còn lại sẽ rất bất tiện vì khoảng cách từ các bản đầu xã, vào trạm Suối Mỡ còn xa hơn lên Bệnh viện Đa khoa huyện! Chúng tôi đang kiến nghị cấp trên cho phép xã thành lập 2 trạm y tế. Nhưng muốn vậy cần có kinh phí tối thiểu là 100 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị, việc này quá tầm của xã.

Ông Khải còn cho biết thêm: Dù đã đạt chuẩn quốc gia năm 2004, nhưng đến nay, Trạm Y tế xã Nghĩa Phương đã xuống cấp, dự kiến xã sẽ xin kinh phí khoảng 2 tỷ để nâng cấp…

Có mặt tại Nghĩa Phương chiều 15-7, chúng tôi thấy khu nhà 2 tầng khang trang của phòng khám đa khoa Suối Mỡ không một bóng người.

Tìm ra phía sau mới thấy một bà lão đang ngồi hóng mát, hỏi ra mới biết bà là vợ ông Trần Văn Trót (người được xã thuê trông coi khu phòng khám đa khoa). Bà cho biết: "Gần năm nay, ngoài gia đình bà trông nom thì chẳng có ai lai vãng đến đây".

Cả cơ ngơi đáng tiền tỷ đang phơi mưa nắng. Đây quả là một sự lãng phí ở một huyện chưa giàu như Lục Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem