|
Chủ trang trại cây kiểng Minh Tân ở Củ Chi dạy nghề tạo dáng hoa kiểng cho nông dân bị thu hồi đất. |
Giải thích vì sao khi mỗi năm có tới 1.000ha đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi, kéo theo hàng ngàn hộ nông dân phải chuyển sang mưu sinh bằng các ngành nghề khác, nhưng Hội vẫn thu hút nông dân, bà Lê Thị Huệ - Phó Chủ tịch Hội nông dân TP.HCM cho rằng, cùng với điều tra tình hình nông nghiệp, nông thôn, nắm chắc đời sống và nguyện vọng nông dân để tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố, Thường trực thành Hội đã chỉ đạo các cấp Hội củng cố, nâng chất lượng hoạt động hội, thu hút nông dân vào Hội dưới nhiều hình thức: Theo địa bàn dân cư, ngành nghề, câu lạc bộ, khoa học kỹ thuật…
Hội viên tăng
Ông Phạm Văn Long- Chủ tịch Hội nông dân huyện Củ Chi chia sẻ kinh nghiệm: Xây dựng, phát triển chi, tổ hội ngành nghề là giải pháp để phát triển sản xuất và phát triển hội viên mới. Ông Long cho biết, trong số 189 chi, 1.513 tổ hội trong huyện, có 72 chi, tổ nghành nghề. Sinh hoạt theo ngành nghề, hội viên không chỉ trao đổi trực tiếp những việc liên quan đến sản xuất, đời sống của mình mà còn được Hội hỗ trợ dạy nghề, vốn, khoa học kỹ thuật.
Nhiều chi hội theo mô hình này đang trở thành điển hình về củng cố và nâng chất lượng hoạt động Hội, như chi hội nuôi heo Phú An ở xã Phú Hòa Đông; chi hội nuôi bò sữa ấp 3, xã Tân Thạnh Tây; chi hội trồng rau an toàn xã Nhuận Đức; tổ hội nuôi cá ấp Bình Thượng, xã Bình Mỹ…
Ở huyện Bình Chánh, nhờ thực hiện hiệu quả NQ 05 và NQ 04 của đã thu hút nông dân sinh hoạt tại 15 chi hội ngành nghề; 8 hợp tác xã nông nghiệp và 25 câu lạc bộ theo sở thích. Tại quận Gò Vấp, hơn chục nông dân đã tham gia làm nòng cốt xây dựng hợp tác xã hoa-cây kiểng rồi hình thành chi hội chuyên sản xuất cây kiểng cung ứng thị trường và xuất khẩu.
Tại quận 9, Hội thành lập tổ hợp tác quy tụ hội viên chuyên nuôi heo rừng lai. Tại 33 chi, tổ hội theo ngành nghề và 12 câu lạc bộ, mỗi năm kết nạp thêm hàng trăm nông dân vào Hội nâng tổng số hội viên toàn quận lên 2.279 người (cuối 2009), trong khi quận chỉ còn 828 hộ sản xuất và dịch vụ nông nghiệp.
Hình thành lớp cán bộ có năng lực
Cách đây 4 năm, Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo các đại phương có tổ chức Hội sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 59 của Bộ Chính trị (khóa IX) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội nông dân trong thời kỳ CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn".
Đến cuối năm 2009, TP.HCM còn 61.718 hộ nông nghiệp, 109.910 lao động, trong đó 90.864 lao động nông nghiệp sinh hoạt tại 743 chi và 265 tổ hội, trong đó 107 chi, 343 tổ hội theo ngành nghề. 80% hội viên tham gia sinh hoạt, 90% đóng hội phí đầy đủ.
Chỉ đạo của Thành ủy như đòn bẩy tạo động lực để Hội xây dựng đội ngũ cán bộ đặc biệt là cán bộ cơ sở có phẩm chất, năng lực. Đến nay, chi, tổ và Ban chấp hành Hội cơ sở trên địa bàn thành phố được bố trí đầy đủ về nhân sự.
Hàng năm, đội ngũ này thường xuyên được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác Hội để có đủ năng lực vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân làm nòng cốt trong các phong trào nông dân.
Ông Phạm Văn Long khẳng định: "Với “cây gậy” là Chỉ thị 59 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 05, Nghị quyết 04 của Ban chấp hành T.Ư đã biến nhận thức của các cấp ủy và Hội ND thành việc làm cụ thể. Trong 21 cơ sở Hội ở Củ Chi, thì 12 Chủ tịch là cấp ủy viên. 60% cán bộ có trình độ chuyên môn từ trung cấp đến đại học.
Còn ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, nếu như năm 2000 chỉ có 668 hội viên, sinh hoạt lồng ghép với tổ nhân dân tự quản, sau 10 năm thực hiện NQ 05 và 04 của Ban chấp hành T.Ư Hội, số hội viên tăng lên 1.079 người, sinh hoạt ở 9 chi hội, 7 tổ hợp tác và 3 CLB nông dân .
"BCH Hội nông dân xã đã vận động nông dân thành lập một HTX sản xuất rau an toàn. Chủ nhiệm hợp tác xã là thường vụ Ban chấp hành Hội nông dân. Hợp tác xã lo đầu vào và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho xã viên" - bà Cao Thị Hòa - Chủ tịch Hội ND xã cho biết.
Khuynh Diệp
Vui lòng nhập nội dung bình luận.