Phù Cát "vắt chân lên cổ" xử lý nợ đọng!

Thứ bảy, ngày 28/04/2018 18:13 PM (GMT+7)
Qua hơn 7 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay huyện Phù Cát (Bình Định) đã có 6/16 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Bình luận 0

Tuy nhiên, sau đó nhiều địa phương vướng mắc nợ đọng xây dựng cơ bản khá lớn, khó có khả năng thanh toán ngay.

img

Một góc khu dân cư tại xã Cát Lâm

Không thể phủ nhận là sau hơn 7 năm, diện mạo nông thôn ở huyện Phù Cát đã có sự thay đổi rất tích cực. Tuy nhiên, do đẩy nhanh tiến độ về đích NTM, các xã tập trung đầu tư xây dựng hàng loạt các công trình, dẫn đến sau khi về đích NTM còn để tồn đọng nợ xây dựng cơ bản kéo dài, khó thanh toán, với gần 13 tỷ đồng.

Xã Cát Hanh nợ đọng nhiều nhất, trên 6,3 tỷ đồng, chiếm gần 50% nợ đọng NTM toàn huyện. Bắt đầu triển khai xây dựng NTM, xã gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Võ Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã, thời điểm đó, các tuyến đường giao thông, hệ thống kênh mương thủy lợi còn đạt rất thấp so với tiêu chí quy định. Cơ sở vật chất, văn hóa chưa có gì. Các chương trình, dự án lồng ghép triển khai chậm.

Nhưng với sự đồng thuận, chung sức, Cát Hanh đã nỗ lực hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2016, tạo nên diện mạo mới cho quê hương. Theo đó, xã đã huy động trên 73,5 tỷ đồng xây dựng NTM; trong đó người dân đóng góp 5,7 tỷ đồng. Các công trình điện, đường, trường học, hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng, phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Việc xử lý nợ đọng, xã đã họp bàn và đề ra nhiều giải pháp nhằm trả hết nợ, trước mắt vẫn là trông chờ vào nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất tại chỗ. Với lợi thế có những khu đất bám mặt QL1A và liên xã, có giá trị sử dụng cao, xã dự kiến trong năm 2018 đấu giá đất ở các khu vực này sẽ cơ bản trả hết số nợ đang tồn.

Ông Võ Văn Sáu hứa: "Trong năm 2018 chúng tôi tập trung để bán đấu giá đất ở và cấp đất ở cho dân; để có nguồn trả nợ đọng NTM. Xã cố gắng đến năm 2019, sẽ trả nợ dứt điểm NTM”.

Xã Cát Hiệp cũng nợ đọng khá lớn. Ông Nguyễn Văn Cho, Chủ tịch UBND xã cho biết, triển khai xây dựng NTM, xã đầu tư xây dựng một loạt các công trình phúc lợi công cộng, như nâng cấp, xây dựng 9 trường mầm non, trạm y tế xã, nhà văn hóa và một số hạng mục công trình quan trọng khác.  Đến nay, sau gần 3 năm đón danh hiệu xã đạt chuẩn NTM, Cát Hiệp còn nợ trên 3 tỷ đồng.

img

Mở rộng giao thông nông thôn

Ông Nguyễn Văn Cho nói: “Giải pháp hiện nay là xã đang lập hồ sơ để bán đấu giá quyền sử dụng đất. Trong năm 2018, xã dự kiến bán 27 lô đất, mỗi lô đất trị giá 60 triệu đồng, địa phương được trích lại 60%, như vậy xã Cát Hiệp thu được gần 01 tỷ đồng để trả nợ. Bằng kế hoạch trả nợ từng bước, theo lộ trình, mỗi năm một ít, phấn đấu hết năm 2019 sẽ thanh toán cơ bản nợ đọng”.

Có thể thấy, phần lớn các xã xây dựng NTM ở huyện Phù Cát đều trông chờ vào nguồn kinh phí từ đấu giá quyền sử dụng đất để trang trải nợ đọng. Điều này dẫn đến nợ đọng kéo dài và khó khăn trong quá trình trả nợ. 

Do vậy, vấn đề đặt ra là ngay khi triển khai xây dựng NTM phải có kế hoạch phối hợp, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Kiểm soát chặt chẽ việc phê duyệt dự án đầu tư, chỉ phê duyệt dự án đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn; rà soát, đánh giá các dự án đầu tư, tập trung bố trí nguồn lực đối với các dự án có hiệu quả, dự án cấp bách, cắt giảm và dừng các dự án không có hiệu quả. 

Ông Nguyễn Văn Lê, Phó Trưởng phòng NN- PTNT huyện Phù Cát cho biết: “Ngoài việc không xem xét công nhận đạt chuẩn NTM đối với xã có nợ đọng xây dựng cơ bản thì những xã không xử lý xong nợ đọng trong vòng 1 năm kể từ khi công nhận, huyện sẽ đề nghị tỉnh xem xét lại việc công nhận đạt chuẩn NTM”.

Thế Hà (NNVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem