Phụ huynh cực lực phản đối đề án 4.000 tỉ, Sở GD-ĐT quyết làm

Trần Hải - Thiên Anh Thứ sáu, ngày 22/08/2014 11:10 AM (GMT+7)
Dù đại đa số người dân TP.HCM cực lực phản đối “Đề án sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng” cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 do Sở GDĐT đề xuất; tuy nhiên, đơn vị này vẫn tỏ ra cương quyết thực hiện đề án này nếu được Bộ GDĐT cho phép.
Bình luận 0

Cụ thể, nếu đề án được thông qua thì ngay trong năm học 2014-2015, TP.HCM sẽ đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng để triển khai các hạng mục: Khảo sát thực trạng giáo dục tiểu học, xây dựng tiêu chuẩn trường học theo mô hình mới; xây dựng chương trình sách giáo khoa (SGK) điện tử, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ hiệu trưởng, giáo viên; đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin… Riêng với các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 thì phải trang bị một bút chấm đọc điện tử, 1 máy tính bảng có cài đặt SGK điện tử.

Lo tai nạn, bệnh tật

Ngay khi đề án được Sở GD-ĐT TP.HCM giới thiệu, NTNN đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn nhỏ với các phụ huynh có con em trong độ tuổi từ lớp 1-3 tại nhiều trường như: Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1), Tiểu học Nguyễn Đình Chính (quận Phú Nhuận), Tiểu học Hồ Văn Huê (quận Tân Bình) và đều nhận được ý kiến phản đối đề án này.

Chị Nguyễn Thị Minh Trang (quận Tân Bình) bức xúc: “Một chiếc máy tính bảng nếu giao cho một đứa bé 6 tuổi mang đến lớp, liệu sẽ còn nguyên vẹn trong bao nhiêu ngày? Ai sẽ đảm bảo cháu ra đường không xảy ra cướp giựt và bị tai nạn”.

Đồng quan điểm, anh Đặng Văn Sáng (quận 12) tỏ ra gay gắt: “Chưa nói đến các bệnh về mắt, chỉ tính riêng việc đầu năm học mới nhiều gia đình đã phải chịu nhiều khoản tiền như học phí, tiền cơ sở vật chất, tiền bán trú, đồng phục, các khoản phụ phí khác đầu năm học… sẽ khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Nay đến SGK điện tử chắc con của họ sẽ nghỉ học vì không có khả năng mua máy tính bảng. Thử nghĩ xem toàn thành phố có bao nhiêu người nhập cư đang phải gồng mình lo bữa cơm qua ngày thì khoản tiền 5 triệu đồng không phải là nhỏ”.

Với một số cán bộ giáo viên trực tiếp làm công tác quản lý, tuy không “cực lực” phản đối đề án của Sở GDĐT nhưng lại đặt ra những câu hỏi về tính khả thi của đề án. Cô Mai Thị Ngọc Lan-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1) tỏ ra lo ngại: “Theo dự kiến của Sở, đề án sẽ được triển khai trong năm học 2014 - 2015 nhưng đến giờ này khâu chuẩn bị tập huấn, đào tạo giáo viên vẫn chưa khởi động. Tương tự, nếu xây dựng phòng quản trị mạng, phòng họp trực tuyến cho các trường thì phải xúc tiến đào tạo chuẩn bị nguồn nhân lực đạt chuẩn để quản lý hiệu quả chứ nếu không cũng như đề án bảng tương tác đến khi đưa vào trường rồi mà giáo viên cũng chưa biết sử dụng”.

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường tiểu học ở huyện Củ Chi thì lại thẳng thắn: “Cách đây mấy năm, chỉ với việc có nên gắn máy lạnh trong phòng học của học sinh hay không cũng đã có rất nhiều ý kiến trái chiều của phụ huynh”.

Hy vọng hạn chế  nhiều bất cập (!?)

Mặc dù gặp phải sự phản đối quyết liệt của đại đa số người dân cùng các chuyên gia giáo dục, thế nhưng quan điểm của nhiều lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM vẫn một mực bảo trì. Lý do mà các lãnh đạo này đưa ra là: Trong khi các nước có nền giáo dục tiên tiến đang đẩy mạnh cải cách giáo dục, hiện đại hóa trường học, mở rộng lớp học thông minh, số hóa SGK… thì học sinh Việt Nam vẫn phải gồng gánh chiếc cặp nặng nề trên đôi vai. Không những thế, phương pháp dạy học thụ động theo lối mòn “thầy đọc, trò chép” đã được chứng minh là đang làm thui chột tính năng động, sáng tạo của học sinh thì tại sao chúng ta không mạnh dạn đổi mới.

Ông Lê Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM phân tích: “Hiện nay học sinh tiểu học đang phải đem khối lượng sách vở và đồ dùng học tập khá nặng so với sức lực, độ tuổi của các em. Bên cạnh đó, nội dung sách giáo khoa thường xuyên thay đổi, cải tiến nên phụ huynh phải mua sắm thường xuyên. Chính vì vậy việc sử dụng sách giáo khoa điện tử, học sinh sẽ hạn chế được những bất cập trên”.

Đồng quan điểm, ông Lê Hồng Sơn- Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cũng cho biết: Chúng ta đang đối mặt với nhiều mâu thuẫn nhưng lại tỏ ra chần chừ và không kiên quyết để giải quyết những mâu thuẫn đó. Chẳng hạn, chúng ta không muốn học sinh mang vác nặng cả chục kg cặp sách nhưng khi thay thế bằng SGK điện tử, máy tính bảng nhẹ nhàng lại sợ ảnh hưởng đến thị lực, sức khỏe.

“Lo ngại thiếu kinh phí triển khai đề án nhưng lại không dám mạnh dạn xã hội hóa… Cứ như thế thì cũng chẳng giải quyết được gì về đổi mới giáo dục trong thời điểm hiện nay cả” - ông Sơn chốt lại.

4.000 tỷ được tính toán thế nào?

Theo đề án, nguồn kinh phí 4.000 tỷ đồng được tính toán như sau: Kinh phí khảo sát thực hiện tại các cơ sở quản lý giáo dục và trường tiểu học 1,095 tỷ đồng; kinh phí xây dựng tiêu chuẩn trường tiểu học mô hình mới 2,2 tỷ đồng; kinh phí xây dựng các chương trình SGK điện tử và chương trình đào tạo 1 tỷ đồng. Trang bị bộ thiết bị phần mềm cho mỗi phòng học dùng chung khoảng 262 triệu đồng /phòng. Trang bị máy tính bảng cho học sinh, giáo viên mỗi máy tính bảng có giá từ 3-5 triệu đồng/máy. Đầu tư trang thiết bị cho các phòng chuyên môn, mỗi trường được trang bị 1 phòng họp trực tuyến có kinh phí 1,1 tỷ đồng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem