Mỗi học sinh trường Tiểu học N.T.T, quận Thủ Đức, TPHCM phải mặc 3 loại đồng phục khác nhau. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Việc mỗi trường mỗi kiểu đồng phục khác nhau không còn quá xa lạ đối với người dân TPHCM bởi ai cũng biết đó là đặc trưng để phân biệt trường này với trường khác.
Tuy nhiên, chính vì đặc trưng nên phụ huynh phải gánh một khoản phí không hề nhỏ vào đầu năm học và trung bình, mỗi học sinh phải mua ít nhất là 2 bộ mỗi năm, riêng đối với học sinh tiểu học, có trường học sinh phải mua từ 4 - 5 bộ để phân biệt học chính khóa với học bán trú… Ngoài ra, trong tiền đồng phục, phụ huynh phải gánh thêm một khoản phí hoa hồng mà các nhà may trả cho nhà trường.
Muôn kiểu đồng phục
Ngày 14/9, tại trường tiểu học N.T.T, quận Thủ Đức, chúng tôi chứng kiến học sinh bước ra từ cổng trường này với 5 loại đồng phục khác nhau. Ngoài ra, học sinh ở trường này còn có thêm 1 bộ đồng phục thể dục. Chị Nga, có con học lớp 3 tại trường này cho biết, năm học này chị mua cho con 3 bộ gồm 1 bộ học chính khóa, 1 bộ học bán trú và 1 bộ học thể dục với tổng số tiền gần 450 ngàn đồng.
Trong khi đó, chị Nguyệt có con năm nay vào lớp 1 trường này than trời vì phải mua đến 5 bộ đồng phục với giá gần 900 ngàn đồng. Cụ thể, chị mua 2 bộ học chính khóa, 2 bộ học bán trú và 1 bộ học thể dục. “Biết là khó khăn nhưng vẫn phải cố gắng mua để cho con có cái mặc thay đổi, chứ mặc áo quần cả ngày mà không thay thì mồ hôi sợ cháu không chịu được”, chị Nguyệt nói. Theo tìm hiểu của PV, ở trường tiểu học N.T.T, đồng phục học chính khóa có giá 170 ngàn đồng/1 bộ; đồng phục học bán trú có giá 140 ngàn đồng/1 bộ và đồng phục thể dục có giá 120 ngàn đồng/1 bộ.
Tương tự, trường tiểu học H.P, quận 9, TPHCM cũng có 5 loại đồng phục và quy định mỗi học sinh thực hiện mẫu đồng phục theo của trường. Theo đó, giá bộ đồng phục áo trắng quần tây (dài) là 160 ngàn đồng/bộ; 130 ngàn đồng/bộ đối với áo xanh lơ, quần tây xanh đen…
Trong khi đó, tại trường THPT An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM năm học này bắt đầu đưa vào sử dụng loại đồng phục mới của trường dành cho khối 10, việc thay đổi đồng phục sẽ được cuốn chiếu trong những năm tiếp theo. Theo ông Nguyễn Giao Bôi, hiệu phó trường cho biết: “Nhà trường quyết định thay đổi đồng phục là để đẹp mắt hơn bởi đồng phục cũ của trường khá đơn điệu và không còn phù hợp nữa”.
Phụ huynh “gánh” hoa hồng cho nhà trường
Khảo sát của PV qua nhiều cơ sở may đồng phục học sinh tại TPHCM, giá đồng phục áo sơ mi, váy với nữ và áo sơ mi, quần tây đối với nam có giá dao động từ 80.000 đồng đến 160.000 đồng tùy chất liệu và mức chiết khấu khác nhau. Nhiều cơ sở cũng sẵn sàng tăng mức chiết khấu cho người đặt hàng lên, đồng thời tăng giá hoặc giảm chất lượng của vải hoặc kê tăng giá trên hóa đơn tính tiền.
Trong vai đại diện nhà trường tìm đặt đồng phục học sinh cấp 1 từ lớp 1 đến lớp 5, PV gọi điện đến Cty may S.V.T đóng trên địa bàn quận 12, TPHCM, nhân viên ở đây cho biết, giá đồng phục dao động từ 110.000 đồng đến 150.000 đồng tùy theo từng khối lớp khác nhau. Nếu đặt số lượng trên 500 bộ sẽ được lựa chọn nhiều màu và chiết khấu cho người đặt hàng 10% tổng giá trị đơn hàng. Khi khách hàng nói đặt với số lượng lớn và tỏ ý muốn tăng thêm phần chiết khấu. Nhân viên tư vấn của Cty này cho biết nếu đồng ý đặt hàng thì Cty sẽ miễn phí thiết kế, may hàng mẫu có thể đến 30% đơn hàng nhưng vẫn có thể ghi trên hóa đơn nếu khách hàng yêu cầu.
Còn Cty G.K chuyên may quần áo đồng phục công sở, đồ thể thao và đồng phục học sinh ở quận Tân Bình, TPHCM, ban đầu nhân viên tên Tân cho biết giá của một bộ đồng phục học sinh cấp 1 là 80.000 đồng một bộ gồm áo sơ mi+ váy đối với nữ và quần tây + áo sơ mi đối với nam. Khi PV hỏi đặt với số lượng lớn và chiết khấu thì người này cho biết: “Em biết anh đã tham khảo giá ở nhiều nơi khác nhau rồi. Bên em giá 80.000 đồng là giá thấp nhất em đưa ra cho anh lựa chọn. Còn nếu anh cần thì bên em sẽ ghi tăng số tiền trên hóa đơn thanh toán cho anh theo yêu cầu”, nhân viên này nói.
Tân cho biết, nhân dịp năm học mới, Cty giảm giá 10% cho tổng giá trị đơn hàng, cộng thêm 10% chiết khấu cho người đặt hàng. Tuy nhiên, trên hóa đơn cũng có thể không ghi giá đã giảm mà tính giá gốc cho khách hàng tùy theo yêu cầu. Như vậy, cộng cả tiền chiết khấu và giảm giá, người đặt hàng được hưởng đến 20% tổng giá trị đơn hàng nhưng giá ghi trên hóa đơn vẫn không thay đổi.
Còn cơ sở may đồng phục thể thao B.M, tại quận 12, nhân viên ở đây cho biết mỗi áo thun có giá 80.000 đồng và công ty cũng sẵn sàng chiết khấu 5-7% cho người trực tiếp đặt hàng. Nhân viên cơ sở này cho biết thêm: “Bên em có thể chiết khấu cho anh 15% nhưng chất lượng sẽ khác tùy anh lựa chọn”.
Trước đó, ngày 13/8, Sở GD&ĐT TPHCM có văn bản hướng dẫn một số hoạt động đầu năm học và chuẩn bị vào năm học mới 2015 – 2016 cấp tiểu học.
Trong đó, Sở lưu ý các trường học tuyệt đối nghiêm cấm việc lạm thu, bày vẽ, gây tốn kém và khó khăn cho phụ huynh học sinh về vấn đề đồng phục. Không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mỗi đầu năm học. Học sinh có thể giữ gìn cẩn thận đồng phục để sử dụng trong nhiều năm hoặc cho các anh chị em trong gia đình.
Nhà trường không tùy tiện thay đổi đồng phục hàng năm hoặc thêm bớt các chi tiết làm khó khăn cho học sinh và cha mẹ học sinh. Nếu cần có sự thay đổi thì phải báo trước và được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.
|
* Nhà thiết kế Hoàng Minh Hà cho rằng: “Đồng phục học sinh hiện nay của chúng ta có thể nói là “loạn” và chưa có sự đồng nhất”.
Theo ông Hà, đối với các nước khu vực Đông Nam Á, đồng phục học sinh khá hiện đại và tiện lợi, thể hiện được sự năng động, trong khi đồng phục học sinh của chúng ta tuy không lỗi thời nhưng chưa đi theo được trào lưu và tạo được sự thoải mái. “Thậm chí, có em còn ghét mặc đồng phục của trường, việc đó thể hiện trong các cuộc thi bởi đa phần các em này đều mặc một loại đồng phục khác thay vì mặc đồng phục của trường”, ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, việc mỗi trường một đồng phục khác nhau vô tình tạo sự phân biệt giàu nghèo giữa các trường bởi nhìn vào đồng phục thì biết ngay đó là trường giàu hay trường nghèo, trường quốc tế hay trường dân lập…
* Thấy cà vạt trong đồng phục của con trai quá xấu, chị Nguyễn Thanh Hiếu (35 tuổi, quận 2, TPHCM) lên facebook viết bài chia sẻ góp ý. Tuy nhiên, sau đó, con trai chị bị đuổi học khiến chị vô cùng bức xúc.
Theo chị Hiếu, ngày 20/5, chị có viết bài góp ý về cà vạt đồng phục của con trai mình là bé L.Q.M.H (lớp 3 trường tiểu học Vstar, quận 7, TPHCM) trên trang facebook cá nhân. Ngày 21/6, chị Hiếu được mời lên làm việc với Ban giám hiệu trường nhưng vì đang ở Hà Nội nên chị không thể tới và đề nghị gửi email. Đến ngày 3/8, chị Hiếu bất ngờ nhận được thông tin con mình bị cho thôi học.
Theo chị Hiếu, nguyên do nhà trường cho thôi học con chị vì chị đã lên facebook chê chiếc cà vạt của trường. Hiện chị Hiếu đã xin cho con vào học tại một trường ở gần nhà.
Nguyễn Dũng
|
Nguyễn Dũng-Ngô Bình-Ngô Tùng (Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.