Phụ nữ Kon Chiêng góp thóc xóa đói nghèo

Quốc Dinh Thứ hai, ngày 04/05/2015 10:47 AM (GMT+7)
Góp thóc để giúp đỡ các hộ đói giáp hạt, tạo quỹ cho vay không tính lãi để phát triển sản xuất, là cách xóa đói giảm nghèo hiệu quả và bền vững của chị em phụ nữ DTTS xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang, Gia Lai). Mô hình xóa đói giảm nghèo này đã nhận được Giải thưởng KOVA lần thứ 12 (tháng 12.2014).
Bình luận 0

Từ một nắm khi đói…

Xã vùng 3 Kon Chiêng có dân số hầu hết là đồng bào dân tộc Ba Na, hơn chục năm trước tỷ lệ hộ nghèo luôn ở ngưỡng trên 40%. Hầu như hộ nào cũng thiếu vài tháng lương thực, cứ giáp vụ là rơi vào cảnh thiếu thốn, chạy đôn chạy đáo kiếm cái ăn. Chị Rơih ở làng K’Tu, xã Kon Chiêng kể: Hồi đó, cứ đến tháng 7, tháng 8 hàng năm là kho thóc nhà chị trống trơn. Nhà có 6 đứa con, không có gạo ăn, vợ chồng chị phải lên rừng lấy măng, mót củ mì (sắn)… Nếu vay thóc thì khi thu hoạch phải trả lãi gấp đôi.

img
Chị Kueng - Chủ tịch Hội LHPN xã Kon Chiêng và “Kho thóc tình thương” làng K’Tu. Ảnh: Quốc Dinh

Chị Kueng - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Kon Chiêng cũng ngậm ngùi khi nhớ lại: Hồi đó, nhà ai cũng nghèo. Đói nghèo trở thành cái vòng luẩn quẩn, chui ra đầu này lại vướng đầu kia chẳng thoát ra được. Nghĩ cũng bức xúc lắm vì làm mãi mà chẳng đủ ăn, chị em phụ nữ trong xã họp bàn nhau tìm lối thoát đói, giảm nghèo. Ban đầu, nhiệm vụ cần giải quyết trước mắt là cứu đói, giải quyết nạn bán “lúa non”, mượn tiền rồi trả lãi nặng. Nói thì dễ, bắt tay vào làm thì khó khăn vô cùng vì hộ nào cũng thiếu cả… Cuối cùng thì một giải pháp đã bật ra: Sau khi thu hoạch xong, chị em phụ nữ sẽ góp thóc để xây dựng “kho thóc tình thương”. “Quy chế” đặt ra là mỗi hộ góp 20kg thóc; các hộ thiếu đói sẽ được vay không lấy lãi, đến vụ thì trả lại…

 

Vụ đầu năm 2006 có 56 chị em tham gia đóng góp được 1.120kg thóc. Một kho thóc được xây dựng ngay sau đó. Năm ấy hàng chục hộ trong xã đã được vay thóc. Thấy ý nghĩa của kho thóc tình thương, phong trào lan dần ra toàn xã. Đến nay 9 thôn trong xã đều có kho thóc tình thương, hơn 600 chị em phụ nữ trong xã đều tham gia góp thóc…

Xóa nghèo theo cách Kon Chiêng

Xóa đói thì chưa đủ, làm sao phải thoát nghèo mới là đích mà chị em phụ nữ xã Kon Chiêng nhắm đến. Sau khi bàn bạc, chị em cùng đi đến thống nhất là phải có quỹ để phát triển kinh tế. Mà tiền biết lấy ở đâu ra bây giờ. Cái khó ló cái khôn, giải pháp cuối cùng bật ra là “tiền ngay ở dưới chân”. Những khu đất gần suối, ruộng rẫy bỏ hoang được chị em khai phá, tạo quỹ đất của Hội. Hàng chục hécta mì đã ra đời dưới bàn tay cần cù của chị em phụ nữ. Không ai ngờ số tiền thu từ tiền bán mì lên tới vài trăm triệu đồng. Số tiền này được đem cho các hộ phụ nữ nghèo trong xã vay không tính lãi để làm ăn.

“Hội còn mua bò mẹ cho các hộ nghèo nuôi, sau khi đẻ con, bò mẹ sẽ được chuyển cho hộ khác. Tiền đó cũng được dùng để cho mấy chị em phụ nữ vay để mua phân bón, mua giống. Ngoài ra, phụ nữ cũng giúp hộ nghèo làm đổi công”- chị Kueng cho biết.

Là một trong số những hộ nghèo, chị Rơih được cho vay 5 triệu đồng. Nguồn vốn ấy chị dùng mua dụng cụ để dệt thổ cẩm đem bán. Tích lũy được một số tiền, chị Rơih mua bò sinh sản. Bây giờ đàn bò nhà chị đã có 90 con; tổng thu nhập của gia đình mỗi năm hơn 200 triệu đồng. Nhìn ngôi nhà xây kiên cố, trong nhà không thiếu tiện nghi, chúng tôi biết cái đói cái nghèo đã rời xa gia đình chị lâu lắm...

Cũng như chị Rơih, chị AYet ở làng K’Tu cũng thoát nghèo bằng những đồng vốn nghĩa tình này. Chị AYet kể: Lúc mới tách hộ, do ruộng rẫy ít, nên hầu như năm nào gia đình chị cũng thiếu ăn. Chị cũng đã vay vốn ngân hàng làm ăn, nhưng không hiệu quả, nhiều năm không trả xong nợ. Cuối cùng chị A Yet được Hội Phụ nữ xã Kon Chiêng cho vay 17 triệu đồng để mua bò nuôi; cho mượn lúa ăn lúc thiếu… Rồi chị em xúm vào giúp đỡ ngày công, bày cách làm, chỉ dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, gia đình chị A Yet đã dần trả hết nợ. Giờ đây, hộ chị AYet không những thoát nghèo, mà còn trở thành hộ khá giả trong thôn làng…


  Hiện chị em phụ nữ xã Kon Chiêng đang quản lý 31 tấn thóc, gần 30ha mì, 25 con bò sinh sản và hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ các hộ nghèo vay vốn. Các chị còn đang bàn nhau tìm hiểu để trồng tiêu, cà phê để cho thu nhập cao hơn…   


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem