Được thành lập vào năm 2015, Hợp tác xã (HTX) Nặm La là nơi quy tụ của 10 hộ nông dân thuộc bản Giảng Lắc, P.Quyết Thắng (Tp.Sơn La), do bà Cà Thị Thỏa (SN1960) làm giám đốc. Là một người con dân tộc Thái, lại có tri thức, bà Thỏa nhận thấy những giá trị truyền thống của dân tộc mình đang dần bị mai một trong đời sống hiện đại, trong đó có nghề dệt thổ cẩm.
Những người phụ nữ Thái ở TP.Sơn La vẫn miệt mài với công việc dệt vải thổ cẩm mỗi ngày.
Vì vậy, sau khi nghỉ hưu, bà đã bàn với một số gia đình cùng bản góp đất, góp tiền, thành lập HTX Nặm La với mục đích giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm cùng ẩm thực dân tộc Thái đến nhiều khách hàng. “Trước đây, sản phẩm thổ cẩm được nhiều bà con người Thái tự làm để phục vụ trong gia đình, làm quà cho con gái về nhà chồng. Nhưng ngày nay, có nhiều sản phẩm thổ cẩm công nghiệp xuất hiện với giá thành rẻ, chất lượng thấp làm lệch lạc đi bản sắc của những thước vải thổ cẩm truyền thống. Hơn nữa, lớp trẻ hiện nay ít quan tâm đến nghề này làm cho nghề dệt truyền thống dần biến mất đi.” Bà Thỏa tâm sự.
Toàn bộ các loại vải cũng như sản phẩm của HTX Nặm La đều được bà Thỏa và những thành viên khác dệt và may thủ công.
Những ngày mới thành lập, HTX Nặm La đầu tư 10 khung dệt vải và kêu gọi những người có kinh nghiệm dệt vải tham gia vào tổ dệt. Bà Thỏa lặn lội đi tìm nơi cung cấp các loại chỉ may và bông gạo chất lượng cao về làm nguyên liệu sản xuất. Để cạnh tranh được với các sản phẩm thổ cẩm công nghiệp giá rẻ, bà Thỏa không chọn đối đầu về giá mà chú trọng vào nâng cao chất lượng sản phẩm và hướng tới đối tượng khách hàng là những người thực sự quan tâm, yêu thích các sản phẩm truyền thống.
Các sản phẩm đều được dệt tay, đúng quy trình, các họa tiết trên vải được thêu theo đúng phong cách hoa văn của người Thái như hình thoi, quả trám, hoa ban cách điệu... Những thước vải sặc sỡ, được dệt rất cẩn thận nên tốn khá nhiêu thời gian và đòi hỏi người thợ dệt phải kiên trì, khéo léo. Từ những thước vải ấy sẽ được các chị, các mẹ cắt may và tạo ra các sản phẩm quen thuộc của người Thái như: Quần, áo, chăn đắp, túi đeo, đệm…
Được làm từ chất liệu tốt và dệt cẩn thận nên những thước vải thổ cẩm rất dày dặn, sợi vải mịn, các hoa văn, họa tiết nổi bật.
Để đảm bảo chất lượng tối ưu cho từng sản phẩm, các thành viên đã phân công công việc cho nhau, mỗi người chuyên một công đoạn riêng. Trong đó, có người chuyên dệt vải, người phụ trách may áo, người chuyên may túi và người may chăn đệm. Hàng ngày, sau khi hoàn thành công việc của mình, mọi người họp nhau lại, trao đổi về kĩ thuật, kinh nghiệm trong nghề cũng như đưa ra giải pháp để giới thiệu sản phẩm đến nhiều khách hàng.
“Sản phẩm tốt thôi chưa đủ, quan trọng phải có được đầu ra ổn định. Đấy cũng là điều mà chúng tôi đang gặp khó khăn hiện nay. Bởi vì nhu cầu về vải thổ cẩm đang dần ít đi. Những người Thái hiện đại bây giờ cũng không còn dùng các sản phẩm thổ cẩm nhiều như trước nữa, họ chuyển sang dùng các loại áo, chăn, đệm…được may sẵn. Các sản phẩm thổ cẩm chủ yếu làm đồ lưu niệm cho du khách, một số ít được các gia đình người Thái mua dùng trong các dịp đặc biệt như ma chay, cưới xin, đầy tháng...Nhưng dù có khó khăn thế nào thì chúng tôi vẫn cố gắng duy trì nghề này.” Bà Thỏa chia sẻ thêm.
Bằng tình yêu tha thiết với nghề dệt thổ cẩm và ước muốn gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, những người phụ nữ Thái vẫn kiên trì dệt vải, may vá mặc dù thu nhập từ nghề này không nhiều.
Đang miệt mài bên khung cửi, bàn tay thoăn thoắt theo nhịp thoi đưa, bà Tòng Thị Chum tâm sự: “Từ thời con gái, tôi đã thành thạo với các công việc dệt vải, may vá. Công việc này không khó nhưng cần phải kiên trì. Nếu khéo tay thì dệt vải càng đẹp. Trung bình một buổi tôi dệt được khoảng 8m vải.”
Còn bà Cà Thị Sơ thì cho biết: “Hàng ngày, ngoài việc trồng rau, nuôi gà thì tôi đến HTX dệt vải, may vá. Công việc này không chỉ giúp tôi kiếm được 100.000 đồng/ngày mà còn mang lại niềm vui, giúp tôi được thoải mái thể hiện những kĩ năng may vá trên những thước vải sắc sỡ.”
Túi đựng đồ trang điểm kiểu dáng hiện đại nhưng vẫn đảm bảo được nét truyền thống của người Thái trong từng họa tiết, màu sắc vải.
Hiện tại, HTX đang có 5 lao động đảm nhận công việc dệt và may các sản phẩm thổ cẩm thường xuyên với mức thu nhập ổn định từ 2.000.000- 3.000.000 đồng/tháng. HTX đứng ra nhận đơn hàng, rồi giao nguyên vật liệu cho các thành viên làm và trả tiền theo sản phẩm. Trung bình mỗi tháng, HTX Nặm La thu về từ 8.000.000 – 15.000.000 đồng từ việc bán các sản phẩm thổ cẩm, trong đó chưa tính chi phí nhân công, nguyên vật liệu.
Những sản phẩm thổ cẩm được bày bán tại HTX Nặm La, phục vụ cho du khách sau khi ăn uống tại nhà hàng mua về làm quà lưu niệm.
“Dệt thổ cẩm tốn nhiều công sức nhưng lãi không nhiều. Để duy trì được nghề và đảm bảo thu nhập cho các thành viên thì HTX phải trích thêm tiền từ việc kinh doanh ẩm thực dân tộc. Chúng tôi cũng phải cải tiến, làm đa dạng sản phẩm để phù hợp với thị trường như: May hộp đựng đồ trang điểm, các túi đeo nhỏ nhắn cho khách du lịch, hoặc là may đệm bông gạo có thể gấp gọn vào thay vì các loại đệm tấm như trước kia. Bên cạnh bày bán các sản phẩm thổ cẩm của mình ngay tại HTX thì chúng tôi còn đem đi giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm…và đã tạo được ấn tượng với nhiều du khách, quan trọng hơn là giúp họ hiểu thêm về đời sống, văn hóa của dân tộc Thái.” Bà Thỏa chia sẻ thêm.
Trò chuyện với bà Thỏa cũng như những thành viên của tổ dệt, tôi cảm nhận được lòng yêu nghề, yêu truyền thống văn hóa người Thái trong họ. Với họ, vải thổ cẩm không chỉ là nguyên liệu để may vá mà còn là niềm tự hào, là biểu tượng, vẻ đẹp của người con gái Thái. Với họ, chỉ cần còn sức khỏe, thì họ vẫn còn tiếp tục nghề dệt thổ cẩm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.