Hơn 800 cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập, Phú Thọ xử lý thế nào?

Hoan Nguyễn Thứ sáu, ngày 12/07/2024 18:15 PM (GMT+7)
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, nhiều cán bộ, công chức cấp xã dôi dư, không được bố trí tiếp tục công tác. Tỉnh Phú Thọ đang rà soát, dự toán kinh phí đề xuất chế độ hỗ trợ đối với những người này.
Bình luận 0

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn cho biết, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Phú Thọ thực hiện đề án sắp xếp 56 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã. Trong đó, TP.Việt Trì có 4 ĐVHC, huyện Đoan Hùng có 14 ĐVHC, huyện Hạ Hòa có 12 ĐVHC, huyện Thanh Ba có 14 ĐVHC, huyện Cẩm Khê có 12 ĐVHC.

Phú Thọ dôi dư hơn 800 cán bộ, công chức sau sáp nhập- Ảnh 1.

Niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở UBND xã Phương Viên (Hạ Hòa) trong vòng 30 ngày trước thời điểm lấy ý kiến cử tri về sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: Thu Hương

Sau sắp xếp, Phú Thọ giảm 34 ĐVHC cấp xã, để hình thành 22 ĐVHC cấp xã mới. Hiện tại, một số ĐVHC cấp huyện có các ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp, sáp nhập đã trình HĐND huyện thông qua Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Đây không phải lần đầu tiên Phú Thọ thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính. Trước đó vào năm 2019, tỉnh này đã sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019-2021, đến nay vẫn còn 245 cán bộ, công chức dôi dư.

Theo lộ trình, năm 2024, Phú Thọ sẽ hoàn thành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025. Hiện tỉnh Phú Thọ đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án trình lên cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Phó Chủ tịch tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn cho biết cho hay, thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025, Phú Thọ dự kiến số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư dự kiến hơn 600 người. Ngay sau khi hoàn thành đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025, căn cứ vào số lượng cán bộ, công chức cấp xã dôi dư, UBND tỉnh sẽ giao Sở Nội vụ rà soát từng trường hợp cụ thể.

Đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan dự toán kinh phí tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp xã nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc. Trong đó, hỗ trợ chế độ đối với cả số lượng cán bộ công chức cấp xã dôi dư giai đoạn 2019-2021.

Phú Thọ dôi dư hơn 800 cán bộ, công chức sau sáp nhập- Ảnh 2.

Lãnh đạo huyện Lâm Thao nắm bắt tình hình và ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn xã Xuân Huy. Ảnh: Thu Hương

Theo quy định, thời gian thực hiện chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã, viên chức dôi dư nghỉ công tác do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 là 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành. Trường hợp đặc biệt, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Việc giải quyết nhân sự dôi dư sau sắp xếp là một vấn đề khó, tỉnh Phú Thọ đang tiếp tục nghiên cứu những giải pháp thiết thực để giải quyết đồng bộ, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Theo nhiều ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh Phú Thọ, trước mắt, tất cả cán bộ, công chức của các lĩnh vực tại các đơn vị thuộc địa phương sáp nhập đơn vị hành chính được giữ nguyên, hoạt động ổn định nhằm mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến tâm tư, giải quyết kịp thời nguyện vọng của cán bộ, công chức, người lao động trong giai đoạn này.

Sau đó, với cán bộ đủ tuổi nghỉ hưu, gần đến tuổi nghỉ hưu, tỉnh Phú Thọ cho nghỉ chế độ theo quy định của pháp luật. Cán bộ có nguyện vọng nghỉ công tác, chuyển công tác được giải quyết kịp thời. Đồng thời, tỉnh sắp xếp, điều động cán bộ đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn từ nơi thừa sang nơi thiếu trong cùng địa giới hành chính…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem