Giá nhựa cây sơn ở tỉnh Phú Thọ bỗng tăng trở lại, nông dân mừng rơn
Phú Thọ: Thứ cây trồng vạ vật suýt bị chặt bỏ, nay bất ngờ có giá, nông dân cứ lên đồi cạo vỏ ra tiền
Phong Hùng
Thứ tư, ngày 10/03/2021 13:02 PM (GMT+7)
Sau nhiều năm giá nhựa cây sơn xuống thấp, thậm chí không bán được, nhiều người trồng cây sơn ở tỉnh Phú Thọ chán nản, thậm chí chặt bỏ để trồng những loại cây khác. Tuy nhiên thời gian gần đây, giá nhựa cây sơn bỗng tăng trở lại khiến nông dân hết sức vui mừng.
Cây sơn được trồng ở tỉnh Phú Thọ từ bao giờ, không còn ai nhớ rõ. Trong các địa phương đi đầu trong việc trồng cây sơn lấy nhựa ở tỉnh Phú Thọ thì Tam Nông là huyện có diện tích trồng cây sơn lớn nhất với 500ha, tập trung chủ yếu ở 2 xã Thọ Văn và Dị Nậu.
Với hàng nghìn ha trồng cây sơn, đã có thời kỳ, cây sơn được coi là cây chủ lực giúp người dân tỉnh Phú Thọ xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, giai đoạn năm 2016 - 2019, giá nhựa cây sơn "lao dốc" một cách thê thảm, thậm chí là không có người mua.
"Giá nhựa sơn thời điểm đó chỉ được khoảng 110.000 – 130.000 đồng/kg, thu hoạch chẳng đủ tiền công nên người dân không mặn mà. Nhiều nhà còn chặt bỏ cây sơn để thay vào đó là trồng cây keo, trồng cây bạch đàn, thậm chí là bỏ đất trống", anh Hà Văn Trường (trú tại khu 4, xã Thọ Văn, huyện Tam Nông) chia sẻ.
Thời gian gần đây, giá nhựa cây sơn bỗng tăng trở lại, đem lại thu nhập cao khiến người dân hết sức vui mừng.
Hiện nay, giá nhựa cây sơn đã lên hơn 400.000 đồng/kg nên nông dân phấn khởi đầu tư và chăm sóc, nâng cao sản lượng và chất lượng cây sơn.
Khảo sát của Báo điện tử Dân Việt được biết, việc trồng cây sơn và cắt nhựa sơn là nghề phụ, nhưng thời điểm này lại là thu nhập chính của nhiều hộ gia đình ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Với những nhà trồng cây sơn, nhà ít thì vài nghìn cây, nhà nhiều thì trồng cả chục nghìn cây sơn. Việc chăm sóc cây sơn ít tốn công, ít tốn phân bón, nhưng mỗi tháng có thể thu hoạch được từ 6 – 7 đợt nhựa sơn, mỗi đợt người dân thu được từ 2 – 5 triệu đồng. Nhờ vậy, mỗi hộ trồng cây sơn thu nhập bình quân được gần 100 triệu đồng/năm.
"Nhà tôi là một trong những hộ trồng ít cây sơn khi chỉ có khoảng 1.000 cây. Tuy nhiên, nhờ giá nhựa cây sơn đợt này cao, được tí nào người ta thu mua hết đến đó, mỗi tháng cắt thu được 7 đợt, được hơn chục triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình giúp trang trải cuộc sống cũng như trả nợ, mua sắm vật dụng trong gia đình", chị Hoàng Thị An (trú tại xã Thọ Văn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ.
Còn theo bà Nguyễn Thị Lực (trú tại xã Thọ Văn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), trước đây gia đình bà cũng nhiều lần định chặt hết cây sơn đi vì bán giá thấp, thậm chí là không ai mua. Tuy nhiên nghĩ chặt cây đi, bỏ đất trống cũng phí vì không biết làm gì.
Rất may, khoảng hơn 1 năm nay, giá nhựa cây sơn tăng cao bất ngờ đã đem đến nguồn thu lớn nên không chỉ gia đình bà mà người dân trồng sơn yên tâm đầu tư, chăm sóc cây sơn.
"Năm 2020, diện tích trồng cây sơn trên địa bàn xã Thọ Văn trên 200ha. Trong đó diện tích cho thu hoạch gần 200ha. Sản lượng nhựa sơn năm 2020 đạt gần 20 tấn, doanh thu gần 10 tỷ đồng. Đây là nguồn thu lớn cho người dân của địa phương", ông Trần Văn Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Văn, huyện Tam Nông chia sẻ.
Cũng theo ông Đồng, đầu ra của nhựa cây sơn chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, khá bấp bênh. Do vậy, dù hiện tại nhựa cây sơn đem về thu nhập cao cho các hộ dân, tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn tuyên truyền người dân không nên mở rộng diện tích ồ ạt dẫn đến sản lượng tăng lại không có đầu ra. Nông dân nên tập trung chăm sóc diện tích cây sơn đang hiện có.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.