Xuất phát điểm ban đầu, Phùng Quang Trung - Phó nhóm Team Lee (nhóm tình nguyện phục dựng ảnh liệt sĩ trao tặng cho các thân nhân) chỉ là ghép ảnh những người đã khuất ở cạnh người còn sống giúp các gia đình có được bức ảnh đoàn viên, gắn kết dù đã chia lìa âm dương. Cái duyên tình cờ đã dẫn lối cho Phùng Quang Trung gắn bó với công việc phục dựng di ảnh liệt sĩ.
Anh Phùng Quang Trung đã có những trải lòng với Dân Việt về hành trình ấy đầy thú vị và ý nghĩa.
Ai là người đầu tiên mà Phùng Quang Trung chia sẻ về ý tưởng phục dựng ảnh liệt sĩ?
- Nếu nói về người đầu tiên thì là Trưởng nhóm của chúng tôi - anh Lê Quyết Thắng. Tôi và anh Thắng quen nhau rất tình cờ trong trên mạng xã hội và cùng thành lập nên một kênh Tiktok. Một lần, có một gia đình biết đến chúng tôi và nhờ làm ảnh. Sau khi nhận kết quả, chúng tôi chợt nảy ra ý tưởng sẽ thành lập ra một team phục dựng ảnh và đó cũng là nguyên nhân Team Lee ra đời.
Tại sao nhóm lại lấy tên là Team Lee? Có ý nghĩa đặc biệt gì sau tên gọi đấy?
- Ý nghĩa của nhóm không có gì cao siêu cả đâu. Team nghĩa tiếng Việt là "một nhóm, một tập thể nhỏ", còn Lee là xuất phát từ họ Lê của anh trưởng nhóm Lê Quyết Thắng. Chúng tôi ghép lại thành Team Lee thôi. Ban đầu thì nhóm có 6 thành viên, đến hiện tại thì là 12 thành viên. Các anh em đến với nhau đều vì cái duyên, mỗi người một tỉnh thành như: Nghệ An, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nội... mỗi người một nghề, thậm chí hầu như chẳng liên quan đến dựng ảnh hay photoshop.
Mỗi người một nghề, mỗi người sống một nơi... vậy nhóm hoạt động, làm việc với nhau như thế nào?
- Điều cốt lõi mà tôi nghĩ chúng tôi có thể đồng hành với nhau lâu đến thế là mỗi người đều cảm thấy yêu và trân trọng công việc này, có lòng biết ơn đến sự hy sinh của cha ông, lúc nào cũng nỗ lực, nhìn nhau mà chủ động làm. Dù rằng, có nhiều khác biệt về nơi chốn, công việc nhưng chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy đó là khó khăn và sẽ luôn tìm cách để khắc phục nó. Khi có dự án thì chúng tôi sẽ họp trực tuyến với nhau, phân chia công việc, gần đến ngày thì sẽ tập trung ở một địa điểm để hoàn thiện nốt công việc của dự án.
Các thành viên trong nhóm phục dựng di ảnh liệt sĩ Team Lee. Ảnh NVCC
Thời điểm ban đầu khi thực hiện công việc, có ai từng có nhận định không đúng hoặc tiêu cực về công việc của anh chưa?
- Thực chất là cho đến hiện tại, những nhận định tiêu cực vẫn còn tồn tại. Ban đầu khi mới làm, có nhiều người nói là mình rảnh mới làm, rỗi hơi và đặc biệt là việc tri ân liệt sĩ miễn phí như thế này thì rất nhiều người không thích, nhất là những người trong nghề vì điều đó ảnh hưởng đến công việc của họ. Thứ hai là có một số người, ý thức chính trị non kém nên có những lời lẽ xúc phạm và ảnh hưởng đến công việc của chúng tôi. Nhưng chúng tôi bỏ ngoài tai hết và chỉ tập trung vào công việc của mình.
Phùng Quang Trung có coi những nhận định đó là một động lực thúc đẩy mình tiếp tục thực hiện công việc của mình không?
- Có thời điểm đầu, tôi khá stress và sốc vì không nghĩ là mình làm một công việc mang ý nghĩa tri ân tích cực mà lại có những sự tiêu cực đến với mình như vậy. Tuy nhiên, những thành viên trong nhóm cũng an ủi nhau rất nhiều vì chúng tôi nghĩ điều mà mình nên hướng tới, tập trung là sự đón nhận của đông đảo mọi người thay vì chú trọng vào những nhận định tiêu cực của thiểu số.
Nếu nói nó là động lực thì là một phần đấy, vì nó giúp chúng tôi rèn sức bền, còn để nói là mình làm vì muốn minh chứng cho ai đó thấy điều gì thì không. Thứ chúng tôi quan tâm là mình giúp ích được bao nhiêu cho xã hội nói chung, thân nhân gia đình liệt sĩ nói riêng.
Cho đến nay, nhóm của Phùng Quang Trung đã phục dựng được bao nhiêu di ảnh rồi?
- Có thể vì mải cuốn theo công việc nên khó để có được một con số cụ thể lắm. Tính đến hiện tại, ước chừng thì cũng lên đến con số hàng nghìn bức. Trong 3 năm thì đó cũng con số khiến chúng tôi bất ngờ, nhưng tuy nhiên dù không nhớ con số chính xác bức ảnh đã phục dựng nhưng nhìn bức nào là tôi có thể nói ngay về câu chuyện đằng sau trường hợp đó, có thể coi như đó là cách chúng tôi lưu giữ nhật ký, ký ức chiến đấu, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, những cảm xúc của thân nhân khi ôm di ảnh người thân trong lòng.
Vậy đâu là kỷ niệm mà Phùng Quang Trung nhớ nhất trong những lần trao tặng di ảnh cho thân nhân các liệt sĩ?
- Khi trao di ảnh đến thân nhân liệt sĩ, nhiều mẹ tuổi đã cao, không còn minh mẫn nữa... tự nhiên nhận được sự quan tâm của những người trẻ như chúng tôi nên tưởng nhầm là con, mẹ ôm chúng tôi gọi tên con của mẹ và khóc rất nhiều. Trường hợp khó quên nhất với tôi có lẽ là sự ra đi đột ngột của một người mẹ liệt sĩ ở Hải Dương. Khi nhóm đến trao di ảnh mới biết mẹ đã đột ngột qua đời cách đó không lâu.
Quá ngỡ ngàng trước tình huống như vậy, tôi có cảm giác từ trên mây rơi tuột xuống dưới đáy, khi đặt di ảnh của liệt sĩ lên trên ban thờ cạnh di ảnh của mẹ. Ai cũng khóc, khóc vì thương, vì cảm thấy bất lực trước sự khó lường của nhân sinh. Cú sốc lớn đó cũng làm tôi chợt nhận ra rằng, thời gian cho các mẹ không còn nhiều, bằng mọi cách có thể, phải làm thật nhanh và thêm nhiều thật nhiều những bức di ảnh khác để các mẹ được an ủi phần nào.
Phùng Quang Trung trong một lần trao di ảnh đến thân nhân liệt sĩ. Ảnh: Đào Trang
Hiện tại, công nghệ và trí tuệ nhân tạo AI rất phát triển, hỗ trợ rất cho công việc ở đa ngành nghề. Team Lee có ứng dụng những công nghệ đó vào trong công việc này?
- Như đã nói ở trên, xuất phát điểm của tôi hay của nhóm đều không phải về dựng ảnh và photoshop. Tất cả đều là chúng tôi tự học và tự dạy lại cho nhau bằng những phần mềm cơ bản nhất trong chỉnh sửa ảnh. Tất nhiên, trí tuệ nhân tạo AI hiện tại đang rất phát triển, nhưng chúng tôi hoàn toàn không sử dụng.
Với chúng tôi để ứng dụng AI vào thì rất nhanh, có khi nhanh gấp nhiều lần so với thủ công hiện tại của chúng tôi. Nhưng thật sự, cái chúng tôi rất quý là từng đêm tỉ mỉ vẽ lại từng đường nét trên gương mặt, ánh mắt của các liệt sĩ, là những đêm mày mò, trao đổi với thân nhân khi phác họa phù hiệu của họ. Họ đã hy sinh cả cuộc đời lớn lao như vậy thì đổi lại sự chăm chút của chúng tôi qua từng bức di ảnh là lời tri ân thành tâm nhất với họ.
Vậy theo Phùng Quang Trung, khó nhất trong phục dựng ảnh các liệt sĩ là gì?
- Nói khó thì cũng khá nhiều. Đầu tiên là về tư liệu ảnh. Có những bức ảnh đen trắng nhưng chi tiết rõ ràng thì thực hiện rất nhanh. Nhưng cũng có những bức ảnh không còn được nguyên vẹn, nhiều chi tiết mờ, không thấy rõ quân hàm, thậm chí còn có những trường hợp không có cả ảnh, nhóm phải trao đổi rất nhiều với gia đình, địa phương để có thông tin chính xác nhất. Không có ảnh thì phải dựa trên miêu tả của người thân liệt sĩ, lấy ảnh người nhà để tạo thành nhân diện cho liệt sĩ. Sau khi đầy đủ về tư liệu ảnh thì phải dựng sao cho ánh mắt của chiến sĩ có hồn, rõ nét. Sau rất nhiều công đoạn, mừng nhất là lúc trao di ảnh, thân nhân nhận ra đó chính là người con, người cha, người ông quá cố của mình.
Ngoài việc khó về kỹ thuật phục dựng, Phùng Quang Trung còn nỗi trăn trở nào khác?
- Thật sự, phục dựng ảnh đã khó, nhưng trao ảnh lại còn phải cẩn trọng hơn. Hầu như những mẹ có con đi kháng chiến xưa đều là đã lớn tuổi, nhiều khi sợ mẹ nhìn thấy ảnh của các con sẽ sốc, ảnh hưởng đến sức khỏe. Đã từng có trường hợp một mẹ, chúng tôi còn chưa trao ảnh, người nhà của mẹ mới chỉ cho mẹ xem ảnh trên điện thoại thôi nhưng mẹ đã khóc nhiều quá, phải nhập viện để truyền nước. Để rất hạn chế những tình huống như vậy, chúng tôi phải chủ động liên hệ với địa phương và người nhà để nắm rõ được tình trạng sức khỏe của các mẹ sau đó mới tìm ra phương án phù hợp để trao tay mẹ.
Vậy về cá nhân, bạn phân bổ thời gian ra sao để vừa thực hiện công việc chính, vừa thực hiện công việc phục dựng ảnh?
- Buổi sáng thì tôi dành thời gian để làm công việc chính, còn từ 10h tối trở đi, tôi dành trọn vẹn cho phục dựng ảnh. Công việc này cần sự tập trung cao và yên tĩnh nên buổi đêm với tôi là thời gian thích hợp nhất.
- Từ ngày làm công việc này, tôi cứ tranh thủ ngủ lúc nào thì ngủ lúc đấy thôi! Tôi không có thời gian ngủ nghỉ cố định trong ngày. Lúc đầu thì sức khoẻ có bị ảnh hưởng nhưng có lẽ đã 3 năm nên tôi đã quen rồi.
Đó có phải sự đánh đổi khi thực hiện lý tưởng của mình không?
- Không, tôi chưa bao giờ coi đó là sự đánh đổi mà thấy mọi thứ đều xứng đáng. Thực chất, ai cũng trải qua thanh xuân, tôi luôn nghĩ sau này khi già, nhìn lại quãng thời thanh xuân của mình sẽ thấy nó rất ý nghĩa, rất đẹp, không có gì nuối tiếc vì mình đã cố gắng rất nhiều.
Một góc làm việc của Quang Trung. Ảnh Đào Trang
Phùng Quang Trung nghĩ nghĩa cử tri ân có ý nghĩa lớn thế nào với giới trẻ hiện nay?
- Với giới trẻ thì tôi không dám nhận định chung, nhưng chỉ riêng với cá nhân tôi, việc biết nhớ về cội nguồn rất quan trọng, biết trân trọng sự hy sinh của các liệt sĩ cũng là cách để biết quý trọng những gì mình đang có. Trước đây, tôi được đánh giá là khá nghịch, nhưng theo thời gian, một phần là nhờ công việc này, tôi cảm giác tôi trưởng thành cùng với nó. Tôi nhận được nhiều lời cảm ơn của các gia đình nhưng cái chúng tôi không mong nhận nhất cũng chính là lời cảm ơn vì chính chúng tôi mới là người phải nói cảm ơn ông cha đã cho chúng tôi tự do, hoà bình để chúng tôi có cơ hội ngồi đây làm được công việc này.
Vậy đâu là món quà ý nghĩa nhất đối với Phùng Quang Trung và Team Lee nhận được thông qua việc làm ý nghĩa này?
- Một phần thưởng ý nghĩa với Team Lee và tôi không đến từ cá nhân tổ chức hay gia đình nào, cũng không phải là một sự ghi nhận. Tôi xúc động khi chứng kiến từ hành trình của mình, rất nhiều đội nhóm và các cá nhân khác được truyền cảm hứng đã lên những dự án hướng tới tri ân liệt sĩ. Lấy chủ đề là phục dựng ảnh, nhiều nhóm cũng ứng dụng công nghệ AI để dựng lại ảnh. Đối với công việc về tri ân, sẽ có nhiều cách thức khác nhau nhưng tựu chung, điểm chung mà các nhóm và dự án hướng tới là lan tỏa giá trị lịch sử và đạo lý uống nước nhớ nguồn. Nên món quà lớn nhất đối với tôi hiện tại là sự lan tỏa rộng rãi với cộng đồng.
Cảm ơn Phùng Quang Trung đã chia sẻ thông tin!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.